Các cầu thủ U19 HAGL dự giải Sinh viên Đông Nam Á
Những tân sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM (ĐHSP TDTT) đến từ Học viện HAGL - Arsenal JMG nhiều khả năng sẽ đại diện Việt Nam tham dự môn bóng đá tại Đại hội Thể thao Sinh viên Đông Nam Á sẽ diễn ra vào đầu tháng 12 tới. Đối với những ngôi sao U19 Việt Nam như Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… thì đây vừa là nghĩa vụ vừa là trách nhiệm.
Hãnh diện cho giới cầu thủ
Đã có nhiều ý kiến cho rằng việc cử các cầu thủ U19 tiếp tục tham gia giải bóng đá dành cho sinh viên là không hợp lý, một hình thức “vắt kiệt sức” các cầu thủ trẻ này sau một năm mà họ, những trụ cột của đội U19 Việt Nam, đã trải qua quá nhiều trận đấu.
Những ý kiến như vậy không hẳn là vô lý, tuy nhiên, có lẽ chúng ta quên mất rằng: ngoài là cầu thủ, họ đang là những tân sinh viên. Họ có trách nhiệm với môi trường mới, nơi mà nghĩa vụ cống hiến của họ không hề kém chuyện đá bóng cho HAGL tại V-League hay các đội tuyển
quốc gia.
Thật ra, việc họ có được phép thi đấu hay không còn tùy thuộc quy định của các giải đấu dành cho sinh viên. Ví dụ, những Công Phượng, Văn Toàn… sẽ không được khoác áo đội tuyển ĐHSP TDTT dự giải bóng đá sinh viên toàn quốc 2014 đang diễn ra vì họ đã là cầu thủ chuyên nghiệp, tuy nhiên họ lại đủ tư cách để dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Các cầu thủ U19 chào khán giả tại giải Đông Nam Á trên sân Mỹ Đình, Hà Nội
Ở một góc độ khác, sự góp mặt của các cầu thủ U19 trong màu áo sinh viên cần được xem như sự hãnh diện của giới cầu thủ. Chuyện các cầu thủ vừa đá bóng, vừa theo học đại học thuộc vào dạng hiếm ở Việt Nam dù đây là chuyện phổ biến trên thế giới, nhất là khu vực Châu Á. Từ trước đến nay, các trường đại học vào cao đẳng chuyên ngành thể thao vẫn tham gia thường xuyên các cuộc thi trong nước, chỉ có lần này, với sự góp mặt của các tuyển thủ U19 thì có vẻ đặc biệt hơn chứ không phải ngoại lệ.
Một nền bóng đá có văn hóa
Những phản ứng về việc các cầu thủ U19 dự giải Sinh viên Đông Nam Á chủ yếu xuất phát từ sự kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ vào thành công của họ trong thi đấu. Chúng ta ngại các cầu thủ U19 phải tham gia quá nhiều sân chơi nhưng chúng ta lại quên mất một chi tiết quan trọng: họ đang là những sinh viên đi đá bóng. Đấy chính là một trong những mong muốn của bầu Đức ngay từ những ngày đầu thành lập Học viện HAGL. Ông muốn các cầu thủ từ “lò” đào tạo của mình phải đá bóng giỏi và học văn hóa cũng tốt như thế.
Một quốc gia phát triển luôn cần nhiều sinh viên chơi thể thao đỉnh cao, cần có thêm những môi trường học tập có sự phát triển thể thao để thúc đẩy sự phát triển tư duy lẫn thể chất. Hãy thử tưởng tượng, nếu những cầu thủ U19 thành công trong cả thi đấu tại V-League nhưng vẫn bảo đảm việc học tập để ra trường với tấm bằng cử nhân thì đó chính là những tấm gương sáng cho nhiều thế hệ sau này. Một cầu thủ có thi đấu chuyên nghiệp hay không thì vẫn cần có trình độ văn hóa, yếu tố giúp họ trưởng thành sau khi giã từ sự nghiệp. Và một khi đã là sinh viên, họ vẫn phải có trách nhiệm với trường học, không nên có chuyện đặc cách “để dành sức lực cho V-League hay đội tuyển quốc gia”.
Thế nên, sự việc cầu thủ U19 dự giải bóng đá sinh viên không có gì phải ầm ĩ. Nhìn ở góc độ tích cực, đấy còn là con đường mới cho bóng đá và cả thể thao chuyên nghiệp Việt Nam sau một thời gian rất dài không thay đổi được chất lượng phát triển thể thao học đường.
