Giới học trò và những người dân thường gọi ông với cái tên thân thương: “nghệ nhân lề đường”. Ông là Nguyễn Thắng (62 tuổi), là “nghệ nhân” hiếm hoi còn sót lại tại Sài Gòn - TPHCM tráng lệ, hành nghề khắc chữ trên bút máy học trò suốt hơn 30 năm qua.
Niềm đam mê
Một buổi chiều đầu tháng 10, đi dọc vỉa hè con đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM), tôi gặp được ông Thắng. Câu chuyện giữa hai thế hệ của chúng tôi nhiều lần bị ngắt quãng liên tục bởi những khách hàng quen biết hay nghe tiếng ông đến nhờ khắc chữ khá nhiều. Rồi điện thoại từ các cơ quan “đặt hàng” ông khắc chữ lên bức tranh làm quà tặng. Nhìn ông khắc chữ với tốc độ “chóng mặt”, chỉ mất từ 10 giây đến 2 phút đã hoàn thành, dù vật phẩm là chiếc nhẫn, cây bút máy, miếng gỗ nhỏ xinh hay chiếc lược ngà…
Tranh thủ lúc rảnh tay, đôi mắt sâu thẳm của ông với nhiều nếp nhăn lại hướng ra đường phố nhìn dòng người qua lại. Và trong những phút trầm tĩnh như thế, ông Thắng lại hồi tưởng về một thời mà cây bút máy là “vật bất ly thân” của nhiều người trong xã hội và việc khắc chữ lên bút là sở thích của nhiều người. Lúc ấy, cậu thanh niên Nguyễn Thắng vốn yêu những nét chữ đẹp nhận ra việc khắc chữ bằng máy không đẹp, không tinh xảo bằng tay... Sẵn có hoa tay, cùng với trí tưởng tượng phong phú, vậy là cậu học trò họ Nguyễn mày mò học cách chuyển những nét chữ bay bướm của mình lên đồ vật bằng gỗ, nhựa... và cuối cùng là khắc trên cây bút.
Ông Nguyễn Thắng đang tỉ mẩn khắc chữ lên cây bút
Ngồi chồm hổm bên vỉa hè, ông bắt đầu xởi lởi về những hồi ức trong ông vẫn còn in đậm: ông sinh năm 1954, trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Hải Dương nên từ nhỏ, việc học hành của ông phải dang dở do phải phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Mặc dù vậy, Thắng lại thể hiện niềm đam mê vẽ tranh ngay từ khi học cấp 2. Những ngày đó, ngôi nhà tranh vách nứa của ông lúc nào cũng đầy những hình vẽ bằng than loang lổ khắp nhà và nhiều lần cậu bị đòn roi của bố cũng vì cái tay… hay vẽ lung tung. Không ai nghĩ rằng, chính “tài lẻ” ấy lại là cái nghiệp của cả đời ông sau này. Lớn lên, có một thời gian ông từng làm việc trong ngành công an tại Hà Nội, sau đó do cuộc sống, năm 1980, ông theo gia đình vào Nam lập nghiệp. Công việc đầu tiên của ông ở chốn Sài Thành là vá xe đạp, rồi làm nhân viên bốc vác ở cảng Sài Gòn… để gom tiền đi học vẽ. “Tôi học bên ngoài thôi vì không đủ tiền học trong trường, với lại học qua bạn bè sẽ biết nhanh hơn và… vui hơn”, ông Thắng kể. Chính thức hành nghề khắc chữ trên lề đường Lê Lợi từ năm 1982, lúc đầu ông đến với tranh sơn dầu rồi đến khắc tranh trên ngà, sừng trâu, bò. Công việc này cho ông thu nhập cao, song cũng vì công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, chi tiết nên mắt ông kém dần và phải trải qua 2 lần phẫu thuật mắt. Rồi dần dần, cơ duyên đã đưa ông đến với nghề khắc chữ từ khi đứa con đầu của ông bắt đầu đến trường. Ngoài những lo toan cho cuộc sống và hơn hết là niềm đam mê được thể hiện những nét chữ bay bướm, có hồn trên mọi chất liệu, đã thôi thúc ông quyết định “đánh bạc” đời mình với nghề khắc chữ bên góc phố làm kế sinh nhai. Rồi ông lại chọn cái góc phố ngày xưa từng ngồi vá xe đạp khi mới “chân ướt chân ráo” vào Sài Gòn để “mở tiệm” khắc chữ. Nói là “tiệm” nhưng ở chỉ có cục gạch để kê ngồi và cây bút sắt làm phương tiện kiếm cơm. Cho đến nay, đồ nghề suốt bao nhiêu năm vẫn không thay đổi: Chiếc bút khắc tự chế, tuốc nơ vít và vài chiếc bút mực. Mỗi lần khắc chữ, ông chỉ lấy tiền công với giá rất… học trò, từ 4.000 - 6.000 đồng. Ngoài học trò ra, những đôi uyên ương mới cưới cũng tìm đến nhờ khắc tên vào cặp nhẫn cưới còn mới tinh, bóng loáng…
Thổi hồn vào nét chữ
Ngày qua ngày, suốt 31 năm qua, ông vẫn đều đặn đi từ “tổ ấm” của mình ở quận Bình Thạnh sang lề đường Lê Lợi (quận 1), vẫn chỗ ngồi quen thuộc từ khi khu này còn là phố văn phòng phẩm và cho đến bây giờ là những tòa nhà sang trọng. Khi hỏi lý do “bám trụ” ở góc đường này?, ông Thắng tâm sự: “Trước đây, khu vực này là phố chuyên kinh doanh văn phòng phẩm nên tôi chọn để hành nghề. Và nay đó vẫn là điểm quen thuộc của khách hàng nếu muốn khắc đồ lưu niệm”. 31 năm ngồi vẽ ở vỉa hè, ông không thể nhớ mình đã phục vụ bao nhiêu khách hàng, bao nhiêu đồ vật. Từ những chiếc bút của giới học trò, quà tặng của nghệ sĩ, đồ lưu niệm của khách nước ngoài cho đến tranh ảnh, tranh chữ của các cơ quan, đơn vị “đặt hàng”. Chỉ biết rằng, mỗi hoa văn, đường nét mà ông thể hiện là cả một sự tỉ mỉ, chăm chút thổi hồn vào đó. Ông Thắng diễn giải: “Nghề khắc chữ đòi hỏi tính kiên nhẫn và quan trọng nhất phải thể hiện được cái “hồn” mỹ thuật vào đó qua sự mềm mại của từng nét khắc hoặc bức tranh cần khắc. Không chỉ khắc chữ trên bút máy, ông còn khắc trên mọi chất liệu như thủy tinh, sứ, gỗ… và theo hình mẫu yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt, khi có yêu cầu, ông có thể viết thư pháp với nét chữ bay bổng trầm mặc. Với ông, mỗi sản phẩm làm ra đều là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, cần có khiếu nghệ thuật, trí tưởng tượng của người nghệ sĩ và phải kiên trì. Theo quan niệm của ông, khắc những nét mềm mại trên bề mặt cứng không phải dễ, cũng phải tập kỳ công lắm. Dù trải qua 31 năm làm nghề nhưng nhiều khi ông vẫn chưa thấy hài lòng, đến giờ vẫn phải vừa làm vừa tập thêm. Ở tuổi hơn 60 nhưng nét chữ của ông vẫn rất đẹp, đường khắc rất “chuẩn”, tinh tế và có hồn. Ông tâm sự, có thể “sống khỏe” bằng nghề này, miễn có lòng say mê. Nói vậy, nhưng đâu phải cứ say mê là làm được, bởi công việc khắc chữ hội tụ những yếu tố mà không phải ai cũng có thể đáp ứng được: sự khéo léo, tỉ mỉ và… chữ đẹp nữa. Đặc biệt, không được phép sai sót vì theo ông “không thể làm lại vì món quà khách hàng nhờ khắc thường rất có ý nghĩa với họ”.
Ông Thắng cho biết, mỗi lần khắc hình hay chữ trên bút, ông lấy 5.000 đồng; phức tạp hơn một chút, ông lấy 10.000 đồng. Còn những chữ, hình phức tạp... thì giá “kịch trần” cũng chỉ 50.000 đồng. Nhờ khắc đẹp, ông được khách “bo” cũng khá, nhưng xem ra với tổng thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng cũng chỉ đủ để ông cùng vợ xoay xở tiền cho con đến trường. Tuy vậy, ông vẫn tự hài lòng vì cho rằng cuộc sống của gia đình bây giờ không còn phải lo từng bữa ăn như ngày trước.
Tạo niềm vui cho mọi người
Và nhiều người biết đến ông không chỉ vì tài khắc chữ mà còn về “chất nghệ sĩ”. Ngồi trước cửa Nhà sách Sài Gòn (số 62 Lê Lợi) với bộ đồ giản dị, cùng bộ “đồ nghề” nhưng ông đã tạo ra biết bao niềm vui cho mọi người. Ông cũng từng một thời chơi thân với nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà thơ nổi tiếng. Ông kể: “Một hôm tại “tiệm” của mình, nghệ sĩ Kim Cương, dù bận rộn những vẫn không quên ghé qua bắt tay và hỏi thăm sức khỏe ông”. Hơn nữa, dòng đời cứ trôi qua và trải qua bao nhiêu thời gian với nghề, tiếp xúc với bao lứa tuổi học trò, bao nhiêu khách hàng… ông Thắng cảm thấy thêm yêu quý và trân trọng cái nghề, hay đúng hơn là cái nghiệp ông đang theo đuổi. Cũng có nhiều công ty chuyên ngành mỹ thuật ngỏ ý muốn ông về làm việc với mức lương hấp dẫn hơn so với công việc hiện tại nhưng ông đã khéo léo từ chối.
Và cứ thế, hàng ngày vào lúc 7 giờ sáng, ông Thắng với bàn tay tài hoa vẫn bình yên tìm niềm vui bên góc phố đông người qua lại. Và những khi vắng khách, ông ngồi trầm mặc bên tách cà phê đen, rít điếu thuốc và tán dóc đôi ba câu với nhân viên bảo vệ nhà sách.
Thanh Hải