Người giữ hồn cổ thụ

Người giữ hồn cổ thụ

Hình ảnh về những cây sao bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc vương vãi khắp nơi cứ đau đáu trong đầu ông. Ông nghĩ, làm cách nào để tận dụng chứ bỏ đi thì xót quá! Mà đó lại là những gốc sao cổ thụ, ít nhất cũng phải có từ ba trăm đến bốn trăm năm tuổi…

  • Duyên nợ với đất lành

Từ chợ Trà Vinh, xuôi theo đường Điện Biên Phủ chừng 7 cây số, qua cống ngăn mặn Tầm Phương là đến chùa Komponenigrodh. Cánh cổng hình vòm cung với bức tường dày bám đầy rêu. Cũng vì cánh cổng này mà người dân gọi là chùa Hang.

Người giữ hồn cổ thụ ảnh 1

Sư Cả Thạch Xuông, trụ trì chùa Hang (tỉnh Trà Vinh) bên tác phẩm khổng lồ được chế tác bằng rễ sao cổ thụ. Ảnh: M.An.

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cả một “khu rừng” với hàng trăm cây cao rậm rạp. Những cây dầu hàng chục năm tuổi, cây quăng xoắn chắc đến những cây sao cổ thụ có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Khuôn viên chùa rộng hơn 10 ha thì hơn phân nửa diện tích là rừng cây.

Hàng ngàn con chim cò, chim vạc cùng kéo về làm tổ, tiếng gọi nhau tạo nên những thanh âm vui nhộn, rộn rã cả khu vườn… Đây chỉ là cổng phụ của chùa. Cổng chính hướng ra bờ sông. Hai bên cổng chính là hai tượng Yak to bằng người thật. Yak vốn là chằn tinh, mắt lồi, nanh dài, mặc áo giáp, cầm gậy, rất hung ác nhưng đã được Phật cải hóa, cho làm bảo vệ.

Trước kia, chùa có tên gọi là chùa Dơi, vì dơi kéo về chùa nhiều vô kể. Hồi Tết Mậu Thân năm 1968, một trái bom rơi làm 62 người chết, 57 người bị thương còn ngôi chùa thì bị hư hại nặng. Từ bận đó đàn dơi cũng bay đi mất. Rồi đàn cò cả ngàn con từ đâu về đây làm tổ, đậu trắng cả rừng cây. Có hôm, nhà chùa nhặt được vài chục cò con ngoài sân. Các sư nuôi cho cứng cáp rồi thả.

“Ngôi chùa Komponenigrodh được thành lập năm 1637 và đã trải qua 22 đời sư trụ trì, tôi là sư Cả thứ 23 tiếp nối các bậc tiền bối”. Sư Cả Thạch Xuông, trụ trì chùa Hang vừa cho chúng tôi xem những hình ảnh tư liệu, vừa kể. Hơn chục bức ảnh chùa Hang đổ nát hoang tàn sau Mậu Thân được ông giữ gìn cẩn thận.

Ông bảo: “Ngày xưa nơi đây là một bến sông, các phương tiện tàu thuyền thường giao thương qua lại, phía đầu bến có một cây đa rất to. Thấy mảnh đất hiền, các bậc tiền bối đã chọn làm nơi dựng chùa tu học. Tên chùa Komponenigrodh (Bến Cây Đa) được ghép lại từ chữ kompone (tiếng Campuchia có nghĩa là bến) và nigrodh (nghĩa là cây đa), cũng là đặc điểm và không ngoài ngụ ý mong ước nó thực sự là miền đất lành”. Năm 1977, sư Thạch Xuông về chùa. Từ đó đến nay, qua gần chục lần trùng tu, ngôi chùa mới khang trang như ngày nay.

Một trong những tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng cho Trà Vinh là bạt ngàn rừng cây với nhiều loại cây quý hiếm. Cho đến nay, Trà Vinh là tỉnh đi đầu trong cả nước về mật độ cây xanh cũng như công tác bảo vệ cổ thụ quý hiếm. Nhớ lại những cánh rừng hoang sơ vắng vẻ khi mới về chùa, sư Thạch Xuông kể: “Khu này trước có nhiều cây lắm. Cây sao cổ thụ bị đốn hạ hàng loạt, chỉ còn trơ gốc. Gỗ sao thuộc loại rất quý. Cô cứ xem đấy, rễ sao vùi dưới đất đã mấy chục năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn, không hề bị mục rữa hay mối mọt xâm hại”.

Thông thường, một cây sao trồng phải cả trăm năm mới có thể tính đến chuyện thu hoạch, nghĩa là phải từ trăm năm thì thân cây mới lớn đủ để dùng được. “Lệ thường đời mình trồng cây, thì phải đến đời cháu, thậm chí đời chắt của mình mới được hưởng. Rễ sao đã chừng này, ít nhất cây cũng phải ba trăm, bốn trăm năm tuổi. Nghĩ chuyện bỏ hết chúng đi, tôi thấy xót cả ruột”- Sư Cả giải thích. Vậy là những bộ rễ sao được đào lên, chất đống trong vườn mặc dù ông vẫn chưa biết dùng để làm gì.

  • Thổi hồn cho cổ thụ

Người giữ hồn cổ thụ ảnh 2

Tác phẩm điêu khắc gỗ được làm từ rễ cây sao do các nghệ nhân thực hiện tại chùa Hang, tỉnh Trà Vinh.

Mời được anh thợ Thạch Buônl, quê ở ấp Hóa Thành 2, xã Đông Thành, huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long về chùa, Sư Cả mừng không kể xiết. Những tác phẩm đầu tiên từ rễ cây sao ra đời: đó là hình con chim đại bàng với đôi mắt sắc và đôi cánh dũng mãnh, những chú chim bồ câu mắt tròn xoe, là tượng Phật Di Lặc cười trong trẻo, là chú heo rừng đang dung dăng dũi cỏ, là bầy nai nhởn nhơ bên bờ suối… Tất cả là những bức tranh về thiên nhiên sống động, dân dã, tươi vui phảng phất nét sống thanh tịnh, yên bình.

Ban đầu là hình ảnh những con vật có hình dáng, đường nét đơn giản, càng ngày các tác phẩm càng được hoàn thiện, tinh xảo. Sư Cả khoe với chúng tôi bộ rễ sao lớn nhất được tạo hình thành một tác phẩm khổng lồ đặt trang trọng ngay phòng khách: “Bộ rễ sao này ước chừng phải có từ 400 đến 500 năm tuổi. Tác phẩm này là cả một kỳ công của anh Thạch Buônl, anh ấy phải mất ròng rã hơn 8 tháng trời mới hoàn thành”.

Có được “thầy” giỏi, sư Thạch Xuông lại dấn thêm một bước: chuyện học nghề. Hàng chục đệ tử của chùa được Sư Cả khuyến khích học nghề điêu khắc gỗ từ thầy Thạch Buônl. Những bộ rễ sao xấu xí, tưởng như chỉ có thể bỏ, qua bàn tay người thợ tài hoa đã “lột xác” trở thành những hình ảnh thiên nhiên sống động, tươi vui, có hồn đến lạ kỳ.

Thích thú với công việc mới, nhiều thanh niên, phật tử ở địa phương tìm đến chùa xin học nghề, Sư nhận hết, còn lo cả chuyện nuôi cơm. Anh Kim Thanh Ni, 32 tuổi, ở khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành tâm sự: “Tui học được nghề rồi, thích lắm, vui lắm.

Không có tiền vẫn học được nghề. Có nghề rồi sẽ làm được nhiều việc, không sợ thất nghiệp”. Còn anh Sơn Sóc, 30 tuổi, ở phường 9, thị xã Trà Vinh cũng không giấu được niềm vui khi chúng tôi hỏi về chuyện nghề: “Từ đó tới giờ chỉ biết làm ruộng thôi, học được nghề này thấy thích lắm. Có nghề đàng hoàng để lo cho vợ con nữa chứ”. Anh cười xởi lởi và khoe chúng tôi tác phẩm bộ tứ dở dang: chú voi con cõng trên lưng con chim đại bàng, rắn và cá chép.

  • Giữ hồn cổ thụ cho đời sau

Tiếng lành đồn xa, người dân địa phương và các tỉnh lân cận tìm đến chùa thưởng thức những tác phẩm điêu khắc ngày càng nhiều. Có người còn mượn Sư Thạch Xuông tác phẩm để trưng bày tại các chương trình lễ hội, triển lãm cho người dân thưởng ngoạn. Khách hàng thân thuộc của những tác phẩm gỗ điêu khắc “đặc biệt” này là các ban ngành đoàn thể và cơ quan, chính quyền ở địa phương.

Nhiều tác phẩm của chùa đã được “xuất ngoại” nhờ “các anh bên Ủy ban, Sở Công nghiệp, Sở Du lịch thường đến đây đặt hàng để làm quà tặng cho các buổi lễ lộc, đối tác và du khách nước ngoài”- sư Cả cho biết. Ngoài ra, mỗi năm có hàng trăm du khách nước ngoài tìm đến xưởng điêu khắc gỗ của chùa để được tận mắt chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo.

Anh Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh Đoàn Trà Vinh tự hào: “Xưởng điêu khắc gỗ của Sư Thạch Xuông là một cách làm mới và hiệu quả. Nhờ đó hàng chục thanh niên ở địa phương đã học được nghề, có việc làm và thu nhập ổn định, chăm lo cho gia đình”. Được biết, Sư Thạch Xuông là một trong tám đại biểu của tỉnh Trà Vinh được dự Đại hội đại biểu Thanh niên toàn quốc năm 2004.

Đang trò chuyện, Sư Cả chợt kéo chúng tôi ra vườn xem “tài sản quý giá nhất” của ông: gần 1.000 gốc cây sao, thân to bằng nắm tay (đã được hơn tám năm tuổi) ông trồng trong vườn chùa đang vươn lên xanh tốt. Sư nói: “Tôi đã được “hái quả” từ những người đi trước, nên nghĩ mình phải có trách nhiệm với người sau”. 

MINH AN

Tin cùng chuyên mục