Cơ hội hòa nhập thế giới
Nếu việc các tuyển thủ U19 khoác áo sinh viên dự Đại hội Thể thao Sinh viên Đông Nam Á gây nhiều phản ứng trái chiều tại Việt Nam thì nó lại chẳng có gì đặc biệt so với thế giới. Thể thao trong trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam kém phát triển do thiếu sân chơi, cơ sở vật chất, đó là một sự thiệt thòi của sinh viên, trong khi đó, ngay tại các nước Đông Nam Á, rất nhiều VĐV đỉnh cao xuất thân từ các CLB thể thao tại trường học. Đây là một trong những chiếc nôi của thể thao đỉnh cao rất quan trọng, chính vì lẽ đó mà Đại hội Thể thao Sinh viên Đông Nam Á đã được tổ chức đến lần thứ 17, còn ở quy mô Châu Á, năm nào Liên đoàn Thể thao các trường đại học Châu Á (AUSF) cũng tổ chức các giải vô địch từng môn thi đấu cho sinh viên. Ở tầm vóc lớn hơn chính là Olympic Sinh viên Thế giới (Universiade) được tổ chức 2 năm một lần từ năm 1923 đến nay.
Công Phượng, Văn Toàn… sẽ không được khoác áo đội tuyển ĐHSP TDTT dự giải bóng đá sinh viên toàn quốc 2014 đang diễn ra vì họ đã là cầu thủ chuyên nghiệp, tuy nhiên họ lại đủ tư cách dự Đại hội Thể thao Sinh viên Đông Nam Á. |
Theo quy định của AUSF, các sinh viên tuổi từ 17 đến 28 đều đủ tư cách tham gia thi đấu tại những giải vô địch từng bộ môn. Những môn tập thể như bóng đá, bóng chuyền giới hạn tuổi đến 25 và quy định các đội tuyển bắt buộc phải thuộc một trường đại học cụ thể. Như vậy, việc một số cầu thủ U19 dự giải sinh viên Đông Nam Á (nếu đứng trong Top 3 thì sẽ được dự giải bóng đá sinh viên Châu Á 2015) là hoàn toàn bình thường, thậm chí còn là thiệt thòi bởi họ chỉ mới nhập học.
Các giải bóng đá sinh viên Châu Á thường quy tụ các đội bóng rất mạnh đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Iran… với nhiều cầu thủ sau này khoác áo tuyển quốc gia. Ở những nước có nền bóng đá phát triển, các trường đại học chính là nơi đào tạo cầu thủ tốt nhất. So với họ, việc ĐHSP TDTT tham gia với sự có mặt của những tuyển thủ U19 Việt Nam cũng chưa là gì cả.
Bóng đá học đường - Nguồn “tài nguyên” vô tận
Trong những năm qua, những người làm công tác bóng đá ở nước ta luôn hướng sang những quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản để nghiên cứu mô hình bóng đá học đường mà những nước này đã và đang làm. Ngay như ở Thái Lan, không chỉ có bóng đá sinh viên ở sân cỏ mà ngay cả đội tuyển futsal sinh viên của họ cũng rất mạnh. Những điều đó cho thấy phong trào bóng đá ở nhiều quốc gia đã hướng vào học đường từ rất lâu và những năm qua đã đều đặn hái quả.
Ở Việt Nam, những cầu thủ xuất thân học đường vốn rất hiếm hoi, nhưng họ đã để lại dấu ấn như trường hợp hậu vệ Trần Công Minh, Lưu Ngọc Hùng… Hay xa hơn nữa là trước năm 1975, nguồn cầu thủ trụ cột cho các CLB, đội tuyển cũng đa phần xuất thân từ các đội bóng học sinh như Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Ngọc Thanh, Hồ Thanh Cang…
HLV Graechen nhận quà lưu niệm từ Trường Đại học Sư phạm TDTT TPHCM
Ở nhiều quốc gia, chuyện đầu tư vào bóng đá học đường đã được vận hành từ lâu và rất bài bản. Trong khi ở Việt Nam, chuyện này vẫn chưa được chú trọng lắm, một phần là khi bắt tay vào làm thì gặp một số khó khăn khi con em đến tuổi trưởng thành, đa phần các phụ huynh đều không hứng thú cho con em mình theo nghề đá bóng. Gần nhất, Liên đoàn Bóng đá TPHCM đã phối hợp Sở GD-ĐT và Sở VH-TT-DL TPHCM trong việc liên kết đưa bóng đá vào học đường từ cấp tiểu học. Đây là việc nên làm và cần nhân rộng đến nhiều địa phương khác.
Thúy Vy - Quốc Cường