Người phía sau anh hùng

Người phía sau anh hùng

Ngày 30-8 vừa qua, Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã tổ chức trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập, nguyên chiến sĩ quốc tế Trung đoàn 803, Trung đoàn 108, Liên khu 5. Tuy nhiên, để có được phần thưởng xứng đáng mà Đảng, Nhà nước trao tặng hôm nay, bên cạnh thành tích do cựu chiến sĩ quốc tế Nguyễn Văn Lập lập được còn có những đồng đội đã không ngại đường sá xa xôi, tuổi cao sức yếu tìm lại hồ sơ lưu trữ, nhân chứng lịch sử để minh chứng cho thành tích của ông.

Vui cùng đồng đội trước vinh dự to lớn (Đại tá Lâm Quang Minh hàng đầu, thứ 2 từ trái qua; ông Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập hàng đầu, thứ 4 từ trái qua; Đại tá Võ Văn Minh hàng đầu, thứ 5, từ trái qua).

Vui cùng đồng đội trước vinh dự to lớn (Đại tá Lâm Quang Minh hàng đầu, thứ 2 từ trái qua; ông Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập hàng đầu, thứ 4 từ trái qua; Đại tá Võ Văn Minh hàng đầu, thứ 5, từ trái qua).

Những con người tận tụy với đồng đội đó là Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 803, Trung đoàn 108, trực tiếp là Đại tá Lâm Quang Minh, Đại tá Võ Văn Minh…

Trong căn nhà nhỏ tọa lạc trên đường Thanh Long (Hải Châu, Đà Nẵng), Đại tá Lâm Quang Minh bồi hồi ôn lại những kỷ niệm với Anh hùng LLVT nhân dân Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập. Năm 1950, khi đang làm Tham mưu phó Trung đoàn 803 - Liên khu 5, ông cũng từng nghe đến người lính lê dương mang quốc tịch Hy Lạp Kostas Sarantidis đang trực tiếp chiến đấu trong đội hình trung đoàn. Tuy nhiên lúc đó, số chiến sĩ quốc tế đầu quân cho Trung đoàn 803 khá nhiều, hơn nữa công tác tại cơ quan trung đoàn nên ông chưa từng gặp người lính lê dương ấy. Thế rồi họ bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, hết chống Pháp đến chống Mỹ cứu nước, mỗi người một cương vị công tác khác nhau. Lâm Quang Minh trở thành một phái viên pháo binh cấp quân khu, còn xạ thủ súng máy Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập chuyển sang làm Tổng giám thị Trại tù binh số 3 - Liên khu 5. Cái duyên gặp gỡ cũng vì thế chưa đến được với họ. Năm 1965, được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đồng ý, chiến sĩ quốc tế Nguyễn Văn Lập hồi hương về Hy Lạp.

Những tưởng ông Lập về với “trời Tây” sẽ sớm quên đi đồng đội một thời chung chiến hào trên đất nước Việt Nam xa xôi. Không ngờ 40 năm sau… một ngày của năm 2005, Đại tá Võ Văn Minh, nguyên thư ký Đại đội 1 (Tiểu đoàn 39, Trung đoàn 108), người trực tiếp công tác cùng chiến sĩ quốc tế - xạ thủ súng máy Nguyễn Văn Lập, tình cờ đọc được lá thư của ông Lập gửi đăng trên báo Quân đội nhân dân với nội dung giới thiệu mình từng công tác tại Tiểu đoàn 39 thuộc Trung đoàn 108 Quảng Nam - Đà Nẵng, có anh em nào còn sống còn nhớ đến không. Nhận được tin, ông Võ Văn Minh đã viết thư trả lời và trao đổi chuyện này với Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 803 Lâm Quang Minh. Từ đó, hai ông Minh cùng mang quân hàm đại tá, chính thức nối lại sợi dây liên lạc với đồng đội đã bị gián đoạn suốt 40 năm. Nhắc lại thời kỳ này, ông Lâm Quang Minh cho biết: “Những năm 1947 đến 1949, ông Lập ở Trung đoàn 108 Quảng Nam - Đà Nẵng, năm 1950 mới chuyển sang Tiểu đoàn 365 - Trung đoàn 803. Cả hai đơn vị đều là trung đoàn chủ lực của Liên khu 5”.

