Người giữ kỷ vật khắc trong tim

THU HƯƠNG
Người giữ kỷ vật khắc trong tim

Những câu chuyện của một trong những người đầu tiên bước chân trên dải Trường Sơn – Đại tá Nguyễn Danh - là kho tư liệu quý được Bảo tàng TPHCM trân trọng lưu giữ.

Người giữ kỷ vật khắc trong tim ảnh 1

Kho tư liệu này có thể gọi là kỷ vật tinh thần của người đi B gồm Ký sự tiền sử đường Hồ Chí Minh (5-1959 – 5-1965), Những nẻo đường kháng chiến, Trường Sơn 16 năm, Một số tư liệu Trường Sơn, cuốn sổ tay ghi chép trên đường Trường Sơn, Nhân chứng trên đường Trường Sơn 1959 – 1976…

Gắn bó với đường Trường Sơn từ những ngày đầu mở đường, rồi sau đó không biết bao nhiêu lần vào ra, nhưng đại tá Nguyễn Danh lại không còn giữ chút kỷ vật nào từ chiến trường dù bản thân ông là người rất trân trọng kỷ niệm. Trong chiến tranh, hai lần bị bom thả sập hầm (may mà hầm kiên cố nên chỉ bị rách một bên màng nhĩ).

Một lần đoàn xe đi công tác bị dội bom, cái xe bị bom dội nặng nhất là xe suýt nữa ông lên ngồi. Đó chỉ là những kỷ niệm mà đại tá cảm nhận “nhờ ơn trời” mà thoát. Còn rất nhiều mối nguy hiểm mà người lính Trường Sơn phải đối mặt, chấp nhận. Đến khi hòa bình, ông trở về thì nhà bị cháy rụi. Cả bộ quân phục vừa được tặng thưởng cũng cháy luôn… Đồng đội cười trêu: “Anh trở về không còn gì nữa, cả mảnh áo màu xanh lá”. Vậy nhưng, ông vẫn cười rất hiền: “Mình đã được một lần bắt tay Bác Hồ, được những kỷ niệm lưu lại trong tim. Quan trọng là mình còn được trở về khi biết bao xương máu đồng đội gửi lại chiến trường. Vậy là hạnh phúc quá rồi!”.

Người lính già ấy năm nay đã ngoài 80. Nói chuyện, dù có đeo trợ thính ông vẫn rất khó nghe. Nhưng cứ nhắc đến Trường Sơn thì hai mắt ông lại sáng vẻ tinh anh, cảm động.

THU HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục