Người họa sĩ đam mê biệt thự cổ Đà Lạt

Những ngày này cả thành phố hoa Đà Lạt như được khoác lên tấm áo mới, nhờ màu vàng rực rỡ của dã quỳ hay còn gọi là cúc quỳ - một loài hoa dại chỉ nở vào lúc giao mùa.
Dã quỳ nở ở khắp nơi từ trên đồi cao, dưới thung lũng và nhất là bên hàng rào của các ngôi biệt thự cổ, như sự giao hòa của thiên nhiên và con người, tạo cảm hứng sáng tác cho các họa sĩ vẽ tranh phong cảnh. Có một người luôn đau đáu với việc bảo tồn di sản kiến trúc biệt thự thông qua nét cọ của mình, đó là họa sĩ Vi Quốc Hiệp. 
Người họa sĩ đam mê biệt thự cổ Đà Lạt ảnh 1 Họa sĩ Vi Quốc Hiệp bên bức tranh mới vẽ về biệt thự cổ Đà Lạt
 “Phải lòng” biệt thự
Không sinh ra ở phố núi, chỉ có mặt sau ngày Đà Lạt và miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhưng đặt chân đến đây năm 1978 thì họa sĩ họ Vi đã bị biệt thự Đà Lạt hớp hồn và níu chân. Từ miền rừng núi phía Bắc đến với phố núi Đà Lạt là cả một không gian khác lạ, “cũng như mọi người, khi đến đây ngoài đồi núi nhấp nhô còn có những ngôi, căn biệt thự xinh xắn mà trước đó tôi chưa bao giờ hình dung, vì vậy tôi hay bỏ thời gian đến chiêm ngưỡng”, anh Hiệp nhớ lại. 
Trước đây anh Hiệp vốn đã thành công với mảng tranh chân dung thiếu nữ, nên khi mới đến phố núi, chủ đề phụ nữ Đà Lạt và hoa đã chiếm trọn tâm trí anh. Anh nhận xét: “Họ có sự thuần phác của người miền núi, lại có cái thanh lịch của người thành thị”. Nhưng kể từ năm 1983, đề tài biệt thự cổ Đà Lạt đã chiếm toàn bộ cảm xúc trong anh. Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng Đà Lạt 3-4 hoặc giải phóng Sài Gòn 30-4, anh đều có tranh vẽ biệt thự để triển lãm.
Tại Đà Lạt anh có các triển lãm vào năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 120 năm tìm ra Đà Lạt; tập hợp 120 bức vẽ về biệt thự cũ và mới. Ngay trong ngày khai mạc triển lãm, một Việt kiều ở Úc về mua 60 bức vẽ của anh để mang về Úc.
Tính đến nay, Vi Quốc Hiệp đã vẽ gần 400 bức về biệt thự Đà Lạt mà phần lớn trong đó là biệt thự cổ. Anh vẽ chủ yếu bằng chất liệu sơn dầu, vì theo anh, sơn dầu dễ dàng thể hiện được góc cạnh sắc sảo, những gam màu nổi bật của biệt thự, đồng thời bảo quản được lâu. Bức tranh vẽ biệt thự cổ mùa cúc quỳ nở đã được một khách hàng Thụy Điển tìm đến Đà Lạt mua với giá 2.000 USD sau khi anh có cuộc triển lãm tại Hà Nội năm 2011.  
Người viết đã vài lần đến thăm “xưởng vẽ” ngay chính căn hộ chật chội của anh, vốn là một ngôi biệt thự cổ xinh xắn trên đường Huyền Trân Công Chúa, TP Đà Lạt. Cách đây ít năm, chính quyền tỉnh đã quan tâm cấp cho gia đình anh một lô đất ở khu quy hoạch Yersin, để người họa sĩ thỏa sức sáng tác, có chỗ rộng rãi chứa tranh, như là một sự tưởng thưởng cho những đam mê cùng đóng góp của họa sĩ họ Vi vào quá trình xây dựng và phát triển Đà Lạt.
Nỗi niềm hoài niệm
Chúng tôi cùng rảo bước trong không gian của khu biệt thự cổ Lê Lai, đi bên cạnh những hàng dã quỳ đang khoe sắc vàng rực rỡ, chuẩn bị đón một mùa Giáng sinh và ngày hội festival hoa, để cùng cảm nhận sự độc đáo của các căn biệt thự đã được phục hồi, tôn tạo. Từng nhiều lần dạo quanh khu biệt thự này từ những năm mới đến Đà Lạt, rồi chứng kiến sự xuống cấp của những “đóa hoa” kiến trúc nên tâm hồn người họa sĩ dường như trẻ lại khi nhìn thấy sự hồi sinh.
Anh thuộc lòng từng ngôi biệt thự, thuộc đường đi lối lại giữa các phân khu. Vì nổi tiếng với những bức vẽ biệt thự nên khi khu biệt thự cổ Lê Lai trùng tu xong, chủ đầu tư đã tìm đến anh nhờ phác họa các biệt thự thành một bản đồ hướng dẫn. Anh đã thực hiện xong trong vòng 1 tháng với tất cả sự say mê. Bức tranh hiện được treo ngay phòng tiếp tân của khu biệt thự.
Khi được hỏi: “Anh đánh giá thế nào về việc bảo tồn và phát triển các di sản biệt thự ở Đà Lạt thời gian qua?”, anh Hiệp trải lòng: “So với lúc mới đặt chân đến Đà Lạt, bây giờ có vẻ lộn xộn không còn nghiêm ngặt như trước; nhiều biệt thự và khu biệt thự không còn sự biệt lập, đã bị cơi nới, nối dài một cách ồ ạt trong một thời gian dài…”. Chính vì vậy, mảng vẽ về biệt thự chính là nơi để họa sĩ Vi Quốc Hiệp gửi gắm niềm hoài niệm cho một di sản kiến trúc tầm cỡ quốc tế đang bị mai một. 
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp đang tập trung hoàn thành 125 bức tranh về biệt thự để triển lãm nhân kỷ niệm 125 năm tìm ra Đà Lạt vào năm sau. Hiện anh đã vẽ được hơn 70 bức và bức vẽ mới nhất có tên “Biệt thự cổ trong nắng”. 
Mơ về một di sản văn hóa
Vì đã trót phải lòng với biệt thự Đà Lạt, nên thông qua tranh vẽ, “muốn góp tiếng nói của văn nghệ sĩ với một di sản biệt thự cổ đang bị sử dụng lãng phí theo thời gian”, anh nói. 
Họa sĩ cũng chia sẻ thêm, điều quan tâm lớn lao hơn của anh em chúng tôi, đó chính là cần sớm có một một dự án đánh giá đúng tầm vóc của di sản kiến trúc biệt thự Đà Lạt, làm cơ sở cho việc bảo tồn, phát triển tiếp nối biệt thự Đà Lạt. Hiện còn nhiều biệt thự nằm rải rác trên các con đường Hùng Vương, Yên Thế, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Viết Xuân, Huyền Trân Công Chúa… Trong đó, có ga Đà Lạt và cụm kiến trúc đá ở quanh khu biệt thự Hỏa xa cũ, trên đường Yersin - Quang Trung… đang bị xuống cấp do sự tàn phá của thời gian và bàn tay con người, rất cần khảo sát đánh giá lại về mặt kiến trúc, để làm cơ sở cho việc bảo tồn, làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. 
Những ai có chung một tình yêu với Đà Lạt như họa sĩ Vi Quốc Hiệp, thì việc hàng chục năm qua vẫn luôn hoài vọng về di sản kiến trúc biệt thự Đà Lạt một ngày nào đó sẽ được cả thế giới biết đến là điều không quá lớn lao. Để giấc mơ đó trở thành hiện thực, ngoài tình yêu của những cá nhân, còn cần một tầm nhìn, một kế hoạch dài hạn cho việc phát triển tiếp nối, bền vững nguồn di sản kiến trúc biệt thự Đà Lạt. Một khi đã được công nhận, ngành du lịch Đà Lạt sẽ thêm phát triển, trở thành điểm đến của du lịch quốc tế.

Tin cùng chuyên mục