Nhận được thư, cũng là lời mời của Đại tá Võ Văn Minh, ngay trong năm 2005, Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập nhanh chóng trở lại Việt Nam. Ban liên lạc Trung đoàn 803 đã tổ chức ra tận sân bay Đà Nẵng đón tiếp ân cần người đồng chí một thời cùng chung chiến hào, sau đó bố trí ông Lập đến ở tại tư gia Đại tá Võ Văn Minh (số nhà 111 - Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Trong câu chuyện hân hoan ngày hội ngộ, các ông đã kể cho nhau bao kỷ niệm buồn vui thời quân ngũ. Từ đó, Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 803 mới hiểu thêm về thành tích của “chiến sĩ Việt Nam” Nguyễn Văn Lập thời còn ở Liên khu 5. Nhận định đây là một con người có bề dày thành tích, nặng lòng với nhân dân Việt Nam mặc dù đã hồi hương, Đại tá Lâm Quang Minh bàn với Đại tá Võ Văn Minh phải tìm cách quảng bá tấm gương Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập trên các phương tiện thông tin truyền thông. Đại tá Lâm Quang Minh chia sẻ: “Ông Lập là một chiến sĩ quốc tế đặc biệt, có những chiến công đặc biệt. Vì vậy mình phải làm cái gì đó để đáp lại tấm lòng của người chiến sĩ quốc tế có nhiều công lao, ân tình và thủy chung với nhân dân Việt Nam”. “Cái gì đó” của các vị đại tá về hưu là giới thiệu ông Lập tham dự chương trình “Người đương thời” của Đài Truyền hình VTV3; tập hợp cuốn hồi ký “Tại sao tôi theo Việt Minh” và “Ở một trại tù binh nam Việt Nam” của ông Lập thành “Chiến sĩ quốc tế Bộ đội Cụ Hồ Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập”, tổ chức gặp Chủ tịch nước khi đó là Nguyễn Minh Triết đặt vấn đề nhập quốc tịch Việt Nam, trao tặng Huân chương Hữu nghị... Và mới đây nhất là tập hợp tư liệu, phối hợp các ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 803, Trung đoàn 108, các cơ quan chức năng của Quân khu 5, tiến hành thẩm định và làm hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân cho đồng chí Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập.

Ngày được tin đã có quyết định phong tặng danh hiệu cao quý đó, ông Lâm Quang Minh vui mừng gọi điện thông báo: “Anh Lập ơi! Anh được phong anh hùng rồi nhé. Chuẩn bị về mà nhận”. Từ bên “trời Tây”, ông Lập ngỡ ngàng trước vinh dự quá to lớn: “Cái gì mà anh hùng?”, rồi ông vui vẻ nhận lời lên đường. Không ngờ, mấy hôm sau, người bạn mang hai quốc tịch Việt Nam - Hy Lạp gọi lại cho ông Minh: “Tiếc quá! Bác sĩ không cho đi, khuyến cáo không nên đi. Vợ con tôi cũng không muốn cho đi”. Đại tá Lâm Quang Minh bùi ngùi động viên: “Thôi cố gắng qua đây một lần nữa, chưa chắc đã có lần sau đâu. Anh nên cho một đứa con, bảo nó nghỉ việc đưa anh đi”. Ông Lập nghe cũng phải, liền cho cô con gái thứ hai tên Bạch Tuyết cùng đi. Bấy giờ, vấn đề rắc rối mới nảy sinh. Theo kế hoạch, Bộ Quốc phòng chỉ chu cấp lộ phí đi đường cho một mình ông Lập, bây giờ thêm cô con gái phải tính sao? Số tiền 2.400 USD không phải là nhỏ đối với các cựu chiến binh. Ông Minh liền báo cáo tình hình lên cơ quan văn phòng của Bộ Quốc phòng và được sự đồng ý bổ sung một vé khứ hồi cho người cùng đi. Ngày ông Lập trở lại Việt Nam, hai vị đại tá Lâm Quang Minh và Võ Văn Minh từ Đà Nẵng ra tận sân bay Nội Bài đón tiếp. “Đến đây, chúng tôi có thể vỗ tay được rồi, nhưng với đồng đội vẫn chưa phải là kết thúc”, Đại tá Lâm Quang Minh chia sẻ. Bởi ông còn đau đáu nguyện vọng: “Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ quốc tế đã sang giúp Việt Nam, mỗi người một thành tích khác nhau, đề nghị tổ chức vận động viết về các chiến sĩ quốc tế mình từng biết. Đồng thời, quảng bá quyển sách của ông Lập để làm tài liệu giáo dục trong và ngoài nước. Tiếp tục đề nghị một suất hưu trí cho ông Lập vì sau 19 năm chiến đấu, về nước vẫn son sắt một lòng với Việt Nam. Mặt khác, xin thành phố Đà Nẵng một căn hộ chung cư để vợ chồng ông về ở đây với chúng tôi, vì bên kia họ sống với nhau cũng cô đơn, các con cháu đều cách xa hàng trăm cây số, lâu lâu mới về. Hơn nữa, vợ ông người Việt Nam nên hai ông bà về đây là thích hợp”.

Tấm lòng của những người lính năm xưa dành cho nhau thật cao cả. Song khi nói về kết quả đã làm được, Đại tá Lâm Quang Minh bộc bạch: “Trong suốt 8 năm kết nối liên lạc với Anh hùng LLVT nhân dân Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập, chúng tôi được sự giúp đỡ rất nhiều của các cơ quan chức năng, chính quyền các tỉnh thuộc Liên khu 5 cũ”. Đồng thời, ông không quên cảm ơn sự giúp đỡ to lớn về vật chất, tinh thần của Thành ủy Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Nam, Tỉnh ủy Bình Định, Tỉnh ủy Phú Yên...

NGUYỄN SỸ LONG

Tin cùng chuyên mục