Ngược dòng Sê-rê-pốc

Khắc khoải sông cha
Ngược dòng Sê-rê-pốc

Mọi con sông đều chảy về xuôi, chỉ riêng dòng sông Sê-rê-pốc là chảy ngược. Bao đời nay, dòng sông đã gắn bó máu thịt với cuộc sống, văn hóa của con người ở một vùng Tây Nguyên. Bây giờ, dòng sông không còn yên ả như xưa vì sự can thiệp “thô bạo” của con người. Trên hành trình ngược dòng Sê-rê-pốc, chúng tôi không khỏi đau lòng khi chứng kiến cảnh sông lở, thác cạn, rừng tan hoang…

Khắc khoải sông cha

Dòng sông Sê-rê-pốc được hình thành từ sông Krông Ana - sông mẹ (bắt nguồn từ đỉnh núi Cư Yang Sin, Đắc Lắc) và sông Krông Nô - sông cha (bắt nguồn từ đỉnh núi Nam Nung, Đắc Nông). Hai dòng sông này là nguồn sống cho hàng ngàn người dân Đắc Lắc - Đắc Nông bao đời qua.

Tàu cát của DNTN Phúc Lợi ngang nhiên hút cát trên sông Krông Nô. Ảnh: CÔNG HOAN
Tàu cát của DNTN Phúc Lợi ngang nhiên hút cát trên sông Krông Nô. Ảnh: CÔNG HOAN

Quãng đường từ trung tâm huyện vào dòng sông cha - Krông Nô (đoạn chảy qua xã Buôn Chóa, huyện Krông Nô) có rất nhiều đèo dốc ngoằn ngoèo, lởm chởm những ổ voi, ổ gà. Trên một ngọn đồi cao bên đường, cây cổ thụ 3 người ôm không xuể bị bật gốc nằm chỏng chơ bên cạnh những gốc cây cháy đen do những người dân di cư đốn hạ để làm rẫy trồng sắn, trồng bắp. Rừng hầu như không có giá trị gì đối với họ. Cao nguyên đang mất dần màu xanh, chỉ còn cái nắng rát da, đất bị cày xới và vương vãi những chai thuốc khai hoang, bảo vệ thực vật bên vệ đường.

Ông Chu Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóa huyện Krông Nô, xót xa nói về dòng sông cha: “Bao đời nay, hàng trăm hộ nông dân tại các thôn Ninh Giang, Nam Tiến, Thanh Sơn… của xã sống nhờ vào phù sa của dòng sông Krông Nô. Nhưng 10 năm qua, dòng sông Krông Nô bị tàn phá nghiêm trọng. Bờ sông bị sạt lở, ruộng nương của người dân đang bị trôi dần ra sông”.

Ông Khoa cho biết, tính đến đầu năm 2010 xã Buôn Chóa đã có hơn 70ha đất bờ sông bị sạt lở. Mỗi ngày từ 3 giờ sáng đến 17 giờ, hơn 50 tàu hút cát hoạt động công khai. Nhiều lần xã đã báo cáo huyện và thực hiện các biện pháp hạn chế việc khai thác cát gần bờ sông nhưng gặp rất nhiều khó khăn do dòng sông Krông Nô là ranh giới hành chính của 2 huyện Krông Nô (tỉnh Đắc Nông) và huyện Krông Ana (tỉnh Đắc Lắc). “Để tránh bị xử lý, các tàu hút cát đã “chơi chiêu” - tàu thì đậu giữa dòng sông, còn các vòi hút cát lại “xỉa” ra bờ cát thuộc đất của bà con trong xã. Đến bây giờ vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm để bà con yên tâm sản xuất”, ông Khoa trăn trở.

Anh Nguyễn Trường Vinh (chuyên viên văn phòng UBND xã Buôn Chóa huyện Krông Nô) dẫn chúng tôi đến đầu những ruộng mía bên bờ sông Krông Nô thì đã nghe tiếng máy bơm của tàu hút cát nổ phành phạch phá tan bầu không khí tĩnh lặng của vùng quê nghèo. Chiếc tàu của doanh nghiệp tư nhân Phúc Lợi đang thò những cái vòi như vòi “bạch tuộc” cắm thẳng vào lòng sông, đe dọa từng ngày đời sống người dân nơi đây.

Anh Vinh tâm sự: “Trước đây, đoạn sông chảy qua xã hẹp lắm, chỉ khoảng 20m nhưng do tàu hút cát đã làm sạt lở đất 2 bên bờ sông. Bây giờ bề ngang của đoạn sông này rộng gần 100m”. Còn anh Vi Văn Khánh (ở thôn Cao Sơn) cho biết: “Từ khi tàu hút cát hoạt động tại đây, nhiều nhà đã bị mất gần hết đất. Nhà ông Linh Văn Nhất có 1,4 ha đất nhưng đã bị sạt lở còn lại vỏn vẹn 2 sào, còn bà Đỗ Thị Thu có hơn 2 ha mà bây giờ chỉ còn lại 3 sào đất”.

