Nguồn vốn cho công tác đền bù, tái định cư: Nơi thừa, nơi thiếu

Thực tế, từ công tác khái toán kinh phí ban đầu đến thực hiện công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư… tại các dự án đầu tư công có một khoảng chênh lệch đáng kể. Từ đó dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Đó là một trong những nội dung vừa được Sở TN-MT TPHCM nêu ra tại báo cáo rà soát tình hình giải ngân vốn bồi thường năm 2023.

Dôi dư do khái toán ban đầu cao

Dự án Vành đai 3 TPHCM, theo quyết định ban hành cuối năm 2022, TPHCM dự tính chi 18.900 tỷ đồng để bồi thường nhưng đến nay cần chưa tới 11.700 tỷ đồng, giảm hơn 7.200 tỷ đồng. Theo Sở TN-MT TPHCM, thời điểm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 3 TPHCM, 4 địa phương (TP Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) nhận thức nguồn vốn cần được bố trí đầy đủ, tránh thiếu hụt kinh phí dẫn đến phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Đơn giá bồi thường cũng được khái toán theo mức cao nhất trong khung hệ số điều chỉnh giá đất. Đơn cử như huyện Bình Chánh, khung hệ số điều chỉnh giá đất đối với đất ở từ 6-22 và đất nông nghiệp từ 15-38 thì UBND huyện Bình Chánh chọn hệ số 22 đối với đất ở và hệ số 38 đối với đất nông nghiệp. Riêng TP Thủ Đức, đất nông nghiệp chỉ tính theo đơn giá đất trồng cây lâu năm mà không phân loại đất trồng cây hàng năm và lâu năm.

Tương tự, đối với công trình, vật kiến trúc và các khoản hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm... đều dự kiến theo mức cao nhất. Ngoài ra, các khu đất do nhà nước trực tiếp quản lý theo quy định không được bồi thường, nhưng khi khái toán cũng tính luôn diện tích này như trường hợp được bồi thường. Do vậy, khái toán kinh phí bồi thường rất cao, lên tới hơn 25.600 tỷ đồng.

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đang được triển khai trên địa bàn huyện Hóc Môn, TPHCM Ảnh: CHÍ HÙNG
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đang được triển khai trên địa bàn huyện Hóc Môn, TPHCM

Ảnh: CHÍ HÙNG

Đến thời điểm phê duyệt dự án bồi thường, đơn giá bồi thường được cập nhật vào báo cáo nghiên cứu khả thi. Tháng 12-2022, UBND TPHCM phê duyệt dự án bồi thường với tổng kinh phí 18.906 tỷ đồng. Theo Sở TN-MT, thời điểm này, người dân chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý nên việc xác định chi phí bồi thường vẫn còn cao hơn thực tế. Đến khi các địa phương rà soát pháp lý hồ sơ do người dân cung cấp và trừ đi quỹ đất do nhà nước trực tiếp quản lý thì nguồn vốn giảm xuống đáng kể.

Cụ thể, TP Thủ Đức cần 6.225 tỷ đồng, huyện Củ Chi cần 1.718 tỷ đồng, huyện Hóc Môn cần 1.614 tỷ đồng và huyện Bình Chánh cần 1.687 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hạ tầng khu tái định cư và các chi phí khác là 453 tỷ đồng. Như vậy, tổng nhu cầu kinh phí bồi thường của 4 địa phương chỉ cần 11.688 tỷ đồng, giảm 7.206 tỷ đồng so với quyết định cuối năm 2022, và giảm hơn 50% so với lúc khái toán nghiên cứu tiền khả thi.

Các giải pháp khắc phục

Công tác đền bù, giải tỏa tại các dự án hay xảy ra tình trạng nguồn vốn khái toán ban đầu dư so với thực tế. Vành đai 3 TPHCM không phải dự án duy nhất thừa vốn. Theo khảo sát của Sở TN-MT TPHCM, danh sách dự án thừa vốn còn có đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) giảm 225 tỷ đồng, đường D8 (đoạn từ Bùi Minh Trực đến Tạ Quang Bửu, quận 8) giảm 50 tỷ đồng, đường Vành đai Đầm Sen (quận 11) giảm 40 tỷ đồng, cầu Ông Nhiêu (TP Thủ Đức) giảm 195 tỷ đồng, cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) giảm 147 tỷ đồng do dự toán dư, không còn nhu cầu sử dụng.

Ngược lại, cũng có một số dự án tại TP Thủ Đức tăng vốn bồi thường như nút giao thông Mỹ Thủy tăng 366 tỷ đồng, đường Lã Xuân Oai (đoạn từ đường Lò Lu đến Nguyễn Duy Trinh) tăng 260 tỷ đồng…

Để khái toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được đầy đủ, tránh tình trạng dự án “nơi thừa nơi thiếu”, Sở TN-MT TPHCM đã đề ra một số giải pháp khắc phục. Cụ thể, quá trình nghiên cứu tiền khả thi của dự án cần đánh giá đầy đủ và xác định phạm vi, ranh giới dự án chính xác. Đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần phối hợp với quận, huyện, TP Thủ Đức để tham khảo đơn giá dự án đang thực hiện, vị trí tương đồng được duyệt giá theo thời gian gần nhất, tính toán thêm yếu tố trượt giá để khái toán chi phí.

Việc khảo sát hiện trạng ranh dự án cần đối chiếu với bản đồ địa chính theo hệ tọa độ VN 2000 để xác định trường hợp xây dựng nhà trước tháng 7-2004 làm cơ sở ban đầu đưa vào diện bồi thường hay hỗ trợ. Đối với các khu đất do nhà nước trực tiếp quản lý, cần rà soát kỹ để giảm bớt khái toán kinh phí bồi thường. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư phải đẩy nhanh công tác phê duyệt dự án, tránh trường hợp giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí bồi thường.

Ngoài ra, địa phương cần vận động người dân đồng thuận trong việc đo đạc, kiểm đếm và cung cấp hồ sơ pháp lý trước khi ban hành thông báo thu hồi đất để có thể xác định chính xác diện tích bị ảnh hưởng và pháp lý về đất đai làm cơ sở tính toán chi phí bồi thường trước khi phê duyệt dự án.

Tin cùng chuyên mục