Người phá bỏ hủ tục

Người phá bỏ hủ tục
Người phá bỏ hủ tục ảnh 1
Tổ ấm của đôi vợ chồng Nguyễn Diều - Y Nhoan và con trai Đinh Đường

Một người đàn ông ở vùng Vĩ Dạ (TP Huế), trong một lần lang bạt tìm trầm trên vùng núi Cà Roòng, xã Thượng Trạch (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã đổ bệnh thập tử nhất sinh được người con gái của đất Ma Coong dùng lá thuốc trên rừng mới níu giữ được mạng sống cho anh. Để tri ân, anh tình nguyện gắn bó cuộc đời với đồng bào. Cũng nhờ vậy, anh đã phá bỏ hủ tục dã man của người Ma Coong: mẹ chết, phải chôn con theo.

  • Cuộc sống như được tái sinh

Lên Ma Coong chỉ độc con đường 20 Quyết Thắng, xuyên qua những khu rừng già sương giăng. Chiếc U oát 2 cầu gài số 1, số 2 bò từng mét đường lên biên giới Việt-Lào. Hơn nửa ngày trời vượt đường núi đá, cứ sợ không gặp được, nhưng may, anh có ở nhà. Anh tên Nguyễn Diều, ngoài 50 tuổi, cạnh bên là một cậu nhóc cùng người vợ Ma Coong. Chị Y Nhoan vợ anh là bông hoa rừng xinh đẹp. Tôi hỏi chuyện cứu sống đứa bé thoát khỏi hủ tục, Nguyễn Diều thong thả.

Chuyện đời tôi chẳng có gì đáng nói nếu không có Y Nhoan - người đã kéo tôi trở về từ cõi chết. Nếu không có Y Nhoan, giờ này tôi chẳng được gặp anh để nói chuyện! Thời trai trẻ, tôi là bộ đội biên phòng, giải ngũ về quê rồi theo bạn đi tìm trầm. Năm 21 tuổi, tui ra đến Cà Roòng thì bỗng nhiên sốt nặng. Bạn đi rừng chạy chữa thuốc thang không khỏi.

Một lần, con gái của chủ đất Đinh Keo là Y Nhoan đi ngang qua lán, thấy tôi sắp chết đã cõng tôi vuợt núi về nhà, băng rừng tìm lá thuốc bí truyền về giải bệnh. Hơn một tháng trời Y Nhoan không quản ngại nắng mưa, xuyên rừng, vượt núi tìm thuốc để cứu tôi. Được cứu sống, sức khỏe hồi phục, tôi định bụng ra đi nhưng Y Nhoan can: “Mày chưa khỏe hẳn, chưa đi được mô. Phải ở lại đúng ba con trăng mới ra khỏi rừng, mới về nhà được”.

Nguyễn Diều ở lại Cà Roòng, ngày ngày Y Nhoan tận tình xuống suối bắt cá, nhờ người trong bản lên rừng kiếm thịt thú về nấu cho anh bồi dưỡng. Qua ba con trăng, Y Nhoan tiễn anh về. Ngày ra đồn biên phòng, theo xe gỗ về xuôi, Y Nhoan không nói gì, còn anh lại rưng rưng.

Anh nói: “Y Nhoan đã cứu tôi, tôi như được sinh ra lần thứ hai. Tôi ở nhà Y Nhoan gần một năm, cái bếp đã bén lửa, cái tình đã bén duyên. Cho tôi ở lại nhà Y Nhoan làm lụng để trả ơn cứu mạng”. Y Nhoan rơm rớm nước mắt: “Mày đi tao nhớ lắm. Cái suối cũng nhớ, cái núi cũng nhớ, bản làng cũng nhớ. Từ ngày có mày, bản làng vui lên nhiều, mày bày cho người bản tao nhiều chuyện sáng cái bụng lắm. Mày đi tao buồn như cây chuối héo, làng buồn như cái suối khô. Mày ở lại thì trưởng bản rất mừng,  cả Giàng cũng mừng”… Và Nguyễn Diều không về lại Huế, quyết ở lại xây dựng gia đình với Y Nhoan. Từ đó đến nay đã 21 năm tròn.

