Người nghèo và phục hồi kinh tế

Đầu năm 2011, các chỉ số kinh tế của các nước đều cho thấy dấu hiệu phục hồi dù vẫn tiếp tục mong manh. Thế nhưng đối với người lao động ở một số nước, cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc vì trong kế hoạch vượt qua khủng hoảng, đa số các nước như Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản… chưa chú trọng đến chính sách an sinh xã hội phục vụ người lao động.

Tại Pháp, khi Chính phủ cắt giảm chi tiêu ngân sách, họ nhắm tới những người lao động sắp về hưu bằng việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 để tiết kiệm quỹ hưu trí. Dù Quốc hội nước này thông qua dự luật trên nhưng người dân vẫn tiếp tục xuống đường phản đối. Việc tăng tuổi hưu cũng đồng thời lấy đi cơ hội việc làm của thanh niên đến tuổi gia nhập lực lượng lao động nước này. Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp đến cuối năm 2010 lên đến 9,7%. Hồi tháng giêng, Chính phủ Pháp lại lên kế hoạch sa thải 16.000 giáo viên để giảm ngân sách cho giáo dục.

Còn tại Mỹ, nhờ những gói kích thích kinh tế nền kinh tế nước này có những dấu hiệu khả quan. Nhưng như nhiều chuyên gia phân tích nói, sự phục hồi đó chủ yếu ở các ông lớn như General Motor, Ngân hàng Bank of America… còn tỷ lệ thất nghiệp cho đến cuối năm 2010 vẫn ở mức 9,5%. Đầu năm nay tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 9% nhưng không thể mừng vì số người đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp lại tăng, nghĩa là số người không tìm được việc làm trong vòng 6 tháng tăng.

Các doanh nghiệp đều báo cáo chỉ số lợi nhuận tăng nhưng họ lại không mở rộng sản xuất để tạo việc làm cho người lao động nhằm giữ những khoản lợi nhuận. Về y tế, dù Chính phủ Mỹ có chú ý đến chăm sóc y tế cho người lao động nghèo nhưng luật này đang bị đảng Cộng hòa và các tập đoàn bảo hiểm tìm cách phá hoại, vì vậy cho đến nay cũng chưa phát huy hiệu quả tốt.

Không chỉ trong chính sách vĩ mô mà cả kế hoạch phát triển của các công ty cũng liên tiếp đánh vào thu nhập của người lao động. Ở Anh chẳng hạn, Hãng hàng không quốc gia Anh British Airway cũng cắt giảm ngân sách bằng cách giảm lương hưu của phi công. Còn học phí tại Anh, vốn đã cao so với nhiều nước, nay tăng lên gấp 3 lần, khiến con em người lao động gặp khó khăn.

Tuy nhiên, có một “điểm sáng” là tại Nga, chính phủ đang nỗ lực thực hiện một dự án được cho là “ngược chiều gió” với những quốc gia kể trên. Giữa tuần qua, Thủ tướng Nga V.Putin đã có buổi gặp gỡ các chuyên gia kinh tế và xã hội học hàng đầu để yêu cầu họ đóng góp ý tưởng cho Dự án Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Nga đến năm 2020, trong đó tăng ngân sách dành cho an sinh xã hội thêm 8% vào năm 2012, so với gói phúc lợi 103 tỷ USD trong năm 2011. Dù có những khó khăn nhưng Chính phủ Nga vẫn kiên định duy trì chế độ an sinh xã hội, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân nước này.

Một vấn đề thấy rõ là trong quá trình khôi phục kinh tế, các nước giàu chỉ chú ý tạo ra nhiều của cải vật chất. Mô hình tăng trưởng bền vững phải chú trọng đầu tư cân đối, không chỉ kinh tế mà chú trọng hơn đến nhân tố con người, cho giáo dục và y tế, tái tạo nguồn tài nguyên và năng lượng sạch.

Tại kỳ họp thứ 49 của Ủy ban LHQ về phát triển xã hội, LHQ đã kêu gọi các quốc gia trong các gói kích cầu kinh tế hãy đặc biệt chú trọng đến người nghèo. Hơn hết, đó cũng là điều kiện để bảo vệ họ trước những “dư chấn” của suy thoái hiện tại hoặc một cuộc khủng hoảng kinh tế mới có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục