Ngoại giao cricket

Người dân Ấn Độ và Pakistan có tình yêu mãnh liệt với môn cricket. Đối với nhiều người, cricket được xem như một tôn giáo. Ngày 30-3 tới đây, sân vận động của TP Mohali (Ấn Độ) sẽ lại sục sôi với trận bán kết giải World Cup Cricket giữa 2 đội tuyển Ấn Độ-Pakistan. Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani sẽ tới dự khán trận đấu cùng người đồng cấp Ấn Độ.

Lời mời được đưa ra ngay trước thềm các cuộc đối thoại cấp Bộ trưởng nội vụ của 2 nước (trong 2 ngày 28 và 29-3). Đại diện 2 nước sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, lần đầu tiên kể từ vụ khủng bố đẫm máu tại Mumbai (170 người thiệt mạng năm 2008). Vụ khủng bố khiến 2 nước thù nhau vì Ấn Độ nghi thủ phạm đánh bom đặt trụ sở ở Pakistan.

Như vậy, một lần nữa, “ngoại giao cricket” lại được sử dụng nhằm làm dịu mối quan hệ không mấy êm ả giữa Ấn Độ-Pakistan.

Người tiên phong sử dụng ngoại giao cricket là cựu Thủ tướng Pakistan Zia-ul-Haq. Năm 1978, ông Zia mời một đội cricket của Ấn Độ sang thi đấu tại Pakistan. 9 năm sau, ông Zia đưa phương pháp ngoại giao trên lên một tầm cao mới khi cùng Thủ tướng Ấn Độ thời điểm đó là Rajiv Gandhi đến xem một trận cricket giữa 2 đội tuyển quốc gia tại Jaipur, Ấn Độ. Đây là giai đoạn khá đen tối trong quan hệ song phương với tình hình biên giới nóng từng giờ thông qua lượng lớn binh lính được điều động. Ngay sau trận đấu, các cuộc đối thoại cấp cao đã diễn ra.

Gần đây nhất, năm 2005, cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf cũng làm sống lại phương thức ngoại giao này khi đến xem một trận cricket thể nghiệm giữa Ấn Độ và Pakistan tại New Delhi. Ông Musharraf và Thủ tướng Ấn Độ M.Singh cũng có các cuộc đàm phán ngay sau trận đấu.

Lịch sử Ấn Độ-Pakistan từng chứng kiến 4 cuộc chiến lớn xảy ra vào các năm 1947, 1965, 1971 và 1999 mà đa phần xuất phát từ tranh chấp khu vực Kashmir. Ngoài ra, còn rất nhiều cuộc xung đột nhỏ, lẻ khác giữa 2 bên khiến cộng đồng quốc tế luôn phải lo lắng, để tâm đến “thùng thuốc súng” Nam Á. Bất kỳ biến cố nào xảy ra cũng sẽ để lại hậu quả tàn khốc bởi cả 2 quốc gia này đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan luôn có bóng dáng của Mỹ.

Tiến sĩ Subhash Kapila, nhà bình luận của trang mạng Phân tích Nam Á (SAAG), cho rằng quan hệ Mỹ-Pakistan-Ấn Độ là một tam giác với đỉnh tam giác chính là Mỹ. Lợi ích của Mỹ tại Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ Ấn Độ-Pakistan, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường các hoạt động chống Taliban và Al-Qaeda tại Afghanistan, quốc gia sát sườn Pakistan. Nếu phải quá bận tâm vào đối phó với Ấn Độ, Pakistan ắt sẽ phải giảm bớt tập trung trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.

Chuyến thăm khẳng định quan hệ “đối tác mới mang tính toàn cầu” Mỹ-Ấn năm 2010 của Tổng thống Mỹ Barack Obama, những lời có cánh dành cho Ấn Độ của ông Obama, các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD trong nhiều lĩnh vực giữa 2 nước… đều không nằm ngoài việc củng cố vị trí của Mỹ tại Nam Á.

Ngoại giao cricket tuy không mới nhưng thật sự là phương thức hiệu quả trong nỗ lực củng cố quan hệ giữa 2 quốc gia láng giềng nhiều duyên nợ. Thành công từ đó cũng sẽ giúp quốc tế yên tâm phần nào, nhất là trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng” ở Trung Đông, châu Phi vẫn chưa thực sự có lối thoát như hiện nay.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục