Người Arem đầu tiên từ bỏ tục nối dây

Hủ tục nối dây
Người Arem đầu tiên từ bỏ tục nối dây

Cuối năm rồi, hơn 300 đồng bào Arem (Tân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) nghe tin chấn động bản làng vì người uy tín nhất vùng tuyên bố từ bỏ một lễ tục truyền đời. Ông bị cả làng phán xét, buộc phải mời rượu giải thích vì sao dám chống lại Giàng, chống lại lễ tục tổ tiên. Người bị dân làng “hỏi cung” là Đinh Đu. Ông từ tốn giải thích: “Tục nối dây của dân mình không văn minh. Ai đời em trai chết, anh trai phải lấy em dâu. Không được. Mình kiên quyết từ bỏ tục này…”.

Bỏ được tục nối dây, người Arem sẽ sinh ra thế hệ trẻ khỏe mạnh hơn.

Bỏ được tục nối dây, người Arem sẽ sinh ra thế hệ trẻ khỏe mạnh hơn.

Hủ tục nối dây

Người Arem sống giữa núi rừng đá vôi xanh biếc cỏ cây hoa lá. Cuộc sống của họ từng một thời gắn chặt với săn bắt, hái lượm. Với họ, trèo rừng leo núi thành thạo hơn cầm cái cuốc. Sử dụng cung nỏ êm thấm hơn học tập chữ nghĩa.

Giữa vô biên của đường rừng xa ngái, họ xây dựng tập quán của mình với các sắc thái tư duy núi rừng. Có cái lạ lẫm, có cái lạc lối. Những gì họ phơi bày với cộng đồng xung quanh là giá trị tư liệu phản ánh lại tấm gương cha ông họ từng làm. Một trong những điều đó là tục nối dây hà khắc, bắt buộc phải thấm nhuần tại mỗi cá thể trong tộc người này. Đấy là người em trai hoặc anh trai có vợ mất thì người anh trai hoặc em trai phải lấy chị dâu hoặc em dâu làm vợ. Cuộc nối dây ấy càng dìm sâu sự cố gắng của cộng đồng này xuống sâu hơn của đói nghèo. Tục nối dây ấy trở thành lực cản để người Arem đi ra với thế giới bên ngoài một cách chững chạc. Thế nhưng, ai thực hiện tục nối dây, trong con mắt dân bản, đó là lẽ sống tốt ở đời. Giữ được lễ tục tổ tiên, là tấm gương cho người trẻ Arem học hỏi trong bước đường trưởng thành.

Hiện tại, ở bản nhỏ giữa núi rừng hẻo lánh đang có ba người đàn ông tiếp diễn tục nối dây này. Vì nhiều lý do, chúng tôi không nêu rõ tên. Đó là Đinh A., Đinh N., và Đinh R. Em trai mất, Đinh A. lấy em dâu mình là Y Tr. đã có 5 đứa con, vợ trước có 2 đứa con nữa thành 7 đứa con, thêm 2 người vợ và bản thân nữa, nhà Đinh A. thành 10 người. Mỗi bữa ăn, với gia đình A. là nỗi lo thiếu thốn thường trực bởi ruộng vườn không có. Đinh A. nói: “Khổ nhưng mình phải có trách nhiệm với gia đình để thằng em mình ở thế giới bên kia nó yên tâm làm con… ma”.

Đinh N. cũng đã có vợ và 4 con. Khi anh trai mất, N. phải cưới chị dâu về nhà mình, sinh thêm 5 đứa nữa. Cả nhà 12 khẩu, quay quắt với cái ăn từng ngày, từng bữa, chưa nói đến việc sinh hoạt trong căn nhà sàn chật hẹp. Rồi Đinh R. cũng nối dây với chị dâu khi bản thân ông đã có riêng 3 con. Có vợ mới, ông R. sinh thêm 4 đứa nữa, tuổi đã cao mà con cái vẫn cứ lóc nhóc. Khổ, nhưng hỏi vì sao không bỏ tục nối dây, cả 3 ông quắc mắt mắng: “Cán bộ chẳng biết gì đừng hỏi. Đây là cái thiêng của lễ tục cha ông để lại cho mình”.

Người từ bỏ tục nối dây

Đinh Đu, người từ bỏ tục nối dây hà khắc. Ảnh: Minh Phong

Đinh Đu, người từ bỏ tục nối dây hà khắc. Ảnh: Minh Phong

Nhưng Đinh Đu dũng cảm từ chối hủ tục hà khắc đó. Vừa rồi, em trai của Đinh Đu là Đinh Nọng mất ở tuổi 45, để lại em dâu Y Thê và đứa con nhỏ. Những người già nhất bản buộc Đinh Đu phải lấy Y Thê, phải nối dây cho Y Thê có chồng, có nơi nương tựa. Phải nối dây để không quên ơn Giàng, ơn tổ tiên có được lễ tục này. Đinh Đu suy nghĩ mãi, đêm vắt tay lên trán nhớ lại những gì đứa em trước khi ra đi trăn trối là lấy Y Thê để chăm sóc, đừng để Y Thê cô đơn.

Đinh Đu thương em trai, em dâu, thương vợ con, kính trọng tổ tiên và Giàng. Nhưng đi học dưới xuôi nhiều năm trước, đọc nhiều tài liệu thấy lấy hai vợ không làm ăn được, không ổn định tốt gia thất, không làm cho cuộc đời vui lên mà luôn bị gặp khó. Việc nhà không ổn, làm sao nghĩ được cái khác mà kiếm cái ăn.

Đinh Đu trăn trở giữa niềm tôn kính tiên tổ với thực tại trước mặt. Nhưng điều cha ông để lại với Đinh Đu cũng phải chắt lọc, không thể sử dụng hết những gì lạc hậu. Nghĩ rồi Đinh Đu về xuôi hỏi thêm cán bộ thân quen. Chẳng là, từng một thời Đinh Đu làm chủ tịch xã, nay đang là Chủ tịch Hội nông dân quen biết cũng nhiều. Hỏi ai cũng được động viên không nên nối dây. Đi bộ từ xã về huyện cả ngày đường, đầu óc suy nghĩ lung lắm. Nhưng được nghe lời chân tình, Đinh Đu quyết không theo nối dây nữa. Đường về lại quê giữa núi rừng xanh thẳm, Đinh Đu sáng bừng đầu óc, nhưng cũng chuẩn bị việc làng bắt vạ, bởi đất lề, quê thói đã ăn trong máu thịt dân bản rồi.

Về nhà, Đinh Đu mời cán bộ xã người Kinh cắm bản và những người uy tín của dân bản đến, mổ con heo trước sân nhà. Bày bàn thờ ra cúng Giàng, cúng thần ma, cúng thần rừng, làm lễ tuyên bố bỏ tục nối dây. Cả bản sợ tái mặt, có người thốt: “Ối Giàng ơi, thằng Đu nó ăn bùa mê của ai mà bỏ tục thiêng người Arem của mình. Bỏ tổ tiên, nó cãi lại Giàng”. Có người đứng dậy bắt Đinh Đu giải thích, không giải thích được thì Đinh Đu trở thành ma xấu, cả bản đuổi ra khỏi bản, về đâu ở góc rừng nào thì về. Đinh Đu từ tốn, nói trước dân bản: “Không có con ma nào chỉ lối, không có bùa mê thuốc lú nào đưa đường Đinh Đu cả. Chỉ có cái văn minh, cái lý thuận với anh em người Kinh, với pháp luật một vợ một chồng. Lấy một vợ, một chồng thì mần ăn tốt, cuộc sống chăm con cái được quan tâm đầy đủ. Hai vợ nhiều con, lỡ con vợ trước, vợ sau đánh nhau, mình sợ, không ưng như thế. Làm người hơn con thú trên rừng, hơn con cá dưới suối là chung thủy, con thú nó nhiều vợ mới gọi là thú, con người một vợ mới gọi là người. Mình bỏ tục nối dây không phải cãi lại Giàng, mà vẫn để Giàng trong đầu, vẫn kính tổ tiên mình như ba mạ mình từng kính. Còn cái hủ tục nối dây này mình cương quyết bỏ”. Vừa nói, Đinh Đu vừa cầm ngọn mác, chặt cây nứa thành ba khúc, dứt khoát đoạn tuyệt với tục nối dây. Nhưng dân bản vẫn buộc Đinh Đu phải có trách nhiệm với Y Thê. Đinh Đu giải thích: “Nó là em dâu, mình phải có trách nhiệm chứ, Y Thê đau ốm mình sẽ nói con cái mình, con vợ mình chăm sóc, yếu quá thì đưa lên trạm y tế xã. Con của Y Thê là cháu ruột mình, mình sẽ cùng nuôi, cùng dạy nó thành người. Mình không bỏ mẹ con Y Thê vì đó là em dâu, là cháu của nhà mình”.

Bữa lễ cạn dần những vò rượu, mọi người lăn ra ngủ, sáng ai về nhà nấy. Dân bản nghe và hiểu ra, bởi những gia đình nối dây rất khó khăn. Riêng Đinh Đu, một vợ một chồng, có 6 đứa con, đã có một đứa làm cán bộ tư pháp xã, một đứa làm xã đội phó, một đứa làm giáo viên mầm non. Tết vừa rồi, gia đình Đinh Đu mổ heo ăn tết to vì bỏ được hủ tục nối dây lạc hậu. Đinh Đu còn nói: “Mình đón gia đình em dâu về nhà mình ăn tết rồi cho nó ít giống để gieo trồng trong mùa vụ sau. Mình bỏ tục nối dây nhưng không bỏ được vợ con của đứa em út máu ruột của mình”.

Từ đây, con đường lên Arem xuyên qua lõi rừng rậm rạp, giữa không khí se se lạnh, ở bản của người Arem đã ấm lên một tấm lòng. Đinh Đu bỏ được tục nối dây những vẫn giữ được tình cảm anh em ruột thịt.

Già làng Đinh Rầu, Chủ tịch HĐND xã Tân Trạch, người đang thực hiện tục nối dây, nói: “Phải chi trước đây mình không theo tục này thì chừ bớt khổ. Chừ thằng Đu nó bỏ tục nối dây mình cũng ưng. Phải vận động bản làng theo hắn thôi, theo hắn để con cái không khó khăn, chứ nối dây khắc nghiệt lắm. Mình sẽ thuyết phục cả bản bỏ tục này luôn, phải văn minh chứ”.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục