Người buôn màu tím hoa sim

Sim chỉ là loài hoang dại, vậy mà nông dân Phan Thanh Nhàn ở xứ cao Quảng Tiến (Quảng Trạch, Quảng Bình) đã bỏ tiền tỷ đi buôn sim rồi trở nên giàu có. Bao năm buôn màu tím biếc của cây sim nhưng rồi ngó lại giật mình vì các loại rừng trồng đã xâm lấn không gian của sim khiến chúng như mất hút. Nghĩ vậy, ông Nhàn bỏ hàng trăm triệu đồng vỡ hoang đất đồi, trồng hàng vạn cây sim để bảo tồn và tiếp tục thu hoạch từ màu hoa tím ấy.
Người buôn màu tím hoa sim

Sim chỉ là loài hoang dại, vậy mà nông dân Phan Thanh Nhàn ở xứ cao Quảng Tiến (Quảng Trạch, Quảng Bình) đã bỏ tiền tỷ đi buôn sim rồi trở nên giàu có. Bao năm buôn màu tím biếc của cây sim nhưng rồi ngó lại giật mình vì các loại rừng trồng đã xâm lấn không gian của sim khiến chúng như mất hút. Nghĩ vậy, ông Nhàn bỏ hàng trăm triệu đồng vỡ hoang đất đồi, trồng hàng vạn cây sim để bảo tồn và tiếp tục thu hoạch từ màu hoa tím ấy.

Mùa đầu buôn sim

Anh Nhàn ở xã miền núi của huyện Quảng Trạch, lớn lên giữa chập chùng những đồi sim tím quê nhà và theo rẫy vườn mưu sinh. Một hôm có người ở miền Nam ra mua sim với số tiền đặt cọc rất lớn. “Thoạt đầu tôi nghĩ có người đâu lạ, sim xưa nay chỉ con nít chăn bò ăn, quá lắm thì lũ trẻ ra chợ bán để có tiền mua chút sách vở chứ làm gì bỏ cả trăm triệu đồng mua sim. Họ ở lại làng chờ tôi đi hái sim, đặt sim, mua sim. Sim đến mùa cứ đi hái, đặt thêm bà con trong vùng và ai cũng ngạc nhiên, chắc ông Nhàn bị tâm thần mới đi mua sim. Về cân đong đủ, người đàn ông miền Nam đó chở đi rồi hẹn năm sau ra nữa. Cứ nghĩ họ nói vui, nhưng không ngờ năm nào cũng đặt hàng đều đặn”, ông Nhàn nhớ lại mùa buôn sim đầu tiên.

Lúc đó, chị Trần Thị Lãnh, vợ anh, hoàn toàn khó tin vào trái sim tím ngắt ấy, loại hoa có màu chỉ đẹp với thơ ca thời anh chị còn cắp sách đến trường, vẫn lén tặng nhau vốc sim mỗi bữa đi rẫy hay đọc nhau nghe bài Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan. Vậy mà không ngờ, một ngày trái sim từ những vần thơ hút hồn lại “về” chính gia đình mình để cho cơm gạo. Chị Lành kể: “Em thấy người ta về đặt mua sim nên cứ bán tín bán nghi, lúc đầu nghi đó là tiền giả chứ ai đời bỏ cả trăm triệu đồng đi đặt quả sim nhỏ như rứa. Chừ nghĩ lại cũng còn lạ! Dù lạ nhưng anh chị đã trải qua được 6 mùa buôn màu tím hoa sim mà dựng nhà, mua xe, cuộc sống ổn định. Bà Trần Thị Nga, một người làng lại nói: “Nghe anh Nhàn, chị Lãnh đi buôn sim ai cũng cười như không tin, có người nói vô nói ra, chừ nhà đó khấm khá lên nhờ sim, ai cũng khen sáng dạ”.

Anh Nhàn bên rẫy á vừa trồng vụ mới

Miệt mài những mùa sim chín

Bây giờ mỗi mùa sim đến, anh Nhàn đi khắp Bắc miền Trung, từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế dọc các vùng núi rừng Trường Sơn để tìm mua sim. Bạn hàng của anh là trẻ chăn trâu hoặc những nông dân làm rẫy rỗi việc. “Khi lên vùng miền Tây Lệ Thủy, đến xóm nào ở Phú Thủy, Sơn Thủy... tôi cũng được người dân đón tiếp bằng ánh mắt lạ và tôi phải giải thích người ta đặt để làm rượu sim, rượu này xuất qua Nhật, Mỹ... Có lúc tôi phải đưa cả chai rượu sim đi rót từng cốc mời người ta, họ nếm mới biết đó là mùi của sim, ngon mát họ mới nhận lời đi hái sim về bán”, anh Nhàn kể.

Bốn năm trước, anh đến Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đặt vấn đề mua sim, người dân đi tìm sim chín từ sớm như trẩy hội, cán bộ xã ngạc nhiên, gọi anh lên hỏi vặn, anh Nhàn phải vất vả giải thích.

