Hiện nay, tại nhiều bệnh viện ở TPHCM, cảnh người bệnh phải chầu chực chờ khám bệnh đã thành chuyện… bình thường. Nhưng đang có những điều không bình thường trong cái bình thường này, vì lẽ ra việc này hoàn toàn có thể khắc phục được.
Khám nhanh chậm hơn khám thường
15 giờ ngày 6-8, tại Phòng Đăng ký khám bệnh của Viện Pasteur đã lên đến con số thứ tự 1.750. Cô nhân viên nhìn tờ giấy kết quả xét nghiệm của con tôi, rồi khuyên ngày mai trở lại. Bây giờ nếu muốn khám thì phải chờ khoảng… 200 người nữa. Tôi đi tới đi lui, chờ đợi, mới thấy nhiều chuyện: Để lấy được số thứ tự chờ khám bệnh, cũng phải xếp hàng chờ tới lượt lấy số tại máy, vì bệnh nhân quá đông.
Một chú bảo vệ đứng tuổi cầm loa tay, nhắc nhở bệnh nhân coi chừng bị móc túi, rạch giỏ và cho hay sáng thứ bảy hay chủ nhật còn đông hơn vậy nữa, 2.000 người đăng ký khám bệnh là bình thường, toàn ở ngoại thành và các tỉnh khác. Cũng may, khoảng 16 giờ thì tới lượt con tôi được khám bệnh. Nhưng bác sĩ xem kết quả xét nghiệm xong đề nghị làm thêm một xét nghiệm nữa. Tôi đưa con qua phòng xét nghiệm thì nơi đây đã ngưng nhận bệnh.
Sáng 12-8, tôi đưa con trở lại, đinh ninh “sáng sớm chắc vắng”, không ngờ mới 7 giờ 30 mà đã có hơn 100 người chờ sẵn để được gọi tên. Có người cho hay đã đến từ rất sớm mà vẫn phải chờ cả trăm người mới tới lượt mình.
Sáng thứ bảy, ngày 9-8, tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, tôi lại phải ngán ngẩm khi chứng kiến cảnh mới 8 giờ mà sảnh chờ đăng ký khám bệnh tại đây đã ken kín vài trăm người.
Tại quầy đăng ký nhận bệnh, có tấm bảng ghi rõ: “Khám thường: 50.000 đồng. Khám nhanh: 80.000 đồng”. Cô nhân viên ngồi trước máy lấy số thứ tự giải thích: “Khám nhanh thì không cần lấy số, cứ nộp sổ khám bệnh vào quầy”. Do vậy, chỉ có vài người bấm lấy số, ai cũng choáng với số lượng bệnh nhân quá đông, nên chọn giải pháp chịu tốn thêm chút nhưng đỡ mất công chờ lâu.
Hồi lâu sau, hàng trăm người vẫn phải bu đen bu đỏ quanh quầy. Giọng một người đàn ông nóng ruột, thốt lớn lên: “Khám nhanh mà sao lâu quá! Chờ từ sáng giờ chưa thấy gọi tên ai cả!”. Một nhân viên trong quầy vội đi ra, tay cầm khoảng chục cuốn sổ khám bệnh và gọi tên từng người. Ai cũng ngóng xem có tới lượt tên mình được gọi chưa.
Một chị chen lên nhưng bị đẩy ra, bực mình: “Làm ơn lấy cái loa mà gọi, gọi bằng miệng nghe không rõ”. Sau anh nhân viên này lại đến anh bảo vệ, chị điều dưỡng thay nhau vào nhận sổ, đọc tên từng người và đưa bệnh nhân đến từng phòng khám. Cả 3 người, ai cũng toát mồ hôi, gọi tên bệnh nhân muốn khàn cả giọng. Còn trước quầy nhận bệnh, nhân viên cũng vất vả, gọi từng số thứ tự cho diện “khám thường”, thiếu điều như quát lên vì cảnh chen lấn.
Những điều không bình thường
Cuối năm ngoái tôi cũng đã đến Bệnh viện Da liễu và đã không xa lạ với cảnh chen lấn, xô đẩy, đợi chờ để “khám nhanh” như sáng ngày 9-8. Nhưng điều lạ là lẽ nào lãnh đạo bệnh viện không thấy, hay có thấy mà không quan tâm chia sẻ với bệnh nhân, nên đã không tìm giải pháp khắc phục, cứ để tình trạng đó kéo dài.
Vì sao quầy tiếp nhận bệnh và trước mỗi phòng khám đều có trang bị hệ thống gọi tên, xếp hàng tự động, nhưng hệ thống lại không hoạt động? Tách khám nhanh và khám thường chỉ để có cớ thu tiền cao hơn trong khi vẫn để người bệnh phải chen chúc chầu chực. Tôi ra kể cho chị bán thuốc bên cạnh bệnh viện về những chuyện vô lý đó, chị cười: “Anh nghe tôi đi, lần sau vào đăng ký khám thường thôi thì sẽ được… khám nhanh, vì ít người muốn khám thường”.
Còn tình trạng quá tải ở Viện Pasteur, có nguyên nhân do tâm lý tin cậy “bệnh viện chuyên khoa sâu”, nên người bệnh ở nhiều nơi đều dồn về đây, trong khi có những xét nghiệm bình thường mà bệnh viện cấp quận - huyện cũng thực hiện được.
Vấn đề là bác sĩ hay bệnh viện ở các quận - huyện TPHCM và các tỉnh chưa tư vấn rõ ràng cho người bệnh để họ được xét nghiệm ngay tại cấp cơ sở thì sẽ không có cảnh đổ xô về Viện Pasteur. Muốn khắc phục tình trạng người bệnh phải chầu chực tại các bệnh viện chờ khám bệnh, trước hết phải chấn chỉnh ngay những điều không bình thường như vậy.
CÁT TƯỜNG