Người nối dài cuộc trò chuyện cùng đồng đội

Câu chuyện bất tận về những “người trầm thủy”
Người nối dài cuộc trò chuyện cùng đồng đội

Suốt 18 năm nay, bất kể trời mưa hay nắng, có một người đàn ông vẫn cặm cụi chăm sóc từng phần mộ tại nghĩa trang Rừng Sác (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM). Người ấy là Thiếu úy trinh sát Lê Đình Chiến, tên thường gọi là Bảy Chiến - một cựu binh của Đoàn 10 Rừng Sác năm xưa, năm nay ông đã 61 tuổi. Theo ông, trông coi nghĩa trang không chỉ là nhổ cỏ, thắp nhang, mà chính là nối dài cuộc trò chuyện cùng đồng đội.

Câu chuyện bất tận về những “người trầm thủy”

Người nối dài cuộc trò chuyện cùng đồng đội ảnh 1

Ông Chiến trong bộ phim “Ông Bảy Chiến ở Cần Giờ” của đoàn làm phim Quân khu VII, năm 2007. Ảnh: HOÀNG HẢI

Người đậm, 5 vết thương âm thầm nhức nhối khắp người, nên ông Chiến trông có vẻ chậm chạp. Nhưng, nhắc đến các chiến sĩ của “căn cứ nổi” rừng Sác năm xưa, đôi mắt ông lại ánh lên nét trẻ trung, tinh anh, sôi nổi của một chiến sĩ trinh sát.

16 tuổi, ông đã tham gia chiến đấu tại địa phương (Trà Vinh). Ngay từ những ngày đầu Đặc khu Quân sự thành lập (thành lập ngày 15-4-1966 với mật danh T10, sau đổi thành Đoàn 10), ông đã tham gia các trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của đặc công nước làm chìm tàu quân sự của địch trên sông Lòng Tàu.

Ông kể: “Địa hình rừng Sác rất khắc nghiệt, sình lầy, kênh rạch chằng chịt, nên muốn bám trụ chiến đấu được, anh em chiến sĩ phải bơi lội thành thục như rái cá… Đánh tàu địch vào ban đêm, anh em phải ngậm một ống nhỏ, cao hơn mặt nước đúng 2cm rồi bơi mở mắt dưới nước mặn, nhìn ánh sao dưới nước mà đi - vì thế những trinh sát nơi đây được gọi là những “người trầm thủy”.

Ai đoán định không chuẩn, bơi vòng vòng có khi lại trở về chính điểm xuất phát. Với khối thuốc nổ bằng nửa trọng lượng thân mình, trinh sát vừa bơi vừa đề phòng “ong ruồi”- máy bay địch và cá sấu, mà cá sấu rừng Sác nổi tiếng nhiều và dữ”.

Rồi từng ký ức về đồng đội sống dậy, mới như hôm nào đây. Những trận đói liên miên trong các năm 1970, 1971, anh em phải ăn lá cám, lá kìm, nhai hột chà là… Những trận đột nhập kho xăng Nhà Bè, đánh tàu địch trên sông Lòng Tàu, đánh cầu Rạch Miễu, Rạch Đôi… lần lượt hiện về.

Và để có những chiến thắng oanh liệt, có đến 810 chiến sĩ Đoàn 10 đã ngã xuống. “Đây là thằng Bèo, quê Tiền Giang, nó hy sinh trong đợt điều nghiên sơ đồ về cách bố phòng của kho bom Thành Tuy Hạ. Tiếc là nó mất ngay đầu kế hoạch, không được thấy cảnh kho vũ khí của giặc cháy hai ngày đêm như thế nào… Đây là thằng Bảng, quê Hải Phòng. Nó nằm đây mấy chục năm rồi, bố mẹ ở quê đã mất, có chị gái đôi năm đến thăm nhưng nhà khó khăn quá nên cũng chưa được đưa về quê quán. Thôi, nó nằm đây cùng anh em khác cũng được, nhân dân ở đây có trách nhiệm chăm sóc nó…” - ông vừa nói vừa vuốt ve hai tấm bia mộ liệt sĩ.

Nói rồi, ông dẫn tôi đến “thăm nhà” các đồng đội khác. “Ngày đó, anh em thường ngồi với nhau và nhắc nhở: Sau này, đứa nào còn sống thì phải có trách nhiệm với đứa chết - liên lạc với gia đình đồng đội, tìm mộ phần của nhau… Không ngờ anh em mất mát nhiều quá. Tôi cũng yếu (là thương binh 4/4), nên không liên lạc hết được với gia đình đồng đội. Tôi vẫn còn lỗi lớn lắm!”- ông trầm tư.

18 năm “hát bè trầm”

Người nối dài cuộc trò chuyện cùng đồng đội ảnh 2

Ông Lê Đình Chiến đang tâm tình cùng đồng đội.

Hòa bình lập lại, tham gia huấn luyện cho lớp hạ sĩ quan phục vụ chiến trường biên giới Tây Nam xong, năm 1978 anh trinh sát Lê Đình Chiến về quê Trà Vinh lập gia đình cùng chị Dương Thị Khuôn. Hai vợ chồng được cấp 4 công đất.

Về sau, ông trả đất lại cho địa phương, ra bờ biển Trà Vinh cào nghêu… Đời sống dần ổn nhưng trong ông cồn cào nhớ tới “lời tầm phào” năm nào. Để rồi năm 1989, ông dắt cả vợ con trở lại nơi đồng đội đã yên nghỉ- thực hiện lời ước hẹn luôn canh cánh trong lòng.

Ông cắt nghĩa sự lựa chọn của mình: “Nghĩa tử là nghĩa tận. Mình may mắn hơn anh em là còn được hưởng cuộc sống hòa bình. Để tri ân  đồng đội, việc chăm sóc mộ phần các anh em là việc nên làm. Còn công chăm sóc, lúc đó một tháng được có 150 ngàn, sau lên 200 ngàn, bây giờ là 980 ngàn đồng, cô ạ. Vì thế, ban tối, tôi ra biển Cần Giờ xỉa tôm cá, các cháu phải cào nghêu để lấy cái ăn, cái học…Nhưng tôi không hối hận, được ở gần anh em, được gặp gỡ gia đình đồng đội là mãn nguyện lắm rồi”.

Lúc ông về lại, nghĩa trang chưa có cả tường rào và mới có hơn 300 ngôi mộ. Phần lớn đồng đội vẫn nằm rải rác đâu đó trong từng gốc đước, lạch sông. Mặc vết thương âm ỉ hành hạ, hàng ngày, ông lần tìm trong ký ức của mình những nơi đồng đội đã nằm xuống. Mỗi khi có tin báo nhận được dấu hiệu đồng đội ở đâu, ông đều xách ba lô lên đường. Sau đó, ông đều tự tay “tắm rửa” cho đồng đội rồi mới đưa họ vào “nhà mới”.

Đến nay, nghĩa trang Rừng Sác có 1.020 phần mộ, trong đó có đến 810 là của chiến sĩ rừng Sác. Hàng ngày, ông vẫn tỉ mẫn chăm chút từng ngôi mộ. Ốm đau: mặc. Mưa gió: kệ. Ông làm suốt ngày suốt tháng như chạy đua cùng thời gian vì  sợ không còn sống được bao lâu nữa.

Không những thế, ông còn đang chạy đua với… cỏ. Những ngày này- đang giữa mùa mưa 2007. Cỏ mọc tua tủa giỡn cùng nước. Đôi tay giật giật vì những vết thương còn nguyên mảnh đạn lại căng ra để cắt, giật cỏ.

Địa phương có cấp 1 máy cắt cỏ nhưng ông chỉ dám dùng để cắt cỏ ngoài lối đi  chứ ở trong các dãy mộ thì toàn dùng liềm và tay. Dùng máy, sơ sẩy là vạt mất miếng “nhà” của các anh… Nói rồi mắt ông lại chùn xuống, tay mân mê, lần từng bia mộ. Có cảm giác như ông đang rờ nắn từng bàn tay, bàn chân đồng đội chứ không phải là một ngôi mộ vô tri vô giác.

Giờ đây, tuổi cao, vết thương cũ dội lên mỗi ngày một đau đớn hơn. Ông cũng vừa nghỉ việc chăm sóc nghĩa trang. Nhưng hàng ngày, ông vẫn sang “trò chuyện” cùng đồng đội. Và món quà ý nghĩa mà ông đang mong đợi là công trình tu sửa nghĩa trang sắp hoàn thành: nhà tưởng niệm, bờ rào, nhà bảo vệ… sẽ được xây dựng khang trang.

Chia tay rừng Sác, chia tay với người lính trinh sát già cặm cụi nối dài các cuộc trò chuyện với đồng đội, gió Cần Giờ vẫn lồng lộng thổi. Tiếng gió dìu dặt vang vọng. Có lẽ những cuộc trò chuyện của ông Chiến đang chờ để bắt đầu…

Đường Loan

Rừng Sác có diện tích 710km2, phía Bắc giáp Đồng Nai, phía Đông giáp Bà Rịa-Vũng Tàu, phía Nam giáp biển Đông, phía Tây giáp TPHCM, Long An. Đây là khu có nhiều sình lầy, kênh rạch, nằm trên con đường giao thông huyết mạch, là cửa ngõ đường thủy yết hầu của Sài Gòn và được coi là vị trí “sân sau” quân thù. Để đảm bảo sự tồn tại và tiến công được, lực lượng rừng Sác phải xây dựng theo hướng đặc công hóa toàn bộ về tổ chức và hoạt động. 

Đoàn 10 rừng Sác là Đặc khu Quân sự rừng Sác, được thành lập từ ngày 15-4-1966, ban đầu mang mật danh T10. Nhiệm vụ của Đoàn 10 được xác định: Xây dựng rừng Sác thành khu căn cứ bàn đạp vững chắc, bảo đảm cho lực lượng vũ trang luôn trên tư thế tấn công địch; tiêu hao nhiều sinh lực địch, phương tiện chiến tranh của Mỹ - ngụy khi chúng di chuyển trên sông; tích cực xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng, phát động phong trào du kích ở địa phương.

Sau 9 năm, Đoàn 10 đã đánh 595 trận lớn nhỏ; diệt 6.200 tên địch; đánh chìm, cháy 638 tàu thuyền; bắn rơi 29 máy bay.

(Theo “Đoàn 10 Rừng Sác anh hùng” của Phòng Khoa học Quân sự, Bộ Chỉ huy quân sự TPHCM và Trung Đoàn 10, NXB TPHCM, 1986).

Tin cùng chuyên mục