Mùa sim mua nhiều nhất của anh là hơn 200 tấn từ 4 năm trước, vụ đó anh đã vay mượn, giúp đỡ vốn liếng từ người chủ nhà máy rượu sim từ miền Nam, họ gom góp hơn 3 tỷ đồng để nhận về những tấn sim ngọt, mát rượi màu tím gửi vào nhà máy. Theo thời gian, các mùa sim bây giờ không có mùa nào thu mua quá 200 tấn.

“Ngày trước tới chỗ nào cũng gặp sim lút mắt trên các dãy núi đồi, thời đó đồi hoang hóa nhiều nên sim mọc dày, dần dần người dân đấu thầu các vùng gò đồi như thế, bất cứ ở đâu có gò đồi, có cây sim là người ta khai hoang trồng rừng, keo, tràm, thông, cao su nên sim nhường chỗ cho các cánh rừng kinh tế. Đến giờ thì sim chỉ còn lác đác ở các khoảnh nhỏ bên lề đồi núi, nơi người ta không trồng được gì vì toàn đá cằn cỗi, sim ngày càng ít đi đấy”, anh Nhàn đánh giá.

Trồng sim để làm giàu

Ngồi trước mặt tôi là người nông dân duy nhất buôn sim của miền Trung. Thấy bao mùa sim ngày mỗi thu hẹp, anh Nhàn bàn với vợ vay mượn, rồi gom tiền lãi buôn sim mà đi tìm sim về trồng. Chị Lãnh lúc đầu nghe cũng khó chấp nhận, làm sao trồng sim dại được, nó mọc tự nhiên chứ có lúc nào trồng đâu. Anh Nhàn cứ thuyết phục vợ: “Sim sống ở núi đồi khắc nghiệt, đất cằn mấy cũng sống, sỏi đá mấy cũng vươn lên không cần chăm sóc nhiều. Mình trồng, tưới nước, chăm chút chắc nó không phụ mình đâu”. Chị Lãnh nghe xuôi tai và thế là anh Nhàn lên núi bứng về 7 cây sim dại trồng trong vườn nhà, chăm sóc bình thường, qua mấy tháng chúng sống tốt, hoa nở rộ, quả sai, tím cả góc vườn. Mùa thu 2015, anh Nhàn tìm bà con trong làng, nói nguyện vọng khai thác 2ha rừng keo bên đường xuyên Á xong là thuê mọi người đi rừng đào sim dại về trồng. Đất trồng keo của anh toàn sỏi đá, cằn cỗi vô cùng. Bán được lứa keo hơn 200 triệu đồng, anh Nhàn thuê người vào núi đào sim về trồng. Hơn 20.000 cây sim được đưa về, mỗi cây anh trả công 10.000 đồng. Ngày trồng xuống, tưới nước và cứ thắc thỏm mỗi đêm, không biết sim có thương mình?

Một góc vườn sim của anh Nhàn

Hết tháng, lá sim rụng tơi bời, vợ chồng anh nghĩ chắc chúng đã chết, nhưng mùa mưa kéo đến; sim lại nẩy chồi, lá vươn xanh thích mắt. Bữa đó, vợ chồng anh mừng chảy nước mắt. “Đây là cây sẽ làm giàu không chỉ riêng tôi mà cho dân cả làng này. Chú xem, nhà máy làm rượu sim ở miền Nam đặt có bao nhiêu thu mua bấy nhiêu. Trồng keo tràm, thông hoặc cao su thì vốn lớn, chờ 5 - 7 năm mới thu hoạch được, rồi tính công cán, thuê người là lời không mấy”. Bấm đốt ngón tay rồi anh Nhàn tiết lộ: “Chừ mỗi cây sim đến mùa ra quả vừa phải cũng phải 3kg, mỗi ký bán được hơn 7.000 đồng, 20.000 cây này tính ra ít nhất 60.000kg mỗi vụ, cũng ngót nghét 420 triệu đồng rồi, chỉ trồng một năm đã có thu hoạch, không phân bón, chỉ tưới nước”.

Tôi hỏi chắc chắn làm giàu không, anh Nhàn đoán chắc: “Giàu chứ, tôi sẽ chuyển đổi hết 15ha rừng keo thành rừng sim thuần chủng, vay mượn mua thêm 35ha trong dân ở đây nữa để biến thành chuyên canh sim, vì sim vùng này chất lượng tốt, khách nước ngoài về đánh giá rồi. Vừa nói, anh Nhàn vừa dẫn tôi ra đồi sim 2ha, tất cả đang xanh ngát, nhiều cây trĩu quả, một tháng nữa cho thu hoạch vụ đầu.

Người làng giờ không nói anh điên nữa mà nói anh khôn và thông minh, bởi một mình đi một đường làm giàu riêng mà có ô tô con, nhà tầng loại tốt ở xã, nhiều gia đình rục rịch học hỏi anh để chuyển nghề trồng sim mong có hướng đi mới được xã và huyện đánh giá cao.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục