Người đi bằng đôi tay “thèm”… vốn

Người đi bằng đôi tay “thèm”… vốn

Biết nhiều về chị qua báo chí và đồng nghiệp, chúng tôi muốn tìm đến người phụ nữ bị liệt cả 2 chân từ nhỏ, phải “đi” bằng hai tay để vượt lên chính mình và thắp ngọn nến tươi sáng cho hơn 30 trẻ em tàn tật, hoàn cảnh đặc biệt. Chị là Nguyễn Thị Hương, 39 tuổi, ở làng Vạn Điểm, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Ngôi nhà không cha

Chị Hương không lấy chồng, nhưng chị lại có tới hơn 30 người con, các con của chị đến từ nhiều vùng quê khác nhau như Hà Nam, Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nội… tất cả chúng đều “ngây ngây”, “ngô ngô” không khiếm khuyết điểm này thì khiếm khuyết điểm khác.

Năm 1994, chị bắt đầu mở xưởng làm khảm trai và nhận nhiều đứa trẻ lang thang, có hoàn cảnh đặc biệt vào làm, chị ân cần dạy cho chúng cách cầm búa, gắn khảm trai… khi đêm xuống chị lại tình nguyện làm người mẹ hiền, người cha bao dung cho những đứa trẻ. Có nhiều lần bọn trẻ không may bị sốt, chị phải thức cả đêm  chăm sóc cho các con.

Các trẻ tàn tật khảm trai gia công trên gỗ

Các trẻ tàn tật khảm trai gia công trên gỗ

Chị Hương kể lại: “Mình cũng không biết bản năng làm mẹ có từ khi nào, chỉ biết thấy con ốm đau, mệt… là mình không sao ngồi yên một chỗ được. Mình xem các con như con đẻ của mình vậy!”. Không chỉ có bản năng của người mẹ, chị Hương còn như một người cha bao dung, độ lượng khi phân xử những lúc bọn trẻ cãi lộn nhau vì bất đồng trong công việc, cuộc sống hằng ngày.

Bé Nguyễn Cao Cường, 8 tuổi, là thành viên nhỏ nhất nhà hồn nhiên: “Mẹ Hương yêu em nhất, em đi học về mẹ thường để dành đồ ăn cho em, tối đến em được nằm cạnh mẹ”. Nghe Cương nói đến đoạn đó, chị Hương không sao cầm được nước mắt, chị khóc và mấy đứa bé gái không hiểu sao cũng khóc oà theo...

Ngôi nhà không có tiếng cha, nhưng chưa bao giờ chị Hương phải buồn lòng vì các con, bởi các con chị rất ngoan, chúng tự bảo ban nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công việc. Nam (21 tuổi), anh cả của bọn trẻ tâm sự: “Chúng em tự bảo nhau phải nghe lời mẹ Hương, không được để cho mẹ phải buồn, phải lo lắng hay tủi thân về mình, bọn em rất thương mẹ, nhất là những khi mẹ đi ngoại giao với khách. Mẹ “đi” bằng đôi tay, còn khách đi bằng đôi chân, chỉ nhìn vào sự so sánh cao thấp ấy là bọn em đã thấy chảy nước mắt rồi…”.

Không có chồng, mọi công việc trong xưởng, trong nhà chị đều một tay cáng đáng. Từ việc lo bữa cơm hằng ngày cho các con đến việc ngoại giao bên ngoài. Chị thường xuyên nhận hàng khảm trai, đánh giấy giáp… thuê cho các xưởng mộc trong làng nghề. Đã hơn 10 năm nay, người trong làng nghề đã biết rất rõ về chị, một người đàn bà rất giữ chữ tín và có trách nhiệm với công việc. Không vì thế mà tất cả các mặt hàng gỗ có gắn khảm trai ở làng nghề đều có sự góp sức của mẹ con chị.

“Thèm” vốn kêu… ai

Đã rất nhiều lần chị thuê xe lên Phòng LĐ-TBXH huyện Thường Tín để vay vốn 200 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Nhưng không hiểu sao Phòng LĐ-TBXH chỉ chấp nhận cho chị vay 50 triệu đồng và đề nghị trong vòng 6 tháng phải trả cả gốc lẫn lãi, lần đó chị không đồng ý vay. Sau đó chị Hương có lên Phòng LĐ-TBXH huyện Thường Tín nhiều lần để đề nghị được vay vốn nhưng kết quả vẫn không được chấp thuận và lần này họ đưa ra lý do chị là người tàn tật, không có đủ khả năng để trả!.

Năm 2008, vì không đủ vốn để nhận nhiều đơn hàng, chị Hương bắt buộc phải “nhắm mắt” chấp nhận vay 40 triệu đồng từ Quỹ Tín dụng xã Vạn Điểm. Chị Hương bức xúc: “Không hiểu sao, người tàn tật được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để họ vượt lên số phận, nhưng khi đụng đến việc vay vốn thì họ tìm đủ mọi lý do từ trối! Không hiểu tại sao?”.

Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm, cho biết: Chị Hương là đối tượng đặc biệt, vừa tàn tật lại không có chồng, một khi vay vốn lớn chị không có khả năng hoàn trả thì địa phương không biết xử lý thế nào.

Được biết, chị Hương phải thế chấp cả ngôi nhà đang ở và xưởng làm để vay vốn ngân hàng nhưng cũng không có nơi nào cho chị vay 200 triệu đồng (nguyện vọng của chị Hương là mở rộng quy mô sản xuất, nhận nhiều đơn hàng mới và giải quyết nhiều lao động cho trẻ em tàn tật).

Thiết nghĩ, Phòng LĐ-TBXH và UBND huyện Thường Tín cần nhanh chóng xem xét trường hợp của chị Hương - “người đàn bà “đi” bằng hai tay” để chị có thể được vay vốn, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho trẻ em tàn tật.

Doãn Xuân (SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục