Người vượt lên chính mình

Người vượt lên chính mình

Hôm tỉnh Bến Tre tổ chức họp mặt nữ doanh nghiệp tiêu biểu nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10-2006, tới lượt mình giới thiệu về bản thân, chị nói: “Tôi tên Vân, ở huyện Bình Đại. Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tôi cũng không có chồng, cuộc sống cực khổ vô cùng. Nhờ ráng làm lụng mà giờ có được trang trại nuôi cá, bây giờ cuộc sống đã khá hơn…”. Nghe chị nói, mọi người cười phá lên, chị cũng khẽ cười theo mà không phản ứng gì! Đến giờ giải lao, tôi đến gặp chị, xin hẹn vài hôm nữa xuống trang trại gặp chị để phỏng vấn viết bài. Chị gật đầu trả lời ngắn gọn: Nhà báo cứ xuống tham quan cho biết!

  • Nghị lực của cô gái mồ côi
Người vượt lên chính mình ảnh 1

Ao cá sấu hàng trăm con của chị Vân đã đến lúc thu hoạch.
Ảnh: C.D.

Nhiều người biết chị Phan Thị Vân là một phụ nữ đầy bản lĩnh, quản lý cả một trang trại nuôi cá rộng mấy héc ta. Nhưng ít ai biết chị có một tuổi thơ đầy bất hạnh, gian truân. Quê gốc của chị Vân ở xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm. Chị là người con gái thứ năm, trong một gia đình liệt sĩ. Năm chị lên 4 thì mẹ mất, nên giờ chị cũng không còn nhớ được mặt mẹ mình ra sao.

Lúc chị được 8 tuổi, ba gửi chị cho người dì để tham gia cách mạng, ba nói giải phóng rồi ba sẽ về rước con. Nhưng 4 năm sau (năm 1972) ba chị bị Mỹ bắn chết, anh trai của chị hay tin bò về gặp mặt ba lần cuối, giặc hay tin chặn đường… vậy là anh của chị cũng theo ba.

Người thân ruột thịt duy nhất của chị là đứa em kế - Phan Văn Long. Với vẻ mặt buồn, chị Vân kể: “Giờ tôi còn nhớ mang máng về ba, ông ấy rất thương anh em chúng tôi. Trước lúc ba đi, ba phun nước miếng lên đầu tôi và thằng Long để tụi tôi quên ba. Tôi không chịu đi về với dì vì đòi ba cho cái bong bóng, dì hứa nên tôi mới chịu đi… rồi không còn thấy mặt ba nữa”.

Chị ví đời mồ côi của mình và đứa em trai giống như Nghi Xuân - Tấn Lực trong Phạm Công Cúc Hoa. Sống với dì ở Tiền Giang, chị Vân làm đủ mọi việc từ cấy lúa, chăn trâu, bò… chuyện gì chị cũng làm được. Nhưng những đứa cháu “ăn nhờ ở đậu” lâu dần đã khiến gia đình dì khó chịu. Chị là đứa không chịu sự đay nghiến, đòn roi của dì, dượng rồi đến sự hiếp đáp của các em. Long chịu không nổi bỏ đi bụi đời! Còn chị cam chịu khổ ở lại, chứ biết đi đâu. Siêng năng, giỏi giắng, năm 17 tuổi được người ta làm mai mối, dì bắt gả chị cho con của một gia đình giàu có. Sống đời vợ chồng không được bao lâu, người ta chê chị đen đúa, gầy nhom nên bỏ. Sợ bị ép gả tiếp, nên chị trốn vào chùa sống. Hơn 10 năm nương tựa cửa chùa, chị Vân ra đời với tâm nguyện cố gắng làm có tiền để lo cho mình và có thể giúp đỡ cho những “người cùng khổ”.

Năm 1990, trở về quê hương, nhưng không phải mảnh đất chôn nhau cắt rốn ngày xưa mà chị Vân chọn Bình Đại làm nơi lập nghiệp. Bắt đầu là những gánh đồ chay bán dạo. Cô gái tuổi 30, đêm khuya một mình với gánh hàng, có lúc chạy bán sống bán chết vì gặp mấy người đàn ông ăn nhậu chọc ghẹo. Tính tình hiền hậu, ai cũng thương nên việc buôn bán của chị ngày một thuận lợi. Tích cóp vốn liếng, chị thuê sạp bán đồ chay tại chợ, rồi mua được cái nhà mở tiệm bán đồ chay qui mô hơn, tiền lời kiếm ngày một khá.

Năm 2002, nhân chuyến đi dự khánh thành cống đập Ba Lai, chị đi thẳng vào phía bên trong để nếm thử nguồn nước nơi đây thì nhận thấy nước ngọt. Chị kể: “Về nhà tự dưng tôi thấy muốn mua đất ở đó để đầu tư làm ăn. Vậy là gom góp tiền dành dụm, bán miếng đất ngoài thị trấn rồi vay thêm tiền nhà nước được mấy trăm triệu đồng mua 3ha đất toàn cây cối ở gần cống Ba Lai với ý định nuôi thủy sản”.        

  • Làm giàu từ đất mặn hoang sơ

Nằm trên địa bàn xã Thạnh Trị, khuất trong cống đập Ba Lai, trang trại nuôi cá lóc của chị Vân được xem là bề thế nhất vùng. Bề thế bởi nơi đây còn nét hoang sơ của đất rừng ngập mặn đã được ngọt hóa nhờ cống đập Ba Lai. Xung quanh trang trại của chị Vân vẫn còn đó - dấu tích của những khoảng rừng ngập mặn, tuy có chỗ đã được người dân vào mua đất khai khẩn làm ăn.

Trang trại được thiết kế các khu gồm ao nuôi cá lóc, cá sấu, ba ba. Trên bờ được chủ nhân trồng cây so đũa, bưởi, mai để tạo bóng mát. Độ khoảng nửa tiếng đồng hồ đi lòng vòng, khi quay lại ngôi nhà được cất trong khu trang trại để cho công nhân nghỉ, chị Vân đã ngồi sẵn đợi tôi. Khi hỏi chị mướn kỹ sư thiết kế hay học hỏi mô hình ở đâu mà trang trại được thiết kế đẹp vậy? Cười hiền,  chị trả lời: “Người nào bước vào trang trại này cũng hỏi tôi như chú. Không ai bày chỉ gì, tôi thích sao thì vẽ ra, rồi mướn người làm theo ý mình.

Giờ là vậy, còn khởi đầu của trang trại này thì gian truân lắm. Tôi nói thật, làm chủ nhưng chưa chắc ai cực như tôi, khi mướn công nhân mần, họ mần gì tôi mần đó. Có nhiều người đến học hỏi tôi cách làm ăn, tôi nói: Mấy anh muốn có kết quả thì phải lao vào làm chứ dùng tay chỉ chỏ thì khó lắm. Có làm mới thấy cái nào được, cái nào chưa để rút kinh nghiệm, nghĩ ra cách làm phù hợp mới thành công. Đặc biệt là khi làm cái gì thì phải thích mới được. Như tôi, mê nuôi cá đến nỗi lần đi báo cáo điển hình ở Hà Nội năm 2005 về thành tích nông dân sản xuất giỏi, tôi lo cho đàn cá ở nhà đến mất ăn mất ngủ. Khi về đến nhà tôi vội vã chạy đến trang trại thăm cá liền. Mê lắm!”.  

3ha đất lúc chị Vân mới mua là một rừng cây chà là, cóc kèn, sậy mọc um tùm. Chị mướn công nhân vào khai phá, gặp sâu nhiều quá họ bỏ chạy. Thấy vậy, chị Vân xung phong đi trước chặt cây, công nhân theo phía sau tiếp chị. Một tháng trời chị lặn lội chặt cây rừng, bị sâu cắn bầm mình phải nghỉ ngơi nửa tháng sau mới hết. Dọn dẹp cây cối xong, chị Vân vẽ thiết kế, đầu tiên là con kinh rồi đặt cống xuống, xung quanh là 7 cái ao (cái nhỏ nhất 1.000m2, cái lớn nhất 5.000m2).

Năm 2003, khu trang trại đã hoàn chỉnh. Mới đầu chưa biết nuôi con gì, chị Vân mua cá rô phi về nuôi thử ở một ao nhỏ. Rồi chị nghe ở miệt trên Đồng Tháp, An Giang người ta nuôi cá lóc lời nhiều. Liên tưởng đến nguồn thức ăn cá vụn đang có dồi dào (chị Vân là đại lý thu mua cá biển: cá lớn bán lại cho lái chợ, cá vụn bán làm phân) trong khi người ta ở xa tìm đến mua thức ăn về nuôi con này con nọ, sao mình không tận dụng để nuôi cá! Đợi chuyến mấy người mua cá vụn đến, chị Vân hỏi thăm đường đi mua cá lóc giống về nuôi. Mới đầu, chị mua 100.000 cá lóc đen môi trề đầu nhím về thả ở 2 hồ.

Sau 6 tháng, cá đạt mỗi con từ 1,2 – 1,5 kg, bán được trên 20 tấn cá, trừ chi phí chị còn lời gần 200 triệu đồng. Lần đầu thành công và lợi nhuận cao, năm 2005, chị Vân đầu tư thêm vốn mua 160.000 cá giống về thả nuôi ở 3 ao, đến đợt thu hoạch, chị bán trên 30 tấn cá lóc thương phẩm và đạt lợi nhuận gần 300 triệu đồng. Để ý thấy cá giống bắt từ xa về nuôi bị hao hụt rất nhiều vì môi trường nước lạ. Đầu năm 2006, chị Vân đã thành công khi ươm giống cá lóc môi trề đầu nhím tại trang trại.

Chỉ với 180 con cá bố, mẹ, giờ đây chị Vân có cá con nuôi mà không phải mua cá giống. Chị Vân phấn khởi nói: “Chỉ riêng việc không mua cá giống mà tôi có dư thêm trên dưới 100 triệu đồng. Nhờ “mẹ đâu con đó” cá lóc nuôi tỉ lệ hao hụt rất ít. Nếu như trước đây tỷ lệ cá hao hụt khoảng 30% thì giờ không tới 5%”. Cũng trong năm nay, chị Vân mua thêm 74.000 cá lóc bông về nuôi (cá đạt trọng lượng 2,8 – 3kg/con sau 8 tháng nuôi). Chị vừa thu hoạch 4 ao nuôi cá lóc (1 ao cá lóc bông) đạt sản lượng 80 tấn, trừ chi phí, chị Vân còn lợi nhuận trên 400 triệu đồng.

Dân nuôi cá lóc lâu năm phải ngạc nhiên với cách nuôi của người phụ nữ mới vào nghề vài năm như chị. Vẫn chưa bằng lòng, chị nghĩ ra cách nuôi cá lóc đen đầu nhím môi trề trong vèo. Cá lóc nuôi không thả lan trong hồ như những lần trước, mà chị nuôi trong các vèo lưới, tùy theo cỡ cá mà cho chúng ở trong vèo lưới dày, thưa thích hợp. Chị Vân cho rằng, loài cá lóc này cho ăn rồi tối ngày chúng chỉ ngủ nên nuôi trong vèo, ép chúng ăn cho chúng mau lớn.

Nuôi trong vèo cho ăn lúc nào cũng được, còn nuôi thả lan khi trời mưa cho ăn nhiều con không nghe tiếng kẻng đánh nên không đến ăn mồi, cá lớn không đều. Cá nuôi trong vèo khi có bệnh cũng dễ trị và thức ăn không hao, dễ thu hoạch. Đặc biệt là cá nuôi trong vèo giá bán bao giờ cũng cao hơn cá thả lan 2.000 đồng/kg nhờ cá đều, đẹp. Hiện tất cả cá lóc đen môi trề đầu nhím được chị Vân nuôi trong vèo, riêng cá lóc bông thì không nuôi được, vì đây là loài cá thích có không gian rộng để bơi lội. 

Không chỉ nuôi cá lóc, chị Vân còn nổi tiếng ở Bình Đại và có biệt danh “bà Vân cá sấu, ba ba”. Theo chị Vân, chị nuôi thêm cá sấu, ba ba là áp dụng lấy ngắn nuôi dài. Chị đầu tư 200 triệu đồng để xây chuồng nuôi 700 con cá sấu (loại nhỏ 490.000 đồng/con giống, loại lớn 800.000 đồng/con giống) sau 14 tháng nuôi chị đã xuất chuồng bán được 200 cá sấu lớn, được 4,6 tấn, trừ chi phí chị lời trên 100 triệu đồng. Riêng ba ba, chị đang nuôi và nhân giống khoảng 14.000 con.

Thời cơ cực đã qua, cuộc sống giờ dư dã, chị Vân rất thích làm từ thiện. Mấy năm gần đây, mỗi năm chị đóng góp vài chục triệu đồng cho công tác từ thiện ở tỉnh, huyện. Chị tâm sự: “Ngày trước cha, chú tôi đã hy sinh cho đất nước, giờ tôi có dư chút ít, giúp được người nghèo khổ như mình ngày xưa là thấy vui rồi”.

CAO DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục