Người Cơ Tu nhớ làng

Người Cơ Tu nhớ làng

Cuối năm 2007, Thủy điện A Vương - một trong số các công trình thủy điện lớn của miền Trung - sẽ hoàn thành và hòa vào điện lưới Quốc gia điện lượng trung bình hàng năm 815 triệu kWh... Từ Đà Nẵng lên xã Mà Cooih huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam trong mưa rừng sầm sập, tôi gặp hai bên đường các ngôi làng Cơ Tu đẹp như tranh vẽ. Vậy mà nhiều ngôi làng như thế của Mà Cooih sắp phải dỡ bỏ nhường đất cho công trình Thủy điện A Vương. Nhà nước đã xây 3 làng tái định cư bê tông cốt thép “đẹp hơn làng cũ” để đón người Cơ Tu về ở nhưng sao cái bụng người Mà Cooih vẫn không vui. Chưa rời làng cũ mà các già làng đã ngẩn ngơ nhớ làng...

  • Làng lạ trong mắt người Cơ Tu
Người Cơ Tu nhớ làng ảnh 1

Làng tái định cư Pache palanh xây xong từ tháng 8 nhưng chưa có hộ dân nào đến ở.

Băng qua mấy trái đồi của Làng Thanh niên lập nghiệp Asờ, tôi gặp Khu tái định cư Pachepalanh với các dãy nhà sàn bê tông cốt thép nhấp nhô. Giữa núi rừng, trong màn mưa giăng xối xả, những mảng màu xanh đỏ trắng vàng cùng hình khối bê tông đều đặn rực lên vui mắt. Làng tái định cư xây xong từ tháng 8 nhưng vẫn chưa có người Cơ Tu đến ở.

Theo tính toán quy hoạch thì Thủy điện A Vương có trên 941 ha đất bị ngập trong lòng hồ và có tất cả 318 hộ với 1.582 nhân khẩu đồng bào Cơ Tu xã Mà Cooih và xã Dang phải di dời đến nơi ở mới.

Ngay khi khởi công công trình Thủy điện A Vương, Ban quản lý dự án Thủy điện 3 và huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam cùng thống nhất xây dựng 3 Khu tái định cư là Pachepalanh, Cut Chrun cho 242 hộ/1.125 khẩu của xã Mà Cooih (Đông Giang) và khu đồi A lua cho 69 hộ dân xã Dang (Tây Giang).

Tại các khu tái định cư, ngoài ngôi nhà sàn bê tông, mỗi hộ Cơ Tu còn được cấp 1,5 ha đất ngoài khu vực làng để trồng trọt và chăn nuôi. Cán bộ Ban quản lý dự án thủy điện 3 nói rằng họ xây dựng làng tái định cư cho người Cơ Tu dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí... du lịch!

Bên đống vỏ bia lổn nhổn ở thị trấn Asờ, một già làng Cơ Tu lờ đờ lật khật bảo tôi: “Mình khen làng mới đẹp vì nó lạ cái con mắt đấy thôi”. Để có mấy ngôi làng lạ trong mắt người Cơ Tu, ông Nguyễn Minh Chiến - Phó phòng Môi trường tái định cư (Ban quản lý dự án Thủy điện 3) nói rằng Nhà nước đã đầu tư vào đấy 140 tỷ đồng.

Người Cơ Tu thấy lạ mắt khen làng đẹp, cán bộ Ban Quản lý dự án tính toán chi ly tổng mức đầu tư; còn tôi, trong mưa giăng kín mặt, tôi nhìn mấy ngôi làng đều đặn các khối bê tông trên triền đồi và thầm so sánh sự sắp xếp trật tự các ngôi nhà sàn với những nghĩa trang liệt sĩ của một huyện giàu thành tích đền ơn đáp nghĩa...

  • Người Cơ Tu nhớ làng
Người Cơ Tu nhớ làng ảnh 2

Làng tái định cư Pache palanh (xã Ma Cooih) - một trong 3 làng tái định cư của Thủy điện A Vương.

Thị trấn Asờ mới hình thành từ lúc khởi công Thủy điện A Vương. Chỉ 2 năm nhưng Asờ đã vội có đủ thứ dịch vụ dành cho tiêu khiển. Trên chiều dài gần 1 cây số đường Hồ Chí Minh đi qua thị trấn, tôi đếm được vài chục quán nhậu lớn, nhỏ cùng nhà hàng, nhà nghỉ, karaoke...