Sạt lở, ngập lụt giữa mùa khô

Ngược dòng sông Krông Nô về xã Đức Xuyên, chúng tôi bắt gặp cảnh ruộng nương người dân ở đây cũng đang trôi ra sông do Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Buôn Tua Srah xả nước. Đứng cạnh mấy cây cà phê còn sót lại bên bờ sông, ông Nguyễn Sáu (ở thôn Xuyên Phước, xã Đức Xuyên) ngậm ngùi: “Gia đình tôi có 6 sào cà phê, bây giờ đã sập xuống sông hết 5 sào rưỡi, chỉ còn lại cái sổ đỏ thôi”.

Cạnh vườn cà phê ông Sáu, vườn bắp của anh Đặng Văn Thành (ở thôn Xuyên Phước) cũng đang trôi dần ra sông. Anh Thành cho biết, mỗi ngày NMTĐ Buôn Tua Srah thường xả nước từ 12 giờ đêm hôm trước đến 12 giờ trưa hôm sau, mảnh vườn nhà anh nằm cạnh sông Krông Nô nên từ đầu năm đến nay, vườn bắp nhà anh đã trôi ra sông khoảng 1m.

Đến xã Nâm N’Dir, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh sạt lở hai bên bờ sông cũng nghiêm trọng không kém Buôn Chóa. Trạm bơm Nâm N’Dir được thiết kế nằm cách bờ sông Krông Nô 12m, nhưng bây giờ nó chỉ còn cách bờ sông khoảng 3m và nếu không di dời kịp thời thì chẳng bao lâu nữa nó sẽ trôi ra sông. Trạm bơm này do huyện làm chủ đầu tư với kinh phí 51 tỷ đồng, hiện vẫn chưa thi công xong.

Ông Nguyễn Văn Quốc (Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Nô) cho biết: Đoạn sông chảy qua 5 xã với chiều dài 40km, trong đó có 15km đã bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn lở ít cũng ăn sâu vào bờ đến 30 - 40m, đoạn lở nhiều như ở Đức Xuyên thì lên tới cả trăm mét, trong khi toàn bộ diện tích bắp lai và đậu đỗ vụ đông xuân ven sông đều chưa kịp thu hoạch.

Ngoài việc sạt lở, NMTĐ Buôn Tua Srah cũng “tham gia” làm ngập hàng chục diện tích cây trồng của 2 xã Nâm N’Dir và Đức Xuyên. Ông Nguyễn Văn Toàn (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắc Nông) cho biết: “Những năm trước đây, thời gian ngập lụt lớn ở đây thường rơi vào các tháng 9, 10 và 11, nhưng năm nay mới đến tháng 3 đã có khoảng 40ha cây trồng bị ngập, trong đó có hơn 10ha bị mất trắng. Vùng bị sạt lở và ngập lụt dọc sông Krông Nô là đất màu mỡ, được nhân dân ở đây trồng cây bắp, lúa, đậu 2-3 vụ năng suất cao, có cả những vườn cà phê đã tồn tại cả vài chục năm nay. Một số công trình thủy lợi xây dựng bên sông đang có nguy cơ bị cuốn trôi trong năm nay là trạm bơm Đắc Rền (đang được đầu tư 55 tỷ đồng) và trạm bơm Buôn Chóa (đã được đầu tư 45 tỷ đồng), vì nó chỉ còn cách bờ sông chừng 20 - 25m, so với 50m một năm trước đây. Còn trạm bơm Buôn Sức và D12 hiện đang “treo” ngay miệng cửa của ống hút và không thể hoạt động. Vùng sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân và việc thay đổi đột ngột lưu lượng, vận tốc dòng chảy sẽ đe dọa tính mạng của người dân trên sông.

Tan hoang rừng xanh

Sông ngày càng cạn, rừng ngày càng mất là hình ảnh in đậm vào mắt của chúng tôi trong chuyến đi ngược dòng Sê-rê-pốc. Đại ngàn Tây Nguyên đang phải đối mặt với vấn đề lớn, đó là chảy máu tài nguyên.

Cuối năm 1999, UBND tỉnh Đắc Lắc (cũ) đã ra quyết định quy hoạch khoảng 1.600 ha rừng nguyên
sinh bao bọc xung quanh cụm thác Đrây Sáp (xã Đắc So, huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông) làm khu rừng đặc dụng. Mục tiêu của việc quy hoạch rừng Đray Sáp là để bảo tồn và xây dựng nơi đây trở thành khu du lịch sinh thái văn hóa mang tầm cỡ quốc gia… Nhưng bây giờ, những cánh rừng ở đây đã bị người dân chặt phá và lấn chiếm để làm rẫy, đốn hạ lấy gỗ… Rừng bị xâu xé là vậy, nhưng đơn vị chủ quản cũng như những cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp nào để ngăn chặn…

Từ Trung tâm du lịch thác Đrây Sáp, chúng tôi đi xe gắn máy hơn 6km để vào lõi rừng đặc dụng. Con đường được trải nhựa thẳng tắp, 2 bên là những cây rừng cao vút xanh tươi. Những tấm biển báo “Nghiêm cấm phá rừng” hoặc những khẩu hiệu bảo vệ rừng được sắp đặt ngay ngắn, vừa tầm mắt. Nhưng khi chúng tôi càng đi sâu vào lõi rừng thì cái cảm giác những tấm biển báo, khẩu hiệu kia chỉ như dùng để “trang trí”. Đường vào lõi rừng đặc dụng có đoạn rộng gần 2m và không quá gập ghềnh. Chỉ mất khoảng 15 phút đi bộ là chúng tôi đã có mặt ở lõi rừng.

