Người có gan trời

“Người có gan trời” là cách gọi của người dân Củ Chi về ông Trần Văn Thuần, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi huyện Củ Chi. Năm 1967, lần đầu tiên ông Thuần đứng ra tổ chức lễ mít tinh mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 tại ấp chiến lược xã An Phú huyện Củ Chi ngay trong lòng địch. Hàng trăm người dân đến tham dự với ánh đuốc sáng rực trên tay. Sau đó, ông ôm súng AK giữa đồng trống bắn hạ máy bay trực thăng Mỹ.
Người có gan trời

“Người có gan trời” là cách gọi của người dân Củ Chi về ông Trần Văn Thuần, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi huyện Củ Chi. Năm 1967, lần đầu tiên ông Thuần đứng ra tổ chức lễ mít tinh mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 tại ấp chiến lược xã An Phú huyện Củ Chi ngay trong lòng địch. Hàng trăm người dân đến tham dự với ánh đuốc sáng rực trên tay. Sau đó, ông ôm súng AK giữa đồng trống bắn hạ máy bay trực thăng Mỹ.

        Dòng người như thác lũ

Ánh mắt hấp háy già nua, nhưng nét tinh anh vẫn ngời sáng, ông Trần Văn Thuần kể lại một đêm hào hùng lịch sử. Đêm 8-3-1967, lúc ấy ông là Huyện đội phó Huyện đội Củ Chi. Khí thế cách mạng ào ạt như thác đổ, khi mà từ khắp các nẻo đường thôn xóm Củ Chi, người dân từ các xã Phú Mỹ Hưng, An Phú, Bình Mỹ, Trung Lập Thượng… như nước lũ tràn về không gì ngăn nổi. Mọi người đi dự lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.

Bầu trời tối đen không trăng sao, dưới ánh đèn măng-xông, ông Trần Văn Thuần dõng dạc phát loa lồng lộng giữa đêm khuya mặc cho tiếng đạn bay đỏ trời của những đồn lính quanh đó điên cuồng bắn như mưa về hướng có ánh đèn sáng tại ấp chiến lược xã An Phú. Tiếng loa như hịch truyền kêu gọi các đồn lính không được manh động làm ảnh hưởng đến buổi lễ thiêng liêng của toàn thể phụ nữ trên thế giới nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng, đặc biệt là phụ nữ Củ Chi. Tiếng súng ngoan cố vẫn nổ, tức thì từ bên ngoài giao thông hào quanh các đồn lính, lực lượng bảo vệ buổi lễ đã được bố trí sẵn, nào là đạn pháo, lựu đạn phát hỏa nổ tới tấp. Trước hỏa lực dữ dội như vũ bão đánh phủ đầu, các đồn lính đã ngoan ngoãn im hơi lặng tiếng. Lúc bấy giờ đã 23 giờ, nơi ấp chiến lược An Phú sáng rực những ánh đuốc của bà con hội tụ về đây với nét mặt rạng ngời niềm tin, mừng vui tham dự lễ mít tinh chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.

Bức tranh ghi lại cảnh tổ chức lễ mít tinh 8-3 ở Củ Chi năm xưa. Ảnh: VŨ ANH HOÀNG

Bức tranh ghi lại cảnh tổ chức lễ mít tinh 8-3 ở Củ Chi năm xưa. Ảnh: VŨ ANH HOÀNG

Lễ chào cờ trang trọng bắt đầu, hàng trăm người dân cùng hát vang lời ca: “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước...”, lời ca hào hùng vang dội như đánh thức đêm khuya, kêu gọi mọi người thức dậy cùng lắng nghe khúc ca hùng tráng, cùng bước đi dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Kể đến đây, ông Trần Văn Thuần không giấu được niềm tự hào của một thời Củ Chi đạn bom, một thời Củ Chi đất thép thành đồng, trước một buổi lễ trọng đại, mà trước đó, ông đã chỉ đạo du kích Củ Chi tổ chức thành công công khai lễ kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2 ngay trong ấp chiến lược Trung Hòa, xã Trung Lập Thượng. Thừa thắng xông lên, từ đó cho tới năm 1975, năm nào ông cũng tổ chức các ngày lễ lớn công khai giữa ấp chiến lược.

Ông Trần Văn Thuần bồi hồi nhớ lại, trước khi tiến hành tổ chức lễ kỷ niệm thành lập Đảng cũng như kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, các cấp lãnh đạo Củ Chi thời bấy giờ đã họp bàn rất kỹ, phải táo bạo mà không liều lĩnh, thể hiện ý chí và sức mạnh cách mạng luôn ở bên dân. Buổi lễ diễn ra tuy đơn sơ mà long trọng, chủ tọa đoàn là chị Út Sót, đại diện phụ nữ huyện Củ Chi, chị Lại Thị Chuông, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã An Phú, chị Trần Thị Sương, Trung đội trưởng trung đội nữ du kích Củ Chi. Có cờ hoa, có ảnh chân dung Bác Hồ, nghi thức đúng quy trình, không qua loa, hời hợt, thể hiện tinh thần bất khuất của người dân luôn hướng về Đảng, về Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông Trần Văn Thuần hé lộ điều bí mật: “Lực lượng vũ trang đánh phủ đầu các đồn bót lúc đó, không ai khác hơn chính là anh em nhân dân tự vệ và một số lính dân vệ. Hầu hết anh em đó là con em Củ Chi. Mỗi nhà có ba bốn người đi cách mạng thì cũng để ra một người đi làm nhân dân tự vệ, lính dân vệ. Mục đích để làm hậu thuẫn cho cách mạng, làm nội ứng mỗi khi công đồn, nắm tình hình hoạt động của địch để kịp thời đối phó.