  • Tục “mẹ chết, con phải chôn theo”

Người Ma Coong có một hủ tục, mới nghe qua đã rùng mình: Nếu người mẹ sinh con ra vì lý do nào đó bị chết thì đứa con phải chôn theo mẹ. Già làng Đinh Kời thú thực: “Hủ tục đó không biết có từ khi nào. Già chỉ biết là các thế hệ trước truyền lại. Nếu mẹ sinh con ra mà mẹ chết thì con cũng phải bị chôn theo mẹ, con chưa quá năm tuổi mà mẹ chết thì cũng phải chôn theo. Trước tiên thì phải làm cho nó ngừng thở: lấy cái chân của người mẹ ngáng cổ đứa bé cho ngạt thở. Những người trước truyền lại tục này, ai có ý chống lại, Giàng sẽ bắt chết khi đi rừng, xuống suối, thậm chí Giàng phạt cả nhà cùng chết”.

Để mai táng người chết, dân bản lấy cây nứa đập ra rồi bó người chết lại như bó củi. Đám tang của người Ma Coong không có hòm, ai đi cúng người chết thức gì thì chôn theo thức đó. Khi đi chôn, chỉ có mấy người khiêng “bó” người chết ra bờ suối, thầy mo đi trước ôm nhiều quả trứng gà, vừa đi dọc suối vừa thả trứng, nơi nào trứng không vỡ sẽ đào huyệt.

Cái huyệt đào rất nông rồi thả người chết vào, chôn vội vàng rồi ù té chạy thật nhanh về bản để tránh con ma chết đuổi theo về hại người. Già làng Đinh Kời tiết lộ: “Lâu nay rất nhiều đứa trẻ không may mẹ bị chết, chúng đã bị chôn rồi. Giàng bắt thế. Không ai cãi lời Giàng được… Nhưng khi có thằng Nguyền Diều, thì hắn cãi lại được Giàng”.

  •  Và người phá bỏ hủ tục

Một hôm Nguyễn Diều và vợ dự đám tang của bà Y Liêng. Bà Y Liêng đẻ con, mất nhiều máu và chết, đứa nhỏ còn đỏ hỏn cứ khóc đòi sữa. Người làng đặt đứa bé cạnh bên xác chết, lấy chân của người mẹ thọc dần vào miệng nó. Nguyễn Diều lao tới, cướp đứa bé trong tay thầy mo, “thằng bé có tội chi mà phải chết?”. Dân bản và cả Y Nhoan đều hét: “Ôi Giàng ơi! Thằng này không nghe lời Giàng”.

Y Nhoan quỳ xuống nói với anh: “Mày làm vậy Giàng phạt nặng lắm. Mày chết đấy, tao cũng chết, nhà tao cũng chết vì Giàng phạt thôi”. Anh thuyết phục vợ: “Giàng không phạt mô. Nếu phạt tôi chịu chết, dân bản không ai chịu hết. Không thể giết đứa bé được. Xin già làng, xin thầy mo, xin dân bản để tôi nuôi thằng bé. Có chuyện gì, tôi xin chịu phạt một mình, để thằng bé sống”. Thấy anh quá liều mình, dân bản không ai nói gì, để anh ôm đứa bé về nhà.

Từ đó, 18 bản Ma Coong ai cũng xì xầm và chờ đợi Giàng bắt phạt Nguyễn Diều. Qua tháng, qua năm, đứa bé không bị Giàng phạt, nó được mẹ Y Nhoan, bố Nguyễn Diều nuôi nấng phổng phao, bây giờ đã học lớp 5 và học giỏi nhất lớp. Nguyễn Diều đặt tên thằng bé là Đinh Đường. “Đường” có nghĩa luôn đi đúng đường trong cuộc sống, cũng có nghĩa cháu đã được mọi người tìm đường về với cuộc sống, thoát khỏi hủ tục dã man.

Nhắc đến cu Đường, Y Nhoan ríu rít: “Mình với Nguyễn Diều quyết định không đẻ con nữa, chỉ nuôi thằng Đường thôi. Nó là con của trời, con của Giàng đấy. Từ khi mình nuôi cu Đường tới giờ, gia đình làm ăn sung túc lắm, Giàng không phạt đâu”. Còn già làng Đinh Kời xúc động: “Từ khi thằng Đường được vợ chồng Y Nhoan, Nguyễn Diều cứu sống, cả bản chẳng ai bị Giàng phạt, nhà nó lại làm ăn khá lắm. Vì thế nên từ đó đến nay mười năm tròn, 18 bản của người Ma Coong có 11 người mẹ chết nhưng dân bản cho 11 đứa nhỏ sống hết. Những đứa đó bây chừ khỏe lắm”.

Nguyễn Diều tâm sự: “Luật tục này, với người Ma Coong đã có lâu rồi. Tôi liều một phen mà nuôi được cháu nên ai cũng noi theo, chứ nếu khuyên can thì chưa chắc xóa bỏ được mô”.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục