(SGGPO). – Sáng 8-10, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tổ chức họp về tổng kết 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được triển khai từ tháng 8-2009. Bộ Chính trị đã có thông báo Kết luận số 264 -TB/TW về tổ chức Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Chính phủ đã đưa nhiệm vụ thực hiện cuộc vận động vào các nghị quyết kỳ họp về triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp phối hợp triển khai cuộc vận động.
Sau 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kết quả cuộc vận động được thể hiện rõ trên nhiều mặt: về truyền thông; công tác điều hành và quản lý nhà nước, thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, góp phần làm thay đổi diện mạo của hệ thống phân phối hàng Việt trong nền kinh tế, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Có nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để sản xuất hàng hóa chất lươngj, giá cạnh tranh…
Người tiêu dùng Việt Nam đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011 cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt; TP Hà Nội là 83%.
Còn theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 7-2014 cho thấy, có 92% người tiêu dùng được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 63% số người tiêu dùng "tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (tăng 4% so với năm 2010 ); 54% người tiêu dùng "khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam" (tăng 16% so cuộc điều tra dư luận xã hội vào tháng 11-2010).
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo cuộc vận động các tỉnh thành, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả này thì cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt vẫn còn nhiều hạn chế. Một số bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương chưa chú ý ban hành các cơ chế, chính sách, kế hoạch dài hạn, thiếu sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị thực hiện cuộc vận động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường còn nhiều, việc quản lý, kiểm soát chưa chặt chẽ; nhiều doanh nghiệp phải tự đấu tranh với hàng giả, hàng nhái để bảo vệ thương hiệu, uy tín sản phẩm của mình, trong khi các cơ quan, các cấp chính quyền chưa làm tốt chức năng quản lý nhà nước. Việc quản lý thị trường hàng hóa nhập khẩu chưa chặt chẽ khiến nhiều hàng hóa nhập khẩu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây thiệt hại quyền lợi của người tiêu dùng và gây khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nước.
Cùng với đó, còn nhiều doanh nghiệp chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện cuộc vận động, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả thấp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Thậm chí không ít doanh nghiệp vẫn còn tư tưởng “bao cấp”, chạy theo cơ chế “xin – cho”, chưa chú trọng đầu tư, nâng cao hàm lượng khoa học – công nghệ, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; chưa thực hiện đầy đủ cam kết về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng, làm ăn “chụp giật”. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực cũng như giữa các lĩnh vực sản xuất và nhà phân phối chưa chặt chẽ, thống nhất. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh, uy tín sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường.
Đáng chú ý, một số cán bộ lãnh đạo, đảng viên chưa đề cao vai trò gương mẫu trong ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt cũng như vận động người thân trong gia đình mua sắm, sử dụng hàng Việt để làm gương cho quần chúng noi theo. Tâm lý sính dùng hàng ngoại còn tồn tại ở một bộ phận người dân, nhất là những người có thu nhập cao, thích thời trang, hàng hiệu.
| |
PHAN THẢO