
Ở vùng đất khô cằn này, mùa khô, mọi nguồn nước hầu như cạn kiệt. Người dân có lúc phải bỏ ra 36.000 đồng để mua một mét khối nước sinh hoạt. Cuộc sống xưa nay vốn đã bần hàn, vậy mà còn phải mua từng xe thồ nước với giá không “mềm” chút nào càng khiến đời sống thêm khó khăn.
Rồi bỗng dưng có nguồn nước sạch đưa đến tận từng gia đình mình. Hàng trăm hộ xứ này được xài nước với cái giá hạ xuống chín lần so với trước (tức là 4.000 đ/m3 nước sạch). Ai nấy đều ngỡ mình nằm mơ, giấc mơ từ một thanh niên đem đến...
Người “khùng” và nhà máy nước trong núi
Tên anh là Nguyễn Hiệp Cường, hiện ở thôn Nhà Máy xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Năm nay, anh Cường bước sang tuổi 36. Dáng người anh nhỏ bé, nước da bánh mật, giọng nói lanh lảnh. Khi dẫn tôi đi thăm “nhà máy nước” của mình, vẫn chất giọng vùng quê lúa Thái Bình, anh kể: “Vất vả nắm (lắm) các bác ạ, nhưng em đã quyết nà nàm (là làm) bằng được. Ở đây, mọi người vẫn hay trêu em nà Cường niều (liều)”.

Anh Cường bên mó nước trong núi...
Học xong phổ thông trung học, Cường đi học trung cấp điện. Ra trường, xin đi làm công nhân nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn, năm 1996, Cường quyết định rời quê hương xin vào làm công nhân Nông trường chè Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Cả một vùng đất bạt ngàn đồi núi, vào mùa khô, nắng nóng kéo theo những cơn gió Lào quái ác khiến mọi nguồn nước hầu như cạn kiệt. Bản thân Cường cũng có lúc phải bỏ tiền ra mua từng khối nước đắt đỏ để sinh hoạt. Nhìn cảnh người nhà và bà con chòm xóm hàng ngày phải mua nước như vậy, trong đầu chàng trai trẻ ấy lóe lên một ý nghĩ táo bạo.
Năm 1998, cái tên Cường “liều”, Cường “khùng” bay khắp vùng Bãi Trành vì Cường đã dám bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng một “nhà máy nước”, mà cái nhà máy nước này lại được lấy từ một “mó” nước dưới vực sâu trong núi, cách khu dân cư 600m.
Lúc bấy giờ, Cường đem dự định của mình đến trình bày với ông Nguyễn Thế Liên, Phó Chủ tịch thị trấn Bãi Trành ngày đó và ông Võ Trọng Đức - Giám đốc Nông trường chè Bãi Trành. Thoạt nghe Cường trình bày, hai ông Đức và Liên phát hoảng, nhưng rồi nghĩ kỹ cả hai ông quay sang ủng hộ Cường, tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính cần thiết và giới thiệu các nguồn vốn vay cho anh.
Vậy là, Cường khăn gói một mình xuống thành phố Thanh Hóa, tìm đến Công ty Cấp thoát nước Thanh Hóa hỏi về quy trình lập dự án xây dựng một nhà máy nước. Cán bộ Công ty Cấp thoát nước Thanh Hóa bảo với Cường rằng phải đầu tư ít nhất hơn một tỷ đồng mới xây dựng được một nhà máy nước dạng nhỏ nhất.
Nghe mà rụng rời chân tay. Chao ôi, đào đâu ra tiền tỷ bây giờ? Cường ra về với nét mặt thiểu não, ruột rối như tơ vò. Về đến nhà, khi rửa mặt, nhìn chậu nước được rót ra từ chiếc can nhựa 20 lít lấy từ mó về, Cường cứ ngồi bần thần nghĩ ngợi. Phải làm bằng được, không cách này thì cách khác.
Cường nghĩ vậy rồi lại “lao” xuống mó nước, ngồi hàng giờ đồng hồ nhìn dòng nước trong vắt, mát lạnh từ trong lòng đất chảy ra mó không bao giờ cạn. Đêm đó về nhà, Cường gần như thức trắng. Ngay hôm sau, anh về Thái Bình bàn bạc với gia đình.
Ông Nguyễn Hiệp Rĩu - bố đẻ Cường, nghe con trai trình bày dự định của mình, ông không chút đắn đo mà ủng hộ Cường một cách tuyệt đối. Nhà có bao nhiêu vàng ông giao cả cho Cường đem bán được 63 triệu đồng. Được bố ủng hộ, máu “phiêu lưu” trong anh như hăng lên, Cường quyết định vay mượn thêm anh em, bạn bè, hàng xóm, ngân hàng tổng cộng được 200 triệu đồng và bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình.
Việc đầu tiên là khơi dòng, kè đá, xây mó nước thành một giếng khơi có dung tích 300m3. Sau đó đặt trạm bơm cấp 1 tại giếng, dùng hai máy bơm hút nước lên theo đường ống kẽm phi 76mm, bơm ngược 600m lên bể chứa tại gia đình. Từ bể chứa này, nước được xử lý qua hệ thống lọc thủ công.
Trạm bơm cấp 2 được đặt tại bể để bơm nén vào đường ống kẽm dẫn nước về tận các hộ dân. Nói thì dễ vậy, nhưng khi làm mới biết hết những khó khăn, cơ cực. Cường kéo cả mấy anh em ruột thịt từ Quỳnh Phụ (Thái Bình) vào để cùng làm với mình.
“Ông chủ” của nhà máy nước tư nhân

... và trong trạm bơm của anh.
Qua hai năm vật lộn với công trình, cuối năm 2000, thành công bước đầu của Cường là nguồn nước trong vắt được lấy từ vực sâu lên chảy tràn mặt bể.
Với 4km đường ống kẽm loại phi 76mm làm trục chính dẫn nước về cung cấp cho 140 hộ dân ở các thôn Cầu, thôn Mơ, thôn Nhà Máy, khu chợ Bồ và 10 doanh nghiệp, cơ quan trên địa bàn hai xã Bãi Trành và Xuân Bình, Cường đã khiến cho mọi người trong vùng cứ ngỡ họ đang mơ.
Ngày nguồn nước được đưa về khu dân cư, ông Giám đốc Nhà máy chè Bãi Trành ôm lấy Cường thốt lên trong niềm vui sướng: “Tốt lắm! Cháu đã cứu cho người dân vùng này qua cơn khát kinh niên”.
Mỗi khối nước sạch được Cường bán với giá 4.000 đồng qua hệ thống đồng hồ đo nước đặt tại từng gia đình. Ai cũng hoan hỷ, trầm trồ khen rẻ quá, quý quá.
Qua gần 5 năm hoạt động, mô hình cấp nước sinh hoạt dân sinh của Cường đã được Ngân hàng Nông nghiệp tin tưởng. Anh đã vay thêm được vốn để mở rộng kinh doanh.
Mới đây, Cường tiếp tục đầu tư thêm 4km đường ống nữa (tổng cộng 8km) với chi phí hơn 600 triệu đồng để dẫn nước ngọt đi xa hơn. Điểm cấp nước xa nhất của anh hiện nay đã cách nhà anh 2km. Gần 500 hộ dân và 16 cơ quan, đơn vị trên địa bàn đều dùng nước do “nhà máy” này cung cấp.
Giờ đây, mỗi gia đình người dân Bãi Trành đều được dùng nước sạch sinh hoạt như ở nơi thị thành. Từ 5 giờ sáng trong ngày, ông “giám đốc” đã bắt đầu bơm nước về cho mọi người dùng đến tận 22 giờ đêm. Nhiều người khuyên Cường nên tăng giá nước lên, nhưng anh không đồng ý.
Cường bảo: ‘’Thành công lớn nhất của tôi là đã giúp được bà con không thiếu nước ăn, uống và sinh hoạt, thứ nữa là tạo được việc làm cho anh em trong gia đình. Chỉ có điều vùng này dân cư phân bố không đều, quá thưa nên mình chưa thể đầu tư thêm để mở rộng được mạng lưới phục vụ cho bà con. Ngày nào cũng có người đến xin mắc nước mà không đáp ứng được cũng thật khó nghĩ…”.
Anh Tiến, người hàng xóm đã chứng kiến việc làm của Cường từ đầu chí cuối khẳng định: “Thành công lớn nhất của chú Cường là đã hóa giải được cơn khát cho cả làng, cả xã này”.
Lúc chia tay, Cường bày tỏ ý nguyện mong có thêm vốn đầu tư, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch này để mở rộng mạng lưới phục vụ cho bà con nhân dân trong xã. Hai trạm bơm cấp 1 và cấp 2 được Cường đầu tư từ ngày đầu chạy ròng rã mấy năm trời giờ đang xuống cấp. Cũng may là Cường có nghề điện dân dụng trong tay, biết cách sửa chữa mỗi khi máy “muốn nghỉ xả hơi” nếu không thì…
Đang tâm sự với tôi thì có người trong thôn đến thông báo mời Cường đi họp chi bộ. Tôi hỏi anh vào Đảng Cộng sản Việt Nam hồi nào, anh gãi đầu cười – “Em mới được kết lạp (nạp) đầu lăm (năm) 2004”...
Thế Lượng