Dọc con đường qua thị trấn là những trai làng Cơ Tu lượn lờ xe máy đi tìm thú vui. Suốt 3 ngày mưa tầm tã của đợt áp thấp nhiệt đới giữa tháng 10 là 3 ngày trụ sở UBND xã Mà Cooih không có cán bộ đến làm việc. Nhà Chủ tịch xã A Lăng Bay ở thôn AZan (bên kia dòng A Vương cuồn cuộn lũ), không thể nào sang được nên tôi đi tìm Phó Chủ tịch A Lăng Trách.

Trước sân nhà cha mẹ A Lăng Trách ở thôn Asờ - ngay cạnh thị trấn - có một nhóm thanh niên đang hăm hở cạo lông con heo “3 tay” (khoảng năm chục cân).

Một trai làng vắt vẻo trên xe máy bảo tôi: “Làng mình lâu nay ngày nào cũng vui hết, ngày nào cũng chung nhau làm con thịt để uống rượu vì nhà nước cho nhiều cái tiền đền bù!”. Câu trả lời vô tư cùng vẻ mặt hơn hớn rạng ngời của các trai làng Asờ khiến tôi không khỏi băn khoăn vì trong số 380 hộ dân Cơ Tu được đền bù thiệt hại từ công trình Thủy điện A Vương, có những hộ nhận hàng tỷ đồng.

Khi Thủy điện A Vương chưa khởi công, không ít đồng bào Cơ Tu ở A Vương thấy tiền còn ngơ ngác vậy mà giờ đây, bỗng chốc họ có trong tay tiền tỷ. Tiền tỷ ấy đi đâu? Chắc chắn là được tuôn vào các “ngày vui” không ngừng nghỉ; vào quán nhậu, karaoke và cả những tiệm “hớt tóc thanh nữ” đang tràn ngập Asờ.

Tôi đem những ghi nhận ở Asờ trao đổi với ông Trần Văn Hải (Trưởng Ban quản lý dự án Thủy điện 3) và nhận từ ông câu trả lời rằng khi giao tiền đền bù vào tay dân, Ban quản lý cùng chính quyền huyện Đông Giang đã ra sức vận động họ gửi tiết kiệm nhưng không được.

Có tiền, người Cơ Tu ở Mà Cooih mua xe máy chạy vo ve và uống rượu hết! Ở một “cuộc vui” đã tàn tại thôn Đhơreeng, tôi gặp già làng ARăc Nhe ngồi tựa cột ngó mông lung lên đỉnh núi xám xịt màu mưa. Chưa xa làng nhưng già và đám con cháu Đhơreeng đã đăm đắm ngẩn ngơ nhớ làng.

Các già làng ở thôn ADêng, Trơ Gung, A Lua, Ca La cũng nhớ. Chủ tịch xã Mà Cooih ở thôn Azan cũng không muốn xa cái làng cũ. Lúc nhà nước khởi công xây làng mới, người Cơ Tu ai cũng ưng cái bụng nhưng giờ lại không muốn về đấy ở nữa vì không có chỗ nuôi con gà con heo, đất được cấp cũng chẳng trồng được cây gì. Nhà sàn đẹp nhìn no con mắt nhưng không có cái chỗ để bếp lửa...

Tôi như lây nỗi nhớ làng cũ của các già làng Mà Cooih và càng quay quắt hơn, khi trong cả 3 ngôi làng tái định cư, không có bóng dáng ngôi Nhà Gươl. Nếu như ở miền xuôi người Kinh có mái đình làng, ở Tây Nguyên người Gia Rai có mái Nhà Rông thì trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, người Cơ Tu tự hào với ngôi Nhà Gươl của dân tộc mình.

Từ buổi hoang sơ cho đến tận bây giờ, cấu trúc làng Cơ Tu là hàng chục ngôi nhà sàn tạo thành hình tròn hay bầu dục quay mặt vào ngôi Nhà Gươl ở chính giữa làng... Không có Nhà Gươl người Cơ Tu sẽ không có nơi để ché rượu cần hay dựng cột đâm trâu, gái trai không có chỗ múa Za zá Tung Tung... Chỉ 2 năm nữa thôi, núi rừng A Vương sẽ ngập tràn ánh điện nhưng liệu có còn không - bản sắc văn hóa tinh thần lấp lánh ngàn đời của người Cơ Tu.

DƯƠNG THANH TÙNG

Tin cùng chuyên mục