Người anh hùng thời bình

Một tiếng nổ rền trời khiến anh lính trẻ ngất lịm. Khi tỉnh dậy, đôi chân anh đã không còn. Rời quân ngũ với tỷ lệ thương tật 71%, thương binh Trần Trọng Ân vẫn không đầu hàng số phận, quyết tâm vượt qua nỗi đau thể xác. Bằng ý chí và nghị lực của một người lính, ông đã vươn lên trở thành ông chủ một xưởng đóng giày nổi tiếng ở TPHCM và được mọi người nhắc đến như một tấm gương điển hình thương binh làm kinh tế giỏi.
Người anh hùng thời bình

Một tiếng nổ rền trời khiến anh lính trẻ ngất lịm. Khi tỉnh dậy, đôi chân anh đã không còn. Rời quân ngũ với tỷ lệ thương tật 71%, thương binh Trần Trọng Ân vẫn không đầu hàng số phận, quyết tâm vượt qua nỗi đau thể xác. Bằng ý chí và nghị lực của một người lính, ông đã vươn lên trở thành ông chủ một xưởng đóng giày nổi tiếng ở TPHCM và được mọi người nhắc đến như một tấm gương điển hình thương binh làm kinh tế giỏi.

Không đầu hàng số phận

Cùng những thanh niên đồng trang lứa, năm 1982, ở tuổi đôi mươi, Trần Trọng Ân tham gia quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia. Năm 1984, trong một lần hành quân cùng đơn vị, anh lính trẻ bị trúng đạn pháo của địch. Được đồng đội đưa về Quân y viện 7B Biên Hòa điều trị, ông vô cùng đau đớn khi biết mình bị mất một chân và bị chấn động não nghiêm trọng. Nhưng với sức trẻ, sau 2 năm được chăm sóc và điều trị, ông xuất ngũ trở về địa phương.

Ông Trần Trọng Ân làm việc trong Xưởng giày dép Thanh Liêm

Ông Trần Trọng Ân làm việc trong Xưởng giày dép Thanh Liêm

Mặc cảm thương tật cùng vô vàn khó khăn trong đi lại, sinh hoạt lắm lúc khiến ông nghĩ quẩn, muốn kết thúc cuộc đời. Hoàn cảnh gia đình ông lúc đó rất khó khăn, khi 12 anh chị em đều chưa lập gia đình và chưa có công việc ổn định. Nghĩ về gia đình, về tương lai đã tạo động lực thôi thúc anh thương binh ấy nỗ lực phấn đấu, làm mọi nghề lớn nhỏ để kiếm sống. Nhận thấy công việc tay chân có phần khó nhọc với một người thương tật, ông đã cố gắng học hỏi để nhận làm kế toán sổ sách cho một cơ sở thu mua bao bì gần nhà. Công việc ổn định nhưng thu nhập không cao, ông quyết định theo học nghề đóng giày dép. Với bản tính siêng năng sáng tạo, ông tiếp thu rất nhanh những “bí kíp” được truyền dạy, vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm. Không lâu sau đó, ông trở thành một người thợ làm giày dép giỏi. Cứng tay nghề nhưng lại không có vốn, ông tiếp tục vừa làm vừa nhận thêm việc giao hàng cho khách để tích lũy vốn.

Sau 6 năm kiên trì học nghề và tích lũy vốn, ông Ân quyết định mở xưởng đóng giày dép tại nhà. Với số vốn ban đầu 120 triệu đồng vay từ Quỹ xóa đói giảm nghèo của Hội Cựu chiến binh (CCB), ông mạnh dạn trang bị 1 máy dập, 4 máy may, 4 máy chà đế và huy động anh em trong gia đình cùng làm giày dép. Ông tích cực tìm kiếm nguồn nguyên liệu, tìm các đầu mối tiêu thụ để phát triển sản phẩm. Bước vào “mặt trận” mới còn nhiều bỡ ngỡ nhưng được sự động viên của Hội CCB cùng đoàn thể, chính quyền địa phương, ông đã cố gắng vươn lên mạnh mẽ. Doanh số không ngừng tăng, khách hàng nhiều nơi biết đến xưởng đóng giày của ông.

Thời gian này, ông đã gặp bà Cao Thị Ngọc Lan và 2 người quyết tâm cùng nhau xây tổ ấm. Chuyện tình đó càng đẹp khi 2 đứa con lần lượt ra đời trong niềm vui khôn xiết của vợ chồng ông. Với những động lực ấy, ông càng hăng say làm việc và đến nay đã có những bước phát triển quan trọng, được nhiều người tin yêu và thán phục.

Giúp đồng đội cùng vươn lên

Sản phẩm giày dép của ông không ngừng được tiêu thụ mạnh ở các địa phương miền Trung và Tây Nam bộ. Nhằm mở rộng quy mô và tăng năng lực sản xuất, năm 2000, ông Ân nhận thêm 20 lao động là các CCB, thương binh và con em họ vào làm trong xưởng của mình. Công việc thuận lợi, ông đã tạo công ăn việc làm cho hầu hết anh chị em mình, đồng thời giúp đỡ các CCB có việc làm. Với mức lương bình quân 4 triệu đồng/tháng/người hiện nay đã phần nào giúp những thương binh có thể tự nuôi sống, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thương binh Trần Trọng Ân sửa lại đôi chân giả của mình

Thương binh Trần Trọng Ân sửa lại đôi chân giả của mình

Chia sẻ về những việc làm của mình, ông cười hiền: “Với phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ, trong chiến tranh chúng tôi là đồng đội thì trong hòa bình chúng tôi cũng coi nhau như anh em, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt lên, đó là trách nhiệm và là bổn phận của mỗi người”.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của ông ngày càng thuận lợi nhờ vào sự nhạy bén tìm tòi, sáng tạo. Không chỉ sản xuất giày dép bỏ mối ở các chợ An Đông, Bình Tây, Tân Bình, ông Ân còn chủ động ký các hợp đồng gia công cho các hãng giày dép lớn khác.

Hàng năm, ông Ân đều trích một phần lợi nhuận để giúp đỡ các CCB và người nghèo. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm ông đã giúp cho 20 lượt CCB vay vốn không lãi suất với số tiền 180 triệu đồng. Ông đã tặng 24 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho con em CCB, mỗi suất 500.000 đồng, ủng hộ xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa với số tiền hơn 20 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn ủng hộ tiền cho quỹ khuyến học, tặng quà Trung thu cho thiếu nhi, mua quà Tết cho người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt… Trên cương vị Chủ tịch Hội CCB phường, ông luôn đi đầu trong các công tác vận động nhân dân, chuyển hóa địa bàn. Đặc biệt, ông luôn quan tâm giúp đỡ các thương binh, bệnh binh trên địa bàn. Với những đóng góp cho xã hội, ông đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen. Hội CCB Việt Nam tặng ông 2 giấy khen về công tác xây dựng hội tại địa phương. UBND, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội CCB TPHCM đã khen tặng ông với danh hiệu “Người thương binh làm kinh tế giỏi”. Mới đây, ông vinh dự đón nhận danh hiệu “Gia đình thương binh tiêu biểu toàn quốc”.

Tiếp tôi tại Xưởng giày dép Thanh Liêm của mình ở đường Bến Ba Đình, phường 10, quận 8, TPHCM, thương binh 2/4 Trần Trọng Ân vui vẻ cho biết, sau những giờ công tác tại phường với chức vụ Chủ tịch Hội CCB, về nhà ông lại lao vào công việc. Cuộc sống gia đình ổn định với con gái lớn đã lập gia đình và con trai út là sinh viên đại học năm cuối, giờ đây, ngoài việc phát triển kinh tế, ông luôn cố gắng hết mình chăm lo đời sống anh em trong hội. Những người đồng đội cũ luôn nhắc nhở giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế để xứng đáng với lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Phù Sa

Tin cùng chuyên mục