Người nợ nước mắt văn chương

 LÊ VĂN NGHĨA
Người nợ nước mắt văn chương

  Nói thiệt tình, do sự đọc của mình quá kém nên trước năm 1975, tôi không biết đến tên nhà văn Trang Thế Hy và kể cả một thời gian sau này. Có lần, gặp chú Tư Sâm (tức nhà văn Trang Thế Hy) tại Báo Văn nghệ TPHCM, tôi chỉ biết mình gặp một nhà văn Nam bộ có bút danh Trang Thế Hy mà vài truyện ngắn của ông đã để lại ấn tượng như Nợ nước mắt.

Nhà văn Trang Thế Hy - tranh của họa sĩ Nguyễn Trung

Sướng nhất là một vài truyện ngắn mà tôi gửi Báo Văn nghệ TPHCM lại được chính tay chú biên tập. Trong câu chuyện văn chương bên chén trà trong phòng khách của báo, tôi bị chú Tư lôi cuốn bằng cách nói chuyện với đàn em hiền từ, nhẹ nhàng và bình dị, chẳng hề cao đạo, ban bố lời khuyên và thẳng thắn một cách rất Nam bộ.

Nhưng khi được nhà thơ Diệp Minh Tuyền cho biết chú Tư Sâm, nhà văn Trang Thế Hy chính là Văn Phụng Mỹ, tác giả của Nắng đẹp miền quê ngoại thì tôi vô cùng tự trách mình ngu ngốc. Rồi chú về Bến Tre “đi chỗ khác chơi” thì tôi lại càng không có dịp gặp chú nhiều.

Tôi không trách mình sao được khi 12, 13 tuổi, trong tiệm cho mướn sách gần trường học, bỗng dưng tôi vớ được quyển Nắng đẹp miền quê ngoại. Cái bìa có hình một cái nhà tranh, phía sau là hai cây cau, phía trước mặt là một khoảng trống trông cô đơn và buồn hiu hắt. Tôi khoái quá! Vì trong truyện ấy, ngoài “những câu hát ru con buồn thảm nhớ cha, nhớ mẹ già nua mà vật vờ giữa rừng sậy, đế hoang vu… là chập chờn”  thì cũng có “những gương mặt hiền lành của thằng Tý và con Sen, con của dì ba tôi nước da đen đúa, quần áo lang thang, bảy tám tuổi chưa đi học nhưng có nhiều biệt tài. Đáng nhớ hơn hết là tài chống xuồng lướt trên lúa sạ lẹ như bay và đan đệm bàng khéo mà lanh”. Tôi đang ở tuổi của thằng Tý và con Sen nên thấy rất gần gũi cảnh chống xuồng giữa sông nước vì khu xóm nghèo quận 6 của tôi thời ấy cũng buồn không kém. Rồi tôi cũng vừa đọc, vừa cười cho thằng cha nhà giàu có xe Vespa bị cô gái nghèo cho thất tình trong truyện Chiếc xe đạp bắt heo. Tôi thích vì tôi cảm thấy ông viết văn này đồng cảm với cuộc sống con nhà nghèo chúng tôi. Những cảnh đời này đã đi vào trang văn của chú một cách tự nhiên như hơi thở. Nói thì chắc khó ai tin nhưng 5 chữ Nắng đẹp miền quê ngoại với hình ảnh nhà tranh đơn sơ, hàng cau vẫn lung linh trong tâm hồn thằng nhỏ (là tôi) cho tới khi lớn. Mỗi lần về quê ngoại bất chợt tôi lại nhớ đến miền nắng đẹp của Văn Phụng Mỹ.

Lớn lên, tôi không còn được đọc và chẳng nghe đến tên Văn Phụng Mỹ nữa. Và trong không khí văn học miền Nam lúc ấy cũng không thấy tên Trang Thế Hy xuất hiện. Thời kỳ sáng tác mạnh nhất của chú Tư Sâm là thời kỳ viết cho tạp chí Nhân Loại (ra đời năm 1956 và đóng cửa năm 1958). Trong khoảng thời gian khó khăn này, các nhà văn “nằm vùng” như Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hạnh, Sơn Nam, Lý Văn Sâm, Trang Thế Hy… phải mượn chuyện xưa viết chuyện nay. Trong truyện Nắng đẹp miền quê ngoại và nhiều truyện khác đăng trên tạp chí Nhân Loại, nhà văn Trang Thế Hy phải mượn chuyện kháng chiến để hâm nóng tinh thần người ở lại cũng như thân phận bi đát của người nghèo khó để khơi gợi lòng yêu nước, chống kẻ thù ngoại xâm.

Ngoài việc viết lách để tiếp tục cuộc chiến đấu đang âm thầm tiếp diễn, các nhà văn Nam bộ “rặt” như Trang Thế Hy, Ngọc Linh, Sơn Nam, Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương… tập trung trên tạp chí Nhân Loại cũng như một vài tờ báo khác đã tạo ra được một nền văn chương riêng có chỗ đứng trên văn đàn, không lẫn đi đâu được. Cùng với những nhà văn Nam bộ lúc đó, nhà văn Trang Thế Hy sáng tác rất mạnh và sau này những truyện ngắn đăng trên tạp chí Nhân Loại được nhà văn Tô Nguyệt Đình gom in thành tập Nắng đẹp miền quê ngoại.

Ông bà ta xưa có nói Quý hồ tinh bất quý hồ đa, có phải ứng cho văn nghiệp của chú Tư Sâm không? Sự nghiệp văn học của chú có 65 truyện ngắn, 2 tiểu thuyết và vài chục bài thơ. Từ nhỏ, tôi không được đọc tác phẩm của ông nhiều, nhưng chỉ đọc một truyện, nghe lời một bài hát phổ từ thơ ông đã nhớ. Và sau này nữa. Nào là Nợ nước mắt - truyện ngắn đầu tiên viết lại sau năm 1975, rồi nào là Mưa ấm, Vết thương thứ 13…, những truyện ngắn mà “người hiền Nam bộ” nói với Ngô Thảo: “Đọc truyện của tôi như người ta ăn hột sen cả tim, nó nhân nhẩn, đăng đắng, ăn mất ngon nhưng nên thuốc. Đó là chất đắng bổ tim”. Chú Tư Sâm - nhà văn Trang Thế Hy viết những trang văn nợ nước mắt, đắng và ngọt như vậy đó!

 LÊ VĂN NGHĨA

Tin cùng chuyên mục