Những nghệ sĩ mà chúng tôi gặp dịp này, mỗi người giữ trong mình những tình cảm, kỷ niệm rất riêng về TPHCM, song cùng gặp nhau ở một điểm - hạnh phúc khi cùng được trải qua những thăng trầm và nhìn thấy sự lớn mạnh của thành phố sau 40 năm giải phóng.
NSƯT - Đạo diễn Ca Lê Hồng: Tự hào vì đã làm việc hết lòng
Tôi là một người con của miền Nam, tập kết ra Bắc và hoạt động nghệ thuật khi mới 14, 15 tuổi. Sau đó, tôi được tuyển chọn đi học đạo diễn ở Nga. Đó là khoảng thời gian tôi thấy mình lớn lên cả về nghề nghiệp lẫn ý thức chính trị. Tôi hiểu mình chính là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
Sau khi đất nước thống nhất, tôi trở về Nam, tiếp quản Trường Quốc gia Âm nhạc Kịch nghệ, tiếp đó cùng một số các anh chị nghệ sĩ xây dựng và giảng dạy tại Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Sân khấu - Điện ảnh).
Đặc biệt trong quá trình hoạt động và phát triển, nhà trường còn có sự tham gia truyền nghề của bác Năm Châu, cô Phùng Há và một số nghệ nhân giỏi nghề. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chúng tôi đã tổ chức đào tạo được nhiều lĩnh vực: diễn viên cải lương, diễn viên kịch nói, đạo diễn sân khấu, phim ảnh… Đội ngũ này cũng là lực lượng nghệ sĩ tâm huyết làm nên các sân khấu kịch xã hội hóa, hoạt động mạnh mẽ, sôi nổi trong những năm qua.
Với 60 năm tuổi nghề, đặc biệt là quãng thời gian từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay, tôi cảm thấy tự hào rằng mình đã xả thân và làm việc hết lòng để giữ ngọn lửa nhiệt huyết, nét thanh xuân tươi mới với nghệ thuật, gắn bó và hết lòng với nghề, với công tác giảng dạy.
Nhiều năm qua, lãnh đạo TPHCM luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tổ chức nhiều sinh hoạt, tạo điều kiện nâng cao chất lượng cho các hội chuyên ngành, đầu tư cho tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ hoạt động và phát triển… Tuy nhiên, vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, sự quan tâm đó dẫu có nhưng chưa thể thỏa mãn hết yêu cầu, những đòi hỏi cấp thiết của giới nghệ sĩ. Thế nên, tôi rất mong trong tương lai không xa, thành phố sẽ có thêm nhiều chế độ, chính sách, cơ chế, dành riêng cho nghệ sĩ, đặc biệt là sân khấu nghệ thuật truyền thống, để anh em nghệ sĩ yên tâm làm nghề, hết mình đóng góp cho nghệ thuật.
NSƯT - Nhạc sĩ Thế Hiển: Phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo
Tôi được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn - TPHCM. Sau khi đất nước thống nhất, thanh niên chúng tôi rất ngỡ ngàng trước cuộc sống mới. Thông qua Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chúng tôi được tổ chức cho học tập, tham gia các phong trào với nhiều hình thức hoạt động: y tế, văn nghệ, thể thao, làm sạch đẹp đường phố, bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy, đào kênh thủy lợi, phục hóa khai hoang...
Chúng tôi tham gia tích cực các hoạt động thanh niên ấy bằng niềm tin: Đã qua rồi chiến tranh, đất nước hòa bình, mỗi con người tại Sài Gòn - TPHCM càng phải nỗ lực, cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước.
Trải qua 40 năm thành phố dựng xây, đổi mới, phát triển, tôi cảm nhận được Nhà nước, chính quyền TPHCM đã tạo nhiều điều kiện cho giới nghệ sĩ được tự do sáng tạo, đầu tư cho sáng tác văn học nghệ thuật, giúp chúng tôi thể hiện tốt vai trò, ý thức, trách nhiệm của mình đối với nghệ thuật và đời sống xã hội.
Đặc biệt, với lĩnh vực âm nhạc, tại TPHCM hiện quy tụ khoảng 400 nhạc sĩ sinh sống, làm việc. Anh em có mái nhà chung là Hội Âm nhạc TPHCM. Ở đây, chúng tôi được sinh hoạt, giao lưu, trao đổi, học tập nâng cao chuyên môn, cập nhật tình hình thời sự, được giúp đỡ để có thể phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của mỗi người. Trong hội, nhiều thế hệ cứ tiếp nối nhau liên tục, người đi trước hỗ trợ người đi sau, cùng năng động, sáng tạo, giúp hoạt động âm nhạc tại TPHCM và nhiều tỉnh thành khác thêm sôi nổi, đa sắc, phong phú.
NSƯT Kim Xuân: Vui vì được sống với đam mê
Khi Sài Gòn giải phóng, tôi đang ở tuổi 19 - tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ chập chững vào đời. Tôi may mắn có mặt trong số 12 thanh niên Sài Gòn đầu tiên đậu vào Nhà Nghệ thuật quần chúng (lúc ấy nằm ở số 1 Công trường Lam Sơn), sau đó thi đậu vào Đoàn kịch Cửu Long Giang (giờ là Nhà hát Kịch thành phố). Ba năm được đào tạo tại đây, chúng tôi vừa học, vừa được thực hành - tham gia các vở kịch của đoàn. Năm 1976, tôi đã bước lên sân khấu với vai chính Giao, trong vở Tình ca của tác giả Ngô Y Linh, đạo diễn Bạch Lan dàn dựng.
Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời, cũng như sự nghiệp của tôi, vì Tình ca là vở kịch cách mạng và tôi - một thanh niên Sài Gòn đầu tiên được giữ vai chính. Sau vai này, tôi được các đạo diễn để ý và thường được mời vào các vai đào đẹp của sân khấu.
Có thế nói, tôi đã song hành cùng mọi thăng trầm và chứng kiến những bước chuyển mình của thành phố mang tên Bác; được làm nghề, nhưng cũng nếm trải nhiều vất vả, khó nhọc và cũng trưởng thành từ những khó khăn chung của cả thành phố qua các thời kỳ. Đã có lúc sân khấu chao đảo, đời sống nghệ sĩ vô vàn khó khăn. Tôi cũng đã từng theo nhóm tấu hài đi lưu diễn để kiếm sống. Nhiều nghệ sĩ từng muốn bỏ nghề… Nhưng ngẫm lại, chính những khó khăn ấy như ngọn lửa trui rèn để chúng tôi vững vàng hơn, kiên định hơn. Giờ đây, chẳng gì có thể làm tôi nản lòng, bỏ cuộc. Nhìn lại chặng đường 40 năm đã qua, tôi thấy mình thật may mắn đã được đồng hành cùng thành phố, ngày càng hạnh phúc vì được sống với đam mê, với thành phố thân yêu của mình.
THÚY BÌNH - NHƯ HOA (ghi)