Nguy cơ “vỡ trận” ngành dệt may

Kỳ vọng vào lợi thế những hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, ngành dệt may Việt Nam đã mạnh tay đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu lên 40 tỷ USD vào cuối năm nay. Thế nhưng, hiện vẫn còn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu chưa đạt được, khi chỉ còn một tháng là hết năm 2019. 
Dệt may chưa tận dụng được nhiều lợi thế của FTA để xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TRÍ
Dệt may chưa tận dụng được nhiều lợi thế của FTA để xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TRÍ

Thị trường ngoại: Chênh vênh

Thống kê từ Tổng cục Hải quan, đến hết ngày 15-11, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 450,46 tỷ USD, tăng 7,6% (tương ứng tăng 31,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư 9,18 tỷ USD. Trong đó, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu vẫn là ngành điện - điện thoại (46,32 tỷ USD) và máy tính - linh kiện (30,70 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu dệt may tuy đứng vị trí thứ 3 nhưng chỉ đạt 28,54 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. 

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM, Việt Nam đã và đang ký nhiều FTA nhưng tỷ lệ tận dụng lợi thế này của hàng hóa xuất khẩu nói chung, ước chỉ đạt trên 30%. Riêng với hàng dệt may, tỷ lệ tận dụng được lợi thế từ FTA còn thấp hơn nhiều. Điều này có nghĩa là hàng hóa Việt Nam vẫn đang xuất khẩu với thuế suất cao, ước khoảng 5%-25% (thay vì chỉ 0%-5%) do không đủ điều kiện để được hưởng thuế suất giảm theo FTA. 

Việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may thời gian qua chỉ tập trung chủ yếu ở doanh nghiệp (DN) FDI, còn DN nội địa chưa nhiều. Nguyên nhân là do các nút thắt về nguyên liệu sản xuất của ngành dệt may vẫn chưa được giải quyết, dù các DN đã kiến nghị nhiều lần. Những chính sách ưu đãi vượt trội trong thu hút đầu tư nhưng thiếu chế tài trong hậu kiểm đã tạo cơ hội cho DN FDI khai thác triệt để lợi thế xuất khẩu từ những nhà máy đặt tại Việt Nam, trong khi DN nội vẫn “khát” nguyên liệu. 

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đầu tư FDI vào ngành dệt may năm 2018 đạt 2.027 tỷ USD và 10 tháng năm 2019 là 1.349 tỷ USD. Rất nhiều tập đoàn dệt may lớn trên thế giới đã hiện diện tại Việt Nam, như Tập đoàn Texhong, Polytex Far Eastern, Công ty TNHH sợi Long Thái Tử, tập đoàn chuyên sản xuất sợi tơ nhện nhân tạo của Mỹ là Kraig Biocraft Lab Laboratory Inc…

Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết DN FDI tập trung vào sản xuất nguyên phụ liệu - khâu mà các DN dệt may Việt đang còn yếu, phải nhập khẩu là chính. Thế nhưng, nguyên phụ liệu sau khi sản xuất tại Việt Nam được các DN FDI bán trong hệ thống chuỗi khép kín của mình hoặc bán trở lại công ty mẹ có trụ sở ở nước ngoài. Do vậy, DN sản xuất dệt may xuất khẩu trong nước vẫn không được hưởng những lợi thế từ nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. 

Thị trường nội: Hụt hơi

Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu dân, mức tiêu dùng cho hàng dệt may khoảng 5%-6%/tổng mức chi tiêu, tương đương 3,5-4 tỷ USD... là thị trường rất hấp dẫn các thương hiệu thời trang ngoại.

Trong bối cảnh DN xuất khẩu nội địa đang gặp khó về bài toán xuất xứ nguyên liệu, thì hàng loạt thương hiệu may mặc ngoại lại không ngừng gia tăng sự hiện diện của mình trên thị trường trong nước. Gần đây nhất, thương hiệu Uniqlo của Nhật Bản sắp khai trương cửa hàng đầu tiên tại quận 1 (TPHCM) sau 2 năm nghiên cứu thị trường. Trước đó, hàng loạt tên tuổi thời trang nổi tiếng khác như Zara, H&M, Topshop… cũng đã xuất hiện rầm rộ tại Việt Nam.

Nguy cơ “vỡ trận” ngành dệt may ảnh 1 Dệt may chưa tận dụng được nhiều lợi thế của FTA để xuất khẩu (Ảnh: May quần tây xuất khẩu). Ảnh: THÀNH TRÍ
Áp lực cạnh tranh giữ thị phần đè lên các thương hiệu nội đang ngày càng gay gắt. Hiện, các DN dệt may có quy mô lớn trong nước như Phong Phú, An Phước, Việt Tiến, Agtex… một mặt liên kết, hợp tác với DN FDI để đẩy nhanh tiến độ đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, mặt khác cũng đầu tư cho ra những sản phẩm dệt may thương hiệu nội để gia tăng thị phần tiêu thụ nội địa (như Paul Downer, DGC, Eternity GrusZ, May10 M series, S.PEARL, HeraDG, Forever Young, dòng sản phẩm may mặc ECO…).

Tuy nhiên, do nội lực vốn hạn chế, nhiều DN dệt may chỉ có thể phát triển hệ thống phân phối trên nền tảng thương mại điện tử và thu hẹp dần hệ thống cửa hàng bán sản phẩm trực tiếp. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của thương hiệu may nội địa. 

Theo Vitas, dư địa thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa cho ngành dệt may từ nay đến năm 2035 rất lớn. Dự tính kim ngạch xuất khẩu ước đạt 200 tỷ USD và tiêu thụ thị trường trong nước trên dưới 10 tỷ USD.

Do vậy, để trợ giúp DN nội phát triển bền vững, Chính phủ cần có những điều chỉnh trong chính sách thu hút đầu tư. Ưu đãi đầu tư cần có điều kiện về tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu sản xuất cho DN nội địa.

Chính sách hỗ trợ vốn đầu tư trung hạn và dài hạn, vốn đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý chất thải… cần được đơn giản về thủ tục hành chính hơn. Riêng với thị trường trong nước, cần thắt chặt kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng hàng gian, hàng giả thương hiệu, hàng nhập lậu, góp phần cải thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh cho DN.

Theo Bộ Công thương, mỗi FTA đều có những quy định về xuất xứ hàng hóa riêng nhưng chung quy vẫn là phải đáp ứng các tỷ lệ về nguồn xuất xứ thuần túy. Chẳng hạn, với Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), hàng hóa dệt may xuất khẩu của Việt Nam muốn được hưởng thuế suất ưu đãi thì phải dùng nguồn nguyên liệu vải trong nước. Hoặc EU cho phép áp dụng quy định cộng gộp xuất xứ, theo đó, các nhà xuất khẩu của Việt Nam được sử dụng vải từ một nước thứ 3 có ký kết FTA với Việt Nam và EU. Tuy nhiên, trên thực tế có hơn 60% nguồn nguyên liệu vải sản xuất của Việt Nam lại nhập khẩu từ nước đang không có ký FTA với EU nói riêng và FTA khác mà Việt Nam đang là thành viên nói chung. 

Tin cùng chuyên mục