        Tiếng hát từ lòng đất

Sau khi buổi lễ kết thúc tốt đẹp, ông Trần Văn Thuần về căn cứ tổ chức lễ với anh chị em du kích ngay dưới địa đạo trong một căn hầm ngang 5m, dài 25m. Nội dung tổ chức có chiếu phim, văn nghệ và liên hoan nhẹ. Mọi người cùng hát với nhau những bài ca cách mạng, hun đúc thêm ý chí chiến đấu. Tiếng hát từ lòng đất mà có sức sống mãnh liệt vượt lên trên mặt đất, thành ý chí chiến đấu bất khuất kiên cường.

Mấy ngày sau, nào là máy bay thám thính L19 ngày đêm chao liệng trên bầu trời Củ Chi, đến máy bay trực thăng liên tục bay quanh khu vực địa đạo tha hồ bắn rốc két, đại liên. Nhà cháy, cây đổ tan hoang. Một ngày sau, biệt kích Mỹ đổ bộ tấn công vào địa đạo. Ông Trần Văn Thuần hóm hỉnh: “Chúng tôi leo lên cây đếm từng tên địch đang mò mẫm tiến vào chỗ chết. Có tất cả 127 tên. Tại mặt trận chống càn do chúng tôi chịu trách nhiệm, chỉ có 4 người với 3 súng AK, 1 súng ngắn, 3 trái mìn và 12 lựu đạn, nhưng chúng tôi vẫn không hề nao núng, vì có hệ thống địa đạo như thiên la địa võng, quân địch làm sao xâm nhập được. Chờ cho chúng đến sát địa đạo, ngay ổ mìn, chúng tôi tung hết hỏa lực ngay trận mở màn, khiến chúng hoảng sợ tháo chạy tán loạn, bỏ lại 37 xác chết. Sau thất bại nặng nề cay đắng đó, chúng không dám dùng lực lượng bộ binh tấn công vào địa đạo, chỉ dùng máy bay trực thăng liên tục bay thật thấp sát ngọn dừa như chỗ không người, tha hồ bắn rốc két, đại liên. Nhà cháy, cây đổ tan hoang”.

Trước cảnh làng quê Củ Chi bị tàn phá, ông Trần Văn Thuần căm tức đến tột cùng, quên hết mọi hiểm nguy đạn pháo từ máy bay trực thăng đang bắn xuống như mưa, ông hiên ngang ôm súng AK đứng ngay trên hầm địa đạo bắn máy bay. Chiếc trực thăng phát hiện mục tiêu liền quay đầu lại bắn xuống dữ dội, khói bụi bay cao ngất trời che lấp mất ông Thuần. Tất cả du kích đang nấp dưới hầm công sự ai cũng đinh ninh là ông Thuần đã hy sinh. Chiếc trực thăng vừa bay qua, khói bụi lắng xuống, ông Thuần vẫn đứng sừng sững, nòng AK cháy đỏ bắn liên tục. Mục tiêu vẫn còn, chiếc trực thăng liền quay đầu lại và càng hạ thấp, chúng quyết tiêu diệt mục tiêu. Tức thì lãnh ngay một băng đạn AK, bốc cháy rừng rực trên không và rơi ngay xuống đất. Ông Trần Văn Thuần đứng chết lặng như trời trồng, trước máy bay trực thăng bị bắn rơi bằng súng AK, mà tác giả của chiến công này lại chính là ông. Người dân Củ Chi túa ra mừng rỡ, nhiều người ôm chầm lấy ông mà khóc, vì ai cũng nghĩ là ông không còn sống, đúng là người có gan… trời.

Những ngày này, trên đường quê Củ Chi, người ta thấy có một ông già đội nắng dầm mưa, đi dặm dài đầu trên xóm dưới vận động bà con giúp người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn chén cơm manh áo, ngôi nhà che mưa nắng, viên thuốc nghĩa tình lúc ốm đau. Không chỉ vào những ngày lễ tết mà ông Thuần vẫn thường xuyên tới lui thăm viếng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ để kịp thời chuyển đến các cấp có thẩm quyền giải quyết. “Cuộc đời có bao lâu, đừng sống bằng hào quang của một thời, mà phải thực tế và hãy vì mọi người, vì cuộc sống tươi đẹp trước mắt”, ông Thuần tâm niệm.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục