
Lâu lắm tôi mới gặp chị. Chị mời tôi đến nhà chơi, không biết có chuyện gì. Hóa ra chị biết tôi là nhà báo, muốn tôi tìm cách lăng-xê khéo con gái chị trước kỳ thi hoa hậu sắp tới. Về ngoại hình, phải công nhận con gái chị thật xinh đẹp. Nhưng tôi rất dè dặt trước đề nghị thiết tha của chị. Phần thi kiến thức và ứng xử của người đẹp trong các cuộc thi vừa qua đã bị đàm tiếu nhiều nên tôi rất ngại. Lăng-xê hớ thì chỉ có treo bút. Nhưng chị năn nỉ quá, tôi đành phải gọi con gái chị lại, hỏi thử vài câu:
- Cháu giải thích câu tục ngữ “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” cho chú nghe xem nào!

Cô bé liến thoắng, hết sức tự tin:
- Thưa chú, câu tục ngữ đó nói lên sự dã man của bọn giặc cướp. Khi đã tràn vào làng mạc, chúng không chỉ đánh đập đàn ông mà ngay cả đàn bà chúng cũng rượt đánh tới tấp...
Tôi cố nén một tiếng kêu, hỏi tiếp:
- Thế ý nghĩa của câu “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”?
Cô bé lại hùng hồn:
- Câu này đề cao trí thông minh của loài ngựa. Một con bị đau là cả bọn bỏ ăn ngay, đề phòng bệnh lây lan qua đường tiêu hóa ạ.
Tôi len lén chùi mồ hôi trên trán, nói:
- Các bài tập làm văn mấy năm trước cháu có giữ không, đem ra cho chú xem qua một chút!
Cô bé hồn nhiên bê ra một xấp dày cộm.
Tôi tò mò đọc bài làm của cô hồi lớp 11: “Nguyễn Du là lão tiền bối của chúng ta. Mặc dù tiền bối đã sớm ra đi vào một chiều gió lạnh, nhưng vẫn làm chấn động cả giới võ lâm, qua bí kíp võ công “Vương Thúy Kiều”. Bằng chứng là qua các kỳ thi, pho bí kíp này lại xuất hiện và làm thất điên bát đảo cả giới hậu bối chúng ta...”.
- Sao bài của cháu sặc mùi kiếm hiệp thế này? - Tôi rên lên.
Cô bé lỏn lẻn:
- Dạ, tại hồi đó cháu đang mê chơi game “Giang hồ truyền kỳ” ạ.
Tôi lướt mắt qua bài làm năm lớp 10, hy vọng lúc chưa chơi game cô có thể khá hơn: “Qua câu thơ “Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”, ta thấy tên khách họ Hoàng thật là tàn nhẫn, hắn hôn Thúy Kiều cho đã rồi bắt Kiều hôn lại làm cho Kiều ngày càng biến thành gái lầu xanh chuyên nghiệp muốn ngóc đầu lên cũng không nổi”.
Nếu không có mẹ cô ngồi đó hồi hộp nhìn tôi, tôi đã mặc cho mình lăn ra đất rồi.
Khi phân tích tấm lòng người mẹ của bà cụ Tứ trong truyện “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, cô viết “Trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, hàng ngày chúng ta đã từng được thưởng thức rất nhiều loại lòng, như lòng lợn, lòng chó, lòng gà, lòng vịt, chúng đều rất ngon và có vị độc đáo khác nhau, nhưng tất cả đều không thể bằng lòng mẹ được”.
Người tôi bắt đầu gây gây sốt, đã muốn đổ bệnh nhưng cố nghĩ “Cô bé này kém văn phân tích nhưng biết đâu văn miêu tả lại khá cũng nên”. Và tôi lục tìm một bài tập của cô hồi cấp 1 - bài “miêu tả hình dáng cô giáo em”. Cô bé tả: “Cô giáo em hiền lành, nhưng mập ú, tóc cô ngắn được buộc gọn ra đằng sau, khi đi tóc cô ve vẩy ngo ngoe như cái đuôi con lợn con khi em ra cho nó ăn cám. Cô có đôi chân vòng kiềng, có lần em nghe mẹ em bảo với mẹ thằng Hà, chân như vậy sau này cô sẽ dễ đẻ hơn...”.
Tôi ngước lên nhìn sững cô bé xinh đẹp trước mặt, tự hỏi “Học hành như thế này chả hiểu sao cô ta tốt nghiệp phổ thông được nhỉ? Lại còn muốn đi thi hoa hậu nữa!”.
Thấy thái độ tôi có vẻ khác lạ, chị hỏi:
- Thế nào hở chú? Chú có giúp tôi được không?
Tôi đứng dậy kiên quyết chào về và nói thẳng:
- Tôi chịu chị ạ. Trình độ cháu như thế, ra thi ứng xử người ta cười chết!
- Chú ngu thế mà cũng làm nhà báo! - chị nổi khùng - Cuộc thi nào mà chả có câu hỏi và đáp án sẵn. Trình độ trình điếc cái gì! Con gái tôi từng Á hậu ở cuộc thi người đẹp X năm ngoái rồi đấy! Năm nay thi cấp quốc gia tôi mới phải nhờ tới chú, nếu không thì tôi chả thèm!
Sóc Phương Đông