Nguyễn Dương Kim Hảo: Cậu bé "vàng" tin học

Nguyễn Dương Kim Hảo: Cậu bé "vàng" tin học

Đạt được nhiều giải thưởng về tin học trong và ngoài nước như: Cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc 2012, HCV Sáng tạo trẻ Quốc tế của Malaysia và Indonesia; giải thưởng đặc biệt của Viện Sáng tạo Hàn lâm Hàn Quốc năm 2013; HCV Sáng tạo trẻ IEYI 2014 của Malaysia; giải Best Young Inventer của WIPO (World Intellectual Property Organization), nhưng cậu bé Kim Hảo, học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, TPHCM, vẫn luôn cố gắng mỗi ngày, khẳng định hướng đi và niềm đam mê lớn.

Tài không đợi tuổi

Từ miền quê nghèo thuộc xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, giờ đây Kim Hảo đã vươn xa châu Á. 14 tuổi, Kim Hảo đã có bộ sưu tập kha khá các huy chương, giải thưởng, bằng khen từ cấp trường, quốc gia và các nước châu Á. Không những vậy, cậu bé còn tự tin ngồi học, thảo luận với các anh chị sinh viên lớn hơn mình cả chục tuổi…

Kim Hảo tập làm quen với việc sử dụng máy vi tính của gia đình từ những ngày mới chập chững học mẫu giáo. Đến năm lớp 3, thấy ba mình - giáo viên môn Toán, Lý tại trường THCS, rất mất thời gian ngồi tính toán cộng điểm cho học sinh vào cuối kỳ, Hảo suy nghĩ và muốn tìm cách giúp ba làm việc dễ dàng hơn. Lúc đó, cậu bé vẫn chưa hiểu thế nào là lập trình điện tử. Em đã lên mạng và mày mò tự học. Tình cờ Hảo tiếp xúc với lập trình VBA, rồi ý tưởng viết lên một phần mềm nhỏ dành cho ba được thực hiện. Kim Hảo chia sẻ về lần đầu tiên tiếp xúc với phần mềm: “Kể từ lúc đó, em thấy cực kỳ yêu thích máy tính và nhất là lập trình, em muốn tìm hiểu sâu thêm, biết nhiều thêm về nó!”.

Kim Hảo (giữa) được vinh danh là “Công dân trẻ tiêu biểu”, TPHCM 2013

Ngoài thiết kế giúp ba phần mềm chấm điểm, Kim Hảo còn thiết kế cho mẹ bảng điều khiển thông minh. Mỗi lần thấy mẹ ra khỏi nhà và quên tắt đèn, quạt, Hảo đã lên ý tưởng thiết kế cho mẹ một bảng tắt mở điện từ xa thông qua điện thoại di động. Thấy chị gái mất nhiều thời gian tìm kiếm các phương trình hóa học, nhiều khi phải lấy các sách của năm cũ để tra, nghiên cứu lại, Hảo bật ra ý tưởng về một chiếc máy tính hóa học. Chiếc máy không những giúp chị của Kim Hảo dễ dàng tìm kiếm các phương trình hóa học mà còn tìm được tên chất bằng phương trình hóa học… Ngoài ra, với tình yêu sử Việt, Kim Hảo đã tích cực tham gia hội thi Tự hào sử Việt do Thành đoàn tổ chức với một sản phẩm cá nhân và một sản phẩm đồng đội. Hai sản phẩm này đã đạt giải Nhì và giải Ba của phần thi sản phẩm tuyên truyền sử Việt. Theo đó, cậu học trò lớp 8 sáng tạo ra phần mềm Sổ tay lịch sử giúp người dùng lưu trữ các bài học lịch sử vào máy tính một cách có hệ thống, dễ tìm kiếm. Kim Hảo cũng lập ra website: biendaoquehuong.info, bao gồm các trò chơi tìm hiểu về biển đảo.

Ước mơ trở thành lập trình viên

Biết cậu con trai nhỏ có niềm đam mê lớn về tin học, chị Dương Trần Thanh Thảo cố gắng đưa con rời quê lên thành phố để có điều kiện học tập và phát triển tốt hơn. Năm 2011, khi Hảo đại diện tỉnh Tiền Giang lên TPHCM dự Hội thi Tin học trẻ toàn quốc và đoạt được giải cao, Thành đoàn TPHCM đã khuyến khích, động viên gia đình nên cho Hảo lên thành phố học để có điều kiện phát triển. Hiện nay, Kim Hảo và mẹ đang sống trong căn hộ chung cư của chị Thủy (dì ruột cũng là mẹ nuôi của Hảo) trên đường Nghĩa Phát, Q.Tân Bình. Được sự giúp đỡ và che chở của chị Thủy, hai mẹ con chị Thảo không quá khó khăn trong việc thích nghi với nơi ở mới. Ngoài việc đưa đón và chăm sóc con, dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày, thời gian rảnh chị Thảo phụ người chị buôn bán quần áo ở chợ Tân Bình, còn ba Hảo cứ có thời gian là chạy lên thành phố thăm hai mẹ con.

Sự thành công của Kim Hảo là niềm vui và hạnh phúc của gia đình

Chị Thảo tâm sự: “Thời gian đầu, bé Hảo buồn lắm vì nhớ nhà, nhớ mọi người dưới quê, mỗi lúc như vậy bé Hảo lao vào sáng tạo, chế tác thêm nhiều sản phẩm mới để cố quên đi nỗi nhớ nhà. Nhớ lại lần đầu tiên, bé Hảo đi thi ở tỉnh Lâm Đồng, cả nhà kéo đi cổ vũ, lúc đó thấy cháu vui và phấn khích, cứ nhìn xuống sân khấu cười hoài, rồi khi thi xong là cháu chạy xuống dưới khán đài, ôm lấy ba, ông bà nội…”.

Nhiều khi nhớ chồng, nhớ quê nhưng mỗi khi thấy bé Hảo quyết tâm theo đuổi niềm đam mê, chị Thảo thấy đó là niềm an ủi: “Tôi sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, miễn là thấy con hạnh phúc với niềm đam mê của mình. Đôi khi, cuộc sống đâu phải muốn gì được nấy, buộc phải sống xa gia đình là điều không ai muốn, nhưng nếu làm vậy để con có điều kiện tốt phát triển thì tôi cũng vui lòng”.

Ở chung cư này, hỏi thăm về bé Hảo ai ai cũng biết, bởi ngoài là cậu học trò ngoan, giỏi tại trường, Kim Hảo còn được biết đến như một đứa con hiếu thảo và hiểu chuyện. Ngoài những lúc mày mò sáng tác, học tập, lúc rảnh Hảo đều phụ giúp mẹ. Đằng sau sự thành công trên con đường học vấn, sáng tạo đó, là sự hy sinh của gia đình dành cho em, nên hễ nghe ai gọi mình “Thiên tài tin học” em rất ngại, vì theo Hảo: “Nếu không có sự hy sinh của gia đình, sự giúp đỡ của dì Thủy, anh chị Thành đoàn TPHCM thì em rất khó có được thành công như hôm nay, em thấy mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa!”.

Căn phòng có diện tích 24m2 là nơi Hảo thỏa sức đam mê và sáng tạo của mình

Kim Hảo là học sinh giỏi toàn diện 7 năm liền. Vừa qua, Kim Hảo đã tốt nghiệp loại giỏi, khóa Lập trình viên quốc tế tại Trường FPT-Aptech, do Aptech tại Ấn Độ cấp bằng. Với những ưu thế trên, Kim Hảo cho biết đang được học rất nhiều về các kiến thức tin học, lập trình, viết phần mềm...

Ngoài những phần mềm thông minh, đầy tiện ích, giúp đỡ được mọi người trong công việc, Kim Hảo còn thử sức trong việc chế tạo các sản phẩm khác như: xe robot điều khiển bằng ứng dụng Android. Mới đây nhất, Kim Hảo cho ra đời sản phẩm Laser Bot (vẽ tranh lên gỗ bằng tia laser đốt nóng), đây là sản phẩm được tạo ra từ những vật dụng thủ công, được tìm mua từ chợ phế liệu, vừa đạt giải đặc biệt tại cuộc thi Young Markers Challenge do Thành đoàn TPHCM phối hợp với Tập đoàn Intel tổ chức.

Với ước mơ trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp trong tương lai, Nguyễn Dương Kim Hảo phấn khích bày tỏ: “Ở trường, em hy vọng mình sẽ giữ được lửa đam mê và cố gắng học được nhiều kiến thức mới. Đến với những cuộc thi sáng tạo không chỉ là sân chơi mà còn là nơi để học tập theo đuổi niềm đam mê của em. Mỗi cuộc thi đều đem lại những trải nghiệm, kiến thức và cả những người bạn mới. Em hy vọng sẽ được tham gia nhiều cuộc thi nữa để được học hỏi giao lưu kinh nghiệm”.*

Thủy Ngân

Tin cùng chuyên mục