
Dân tộc Rục - “người con út” trong đại gia đình dân tộc Việt Nam - đang từng bước vươn tới văn minh. Chỉ mới một năm trước, người Rục ở xã Thượng Hóa huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình vẫn còn rất xa lạ với cuộc sống hiện tại bên ngoài những hang động nơi họ sinh sống. Bây giờ, họ đã khác…
- “Chuyện cũ” của thế kỷ 21

Những ngôi nhà mới của người Rục được tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng khang trang.
Người Rục trước đây sống ở các hang núi đá trong rừng sâu, tách biệt với xã hội bên ngoài. Kinh tế của họ là săn bắt, hái lượm, che thân bằng vỏ cây, lấy lửa bằng đá hoặc tre, nứa khô, dụng cụ săn bắt chủ yếu là cung nỏ có tên tẩm độc và đặt bẫy. Họ duy trì cuộc sống nhờ vào bột cây báng, củ nâu, củ mài, thịt thú rừng, ốc, cá dưới khe.
Khi ở khu rừng này nguồn lương thực, thực phẩm cạn kiệt, họ chuyển sang khu rừng khác. Người Rục có phong tục, tập quán cưới xin, tang ma khá phức tạp. Người phụ nữ đến kỳ sinh đẻ không được ở trong hang mà làm một lán nhỏ ở riêng ngoài rừng, sau khi sinh con phải ăn đủ bảy con khỉ trắng mới được trở lại hang.
Phụ nữ Rục thường sinh từ bốn đến năm con, cá biệt có người sinh đến bảy con nhưng do lối sống thiếu thốn, trẻ em Rục thường tử vong cao nên tỷ lệ dân số Rục thường không tăng đáng kể.
Tộc người này có thói quen lạc hậu phản khoa học là thích rượu và thuốc lá. Cả tộc người từ trẻ đến già ai cũng uống rượu từ sáng sớm đến tối mịt, nhiều hôm không muốn lên nương lên rẫy. Họ uống rượu bằng bát ăn cơm và uống bất cứ lúc nào có rượu. Trẻ em mới biết nói đã được tập uống rượu, lớn hơn thì được tập hút thuốc.
Những ông bố, bà mẹ Rục bảo cho con trẻ uống rượu để sống được với núi rừng khắc nghiệt ở đây. Với thuốc lá, người Rục hút liên tù tì, trừ lúc ngủ. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em hễ sáng dậy là phải hút thuốc. Người Rục bảo hút thuốc để xua muỗi vì ở vùng thung lũng Rục muỗi nhiều vô kể, mùi thuốc lá do người Rục trồng có vị nặng khằn khó chịu, chỉ mùi thuốc này mới đuổi được hằng hà sa số muỗi rừng ở đây!
Nhiều thanh niên Rục về huyện nhận bò do nhà nước hỗ trợ để chăn nuôi nhưng khi họ về đến bản thì bò cũng vừa hết do họ đã đổi bò lấy rượu uống suốt dọc đường đi. Để chứng minh mình có đi nhận bò cho dân bản, họ chỉ mang về cái đuôi bò mà họ đã cắt lại khi đem bò đổi rượu.
- Chuyện mới: tập làm giàu
Với người Rục, chuyện uống nhiều rượu, hút vô số thuốc và đổi bất cứ thức gì để lấy rượu là chuyện khó thay đổi. Tuy nhiên, kể từ khi nhà nước đầu tư 23 tỷ đồng để làm đường nối bản làng của họ với miền xuôi rồi xây nhà, kéo điện cho dân bản, nhiều mùa rẫy đã đi qua, họ đã thay đổi.
Năm ngoái, khi chúng tôi lên thung lũng Rục, muốn tìm một cái ti vi là điều không tưởng. Năm nay, ba bản Rục gồm Ón, Mo ó ồ ồ, Yên Hợp có đến 17 cái ti vi, 10 đầu VCD, 14 chiếc xe máy, gần ba trăm con bò đang được bà con chăm chút chu đáo chứ không đổi rượu nữa.
Phụ nữ Rục bây giờ cũng đã biết được cái chữ do bộ đội biên phòng đồn 585 dạy. Họ đã biết làm con tính, biết buôn bán thế nào cho có lãi, chuyện mà trước đây người Rục chẳng biết được. Buôn bán giỏi nhất là chị Cao Thị Thăm. Mỗi năm, ngoài thu hoạch từ nương rẫy, buôn bán đã đem lại thu nhập cho gia đình chị 4 triệu đồng.
Tích cóp được chút tiền từ hai năm qua, Đinh Thị Thăm bàn với chồng mua cái xe máy Trung Quốc để về dưới huyện mua hàng về bán. Tích tiểu thành đại, nay nhà của Thăm không những có xe máy mà còn có cả ti vi để coi cái chuyện mới của những vùng đất khác mà học theo.
Gia đình ông Cao Khang, ở bản Yên Hợp lại khấm khá lên từ tiền bán bò. Mấy năm trước ông được nhà nước cấp cho một con bò cái, nay nó đẻ được ba lứa, mỗi lứa bê sau khi vỗ béo, ông bán được tiền triệu, nay mỗi năm ông đã thu nhập ổn định được từ 5-7 triệu đồng.
Hay như hộ nhà ông Trần Tiếp ở bản Ón mỗi năm nhờ siêng năng làm ăn cũng thu nhập được con số trên 5 triệu đồng mỗi năm. Hiện gia đình ông được xem là gia đình giàu nhất ở các bản người Rục với tài sản hơn 30 con bò và nhiều nương ngô, nương sắn. Dăm ba triệu đồng với người Rục là một gia tài lớn và là kết quả của cả quá trình phấn đấu lao động.
Cao Đức, trưởng bản Ón nói rằng: “Trước đây cứ trông chờ nhà nước mãi thôi, cái gì cũng chờ. Nay dân Rục mình phải tự làm mới có ăn được. Nhà nước cho đường, cho nhà, kéo điện rồi… Trước đây mình không biết máy cày nhưng nay mình đã biết lái, rứa là tập làm giàu được rồi cán bộ ạ”.
Người Rục với hơn 600 nhân khẩu đang từng ngày phấn đấu vươn tới tương lai. Sát cánh bên họ là những cán bộ miền xuôi. Họ học được nhiều điều mới lạ, bổ ích cho cuộc sống, cho sản xuất từ những cán bộâ ấy. Ngoài ra, người Rục còn học tập nhiều thứ từ những thông tin họ xem được trên ti vi. Cách họ xem ti vi cũng đáng lưu ý. Người Rục không dán mắt vào ti vi liên tù tì mà họ chỉ xem ti vi từ 5 giờ chiều đến 21 giờ đêm rồi đi ngủ.
Lý giải lịch biểu xem ti vi “lạ” này, Cao Đức nói: “Xem thế là biết được nhiều chuyện quan trọng rồi. Để thời gian mà sản xuất chứ. Coi ti vi mãi không chăm lo sản xuất thì lấy gì ăn”. Thế nên, 17 cái ti vi ở thung lũng Rục này cứ đúng 5 giờ chiều mới được mở.
Người Rục đang từng bước vươn lên…
DƯƠNG MINH PHONG