Trên đường đi, chúng tôi đã bắt gặp và ghi lại rất nhiều hình ảnh về những cây rừng nằm la liệt trên đất, những thân cây gỗ được xẻ làm đôi và có cả những thân cây đã được xẻ vuông vức. Khi người dẫn đường cho biết đây là lõi rừng. Tại cái nơi được xem là lõi rừng đặc dụng chỉ là một khung cảnh hoang tàn. Ngọn đồi trơ trọc, chỉ còn những gốc cây, những cành cây chết khô từ lúc nào.

Phía xa xa bên phía kia ngọn đồi, có luồng khói trắng bốc lên. Chúng tôi men theo một đoạn đường be đầy gỗ xẻ nằm ngổn ngang để đến nơi có khói. Ở đỉnh đồi nơi có khói bốc lên, chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Yêu (62 tuổi, dân tộc Tày, sống tại thôn Nam Tân, xã Nam Đà, huyện Krông Nô, Đắc Nông) đang chặt và đốt cây rừng để làm rẫy.

Vừa thấy chúng tôi bà nói ngay: “Biết nhà nước không cho nhưng nhà bà nghèo quá, đói quá bà phải phát nương làm rẫy thôi”. Gia đình bà di cư từ Bắc Cạn vào đây, có 5 người con đều đi phá rừng làm rẫy như bà. Bà còn cho biết, một phần ngọn đồi bị tan hoang, cây rừng bị đốn hạ, đốt cháy đen rộng chừng 1 ha đều do một tay của bà “tàn phá”.

Càng đi ra, chúng tôi càng thấy cảnh những cánh rừng đặc dụng Đrây Sáp đang hấp hối. Ông Lê Mến (Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch thác Đrây Sáp) lý giải: “Lâm tặc hoành hành là vậy nhưng rất khó lòng để bắt quả tang bọn chúng khi đang chặt phá rừng hay vận chuyển gỗ”.

Ông Mến cho biết đã có vài trường hợp trong đội quản lý bảo vệ rừng không giữ được mình, hay qua lại với nhiều đối tượng thường xuyên vào phá rừng và bị bọn chúng “khống chế”. Ban quản lý đã nhiều lần nhắc nhở và cảnh báo họ, nhưng do không có đủ bằng chứng nên không thể đưa ra biện pháp xử lý được. Bên cạnh vấn đề “nội gián”, sự thờ ơ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trên địa bàn trong việc phối hợp ngăn chặn nạn phá rừng cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lâm tặc cứ hoành hành và rừng ngày càng bị mất.

Theo kết quả của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắc Nông vào cuối tháng 4 vừa qua, đến nay đã có hơn 469ha rừng đặc dụng Đrây Sáp bị người dân phá trắng để canh tác và sinh sống.

Tính từ năm 1995, dòng chảy di dân tự do từ các tỉnh phía Bắc đổ vào Tây Nguyên đã là nguyên nhân khiến nhiều cánh rừng bị đốt phá đến cạn kiệt. Trong đó có nhiều cánh rừng nguyên sinh. Mặt khác, hàng loạt nhà máy thủy điện trên đầu nguồn dòng sông Sê-rê-pốc được xây dựng cũng “góp phần” làm thu hẹp các mảng rừng và dẫn đến hệ quả tất yếu là rừng ngày càng tan hoang. Bên cạnh đó là sự bất lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Độ che phủ của rừng bị thu hẹp, độc canh cây công nghiệp, khai thác nước ngầm quá mức… Thế là, mùa khô, người dân phải gồng mình trong cảnh khan hiếm nước. Mùa mưa, lũ lụt nhiều hơn, nặng nề hơn.

Đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ với những cánh rừng già trập trùng, được ví như lá phổi cân bằng sinh thái môi trường. Nhưng trên hành trình ngược dòng Sê-rê-pốc, chúng tôi đã chứng kiến rừng xác xơ, đồi trọc gối liền đồi trọc, những cây rừng ngã rạp bên những gốc cây cháy xém, như cơn “hấp hối” của rừng xanh. Chúng tôi đi cùng cái nắng rát da trên những con đường rừng vắng bóng cây; đi cùng với chiếc xe công nông chất đầy gỗ và đi trên con đường dẫn vào lõi rừng đặc dụng…


CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục