Nguyễn Thanh Vân: Nhà “Diều học”

Nguyễn Thanh Vân: Nhà “Diều học”

Trọn đời gắn bó với niềm đam mê cùng những cánh diều no gió trên bầu trời, nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân đã ghi tên mình vào danh sách những kỷ lục gia Việt Nam. Tại Liên hoan Festival Biển Vũng Tàu năm 2006, con diều mang hình rồng, dài 100m, chiều ngang 1,70m, đầu rồng dài hơn 1m, đã xác lập kỷ lục là con diều lớn nhất Việt Nam. Ông được người hâm mộ yêu mến gọi là nhà “Diều học”...

Từ thú chơi dân gian đến nghệ nhân diều

Vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, dáng đi lúc nào cũng như ở tư thế sắp sửa bay lên… đó là hình ảnh quen thuộc của kỷ lục gia - nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Diều quận 8, TPHCM.

Căn nhà nhỏ nằm sâu hun hút trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Đình Xu, quận 8, không đủ để chất chứa niềm đam mê, nên suốt ngày ông quanh quẩn ở những cánh đồng diều ngoại ô thành phố, vui thú thả diều và thể nghiệm những mẫu diều mới...

Nguyễn Thanh Vân: Nhà “Diều học” ảnh 1

Ông Nguyễn Thanh Vân với mẫu diều hình con rồng.

Ông Vân dừng tay trước sự xuất hiện khá đường đột của chúng tôi. Trước mặt ông, trong gian phòng khách không mấy rộng rãi, ông bày la liệt những vải, màu, tre, dây và các loại đồ nghề.

Một mẫu diều mang hình chim phượng hoàng rực rỡ sắc màu cầu vồng đang được ông hoàn thiện. Đây là mẫu diều chim phượng hoàng có sải cánh tới 5m, dài 30m.

Để làm được con diều này ông Vân đã mất cả tháng trời mày mò tạo mẫu, tính toán độ nâng của hai cánh và phần đuôi để nó có thể bay lên được và bay thật cao, chao liệng, tạo dáng trên bầu trời.

Xong rồi lại phải bay thử nghiệm nhiều lần để chỉnh sửa đến mức tối ưu. Con diều phượng hoàng này khi hoàn thành sẽ bay ở độ cao 300m, giống như một con chim phượng khổng lồ tung cánh trên bầu trời.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ thán phục con diều phượng hoàng có một không hai này, ông Vân cười nói:

- Loại này mới ở mức bình thường thôi. Có những mẫu diều còn cầu kỳ hơn, tui làm ròng rã trong 2 tháng liền mới hoàn thiện.

Đó là mẫu diều mang hình lá cờ Tổ quốc, đã tạo ấn tượng đặc biệt với hàng vạn du khách và khán giả xem truyền hình cả nước tại Liên hoan “Những cánh bay Việt Nam” trong khuôn khổ Festival Huế năm 2006 và Festival Biển Vũng Tàu - 2006.

Cái khó của mẫu diều này là phải tính toán các yếu tố về kích thước, sức nâng của gió, độ chao liệng của diều…, sao cho khi bay trên bầu trời vừa phải giữ nguyên hình dáng lá cờ Tổ quốc, vừa có những làn sóng trên thân diều để tạo hình ảnh vừa đẹp, vừa thiêng liêng, sống động.

Đối với những mẫu diều khác, khi thả nếu có xảy ra sơ suất như diều bổ nhào, rách hoặc phải phóng nhiều lần mới bay lên được cũng là bình thường, nhưng đối với diều mang hình cờ Tổ quốc, không cho phép bất cứ một trục trặc nào, vì nếu như vậy sẽ dễ tạo nên sự suy dẫn không hay trong công chúng và gây cảm giác “mất thiêng”, nhất là trong một lễ hội có quy mô hoành tráng cấp quốc gia.

Tại các lần liên hoan, cánh diều mang hình lá cờ Tổ quốc đã vút bay lên bầu trời, chao liệng ở độ cao hơn 300m một cách rất hoàn hảo. Nhưng hoành tráng hơn cả là mẫu diều hình con rồng đã đưa tên tuổi ông gia nhập danh sách những kỷ lục gia Việt Nam.

Ông nói: “Việc chế tác mẫu diều hình con rồng xuất phát từ ý tưởng tôn vinh giá trị văn hóa nòi giống con Rồng cháu Tiên, khẳng định niềm tự hào dân tộc lớn lao. Nó thực sự là yếu tố nâng tầm những cánh bay Việt Nam tại các liên hoan diều có khách quốc tế tham dự”. Những mẫu diều của ông Vân sau khi tham dự các liên hoan du lịch trong nước, đã được đem đi tham dự một số liên hoan diều quốc tế.

Ông Vân làm diều ở mọi lúc, mọi nơi. Cứ thấy hình ảnh nào ấn tượng là ông lại đem ứng dụng vào mẫu diều. Hiện nay, ông đang thực hiện các mẫu diều được phóng tác từ hình dáng những mô hình gắn với bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng của những vùng, miền như: Lăng Bác Hồ, chợ Bến Thành, bến cảng Nhà Rồng, Chùa Một Cột, Tháp Rùa, Cột cờ Hà Nội…

Nhìn ông Vân làm diều, chơi diều và nghe ông nói về diều, có cảm tưởng như ông sinh ra trên đời này là để vui thú với diều. Ông sinh năm 1950 tại Sài Gòn. Ông kể: “Thuở ấy Sài Gòn đất rộng thênh thang. Thả diều là một thú chơi thu hút đông đảo giới trẻ”.

Nhà ông Vân ai cũng thích chơi diều. Lên 5 tuổi ông đã theo các anh trong nhà đi thả diều. Có lần con diều của ông bị mất, ông nhờ người anh trai làm cho một con khác nhưng chờ mãi vẫn không có diều, tức quá, cậu bé Vân vác dao đi vót tre, cắt giấy làm diều. Làm không được, lại bị tre đâm cho toạc tay, bị bố mẹ đánh đòn đau nhưng cậu vẫn không từ bỏ cuộc chơi.

Năm đó ông mới 6 tuổi. Sau cả tuần, cuối cùng cậu cũng làm được một con diều bé xíu. Cậu yêu quý sản phẩm mình làm ra đến nỗi sau mỗi buổi thả, cậu đem về cất ở đầu giường. Từ đó về sau, Vân luôn tự mình làm diều để chơi và làm tặng những bạn hàng xóm. Riết rồi đâm nghiện…

Khi đã trở thành một thợ điện tại Chợ Lớn, chàng thanh niên Nguyễn Thanh Vân vẫn không quên thú thả diều. Chàng bắt đầu mày mò làm ra những con diều với kích thước, hình dáng khác nhau. Đô thị ngày càng đất chật người đông, không gian thả diều không còn nên người chơi diều cứ ngày càng vắng dần.

Dù vậy, ông Vân vẫn lụi cụi đạp xe ra vùng ngoại thành tìm không gian thả diều. Điểm đến của ông là những cánh đồng sau mùa gặt. Những năm gần đây, điểm thả diều chỉ còn vài vị trí nằm ở địa bàn quận 8. Ông Vân tập hợp những người cùng sở thích với mình thành lập CLB Diều quận 8. Cái tên Đồng Diều mà người ta đặt cho một địa danh ở địa bàn này cũng xuất phát từ thú chơi diều của ông Vân và những người trong CLB. Giờ đây không gian dành cho những người chơi diều đã chuyển ra tận mé sông.

Với tốc độ phát triển đô thị hóa hiện nay, nguy cơ biến mất những cánh đồng diều là không tránh khỏi. Đó cũng là điều mà ông Vân trăn trở, lo âu. Bởi theo ông, thả diều, chơi diều không chỉ là một trò chơi dân gian, mà thực sự là một bộ môn thể thao mang tính nghệ thuật rất cao, có sức cuốn hút kỳ lạ. Khi thả diều, không những người ta phải vận động toàn thân mà tinh thần cũng thư thái lạ kỳ. Mọi khát khao, nỗi niềm như được bay lên cùng cánh diều no gió…

Nghề chơi cũng lắm... tiêu hao

Niềm đam mê diều của ông Vân sẽ chẳng bao giờ tồn tại được nếu không có một người rất quan trọng bên cạnh cổ vũ, tiếp sức, đó là vợ ông – bà Trần Thị Thu Thủy. Diều là một thú chơi. Mà đã chơi thì phải tốn kém, nhất là chơi theo kiểu của ông Vân. Từ ngày vinh danh nghệ nhân, kỷ lục gia, được các địa phương mời làm diều thả vào các dịp lễ hội, ông Vân dường như chẳng còn thời gian để làm gì ngoài… diều. Mỗi đợt đem diều đi thả ở những phương trời xa, ông Vân làm thâm hụt hầu bao của bà Thủy mấy triệu đồng.

Sau mỗi đợt liên hoan, cái ông Vân mang về nhà chỉ là những tấm bằng khen, giấy chứng nhận các giải thưởng. Số tiền thưởng và hỗ trợ chỉ để khao anh em trong CLB và để tiếp tục... làm diều. Nguồn kinh phí vợ nhà cung cấp cho ông thỏa chí đam mê được trích ra từ tiền cho thuê nhà trọ và dịch vụ giặt là ở gia đình.

Bà Thủy cảm thông, chia sẻ với ông, bởi từ tuổi ấu thơ, bà là bạn thả diều của ông. Mối tình lãng mạn của hai người cũng được hình thành từ… diều. Ký ức một thời, buổi chiều hàng ngày hai người gặp nhau, rồi yêu nhau trên đồng diều đến giờ vẫn tươi rói. – “Ổng trói số phận tui vào ổng bằng sợi dây diều của ổng” – Bà Thủy cười sảng khoái khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm thời trẻ của hai ông bà. Ông Vân kể:

- Có bận tui hẹn đưa bả đi coi xi- nê. Tui mải mê thả diều, trời sáng trăng nên quên mất. Mãi đến đêm mới sực nhớ ra, chạy vội về tìm bả thì đã thấy bả đạp xe mang diều ra đồng. Thế là hai đứa thả diều tâm tình trên đồng tới tận khuya…

Ngày ông Vân chuẩn bị mang diều đi tham dự Liên hoan “Những cánh bay Việt Nam”, suốt ngày bà Thủy sát cánh cùng chồng trên đồng diều. Rồi bà theo ông ra tận Huế giúp ông nối từng sợi dây, khâu từng mảnh vải, lo lắng cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ. Sự tận tâm của bà đã khiến Ban tổ chức liên hoan cảm phục. Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức tặng bà một giải thưởng độc đáo: cho người đã hỗ trợ đắc lực nghệ nhân, góp phần xuất sắc vào thành công của liên hoan.

Mỗi lần ông đưa ra ý tưởng về mẫu mã, hình dáng, màu sắc…, bà là người thẩm định đầu tiên. Bao giờ cũng vậy, khi cả hai người đã đồng nhất quan điểm, ông Vân mới bắt tay vào làm. Mỗi khi thả thử nghiệm mẫu diều mới, bà Thủy sánh đôi cùng ông tung tăng trên đồng diều, y như thời còn son trẻ. Bà Thủy nói:

- Từ ngày ổng mang diều đi liên hoan khắp nơi, tui tốn đến mấy chục triệu lận. Được cái là nhờ diều mà ổng khỏe lắm. Coi nhỏ con vậy chớ ổng chẳng bệnh tật chi hết. Chơi diều nên cả ổng và tui đều thư thái tâm hồn, nên tốn bao nhiêu tui cũng chấp nhận.

Đến nay, CLB của ông Vân là CLB Diều duy nhất và ông là nghệ nhân diều đầu tiên ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Lo sợ một mai lớp trẻ đô thị không còn biết diều là gì nên hiện nay, vào những ngày, những mùa lặng gió, nhà “Diều học” tập trung vào viết sách. Ông đang thực hiện một cuốn giáo trình chuyên về diều, dày gần 200 trang, sắp ra mắt bạn đọc.

Theo ông Vân, cho đến nay chưa có một tài liệu nào viết về kỹ thuật làm diều, chơi diều và những tác dụng đến đời sống từ diều. Những điều ông viết tích lũy từ kinh nghiệm và niềm đam mê của bản thân, như một thứ cẩm nang dành cho lớp trẻ: “Cần phải nâng tầm diều từ thú chơi dân gian lên thành một bộ môn thể thao, nghệ thuật rộng rãi trong công chúng”. 

PHAN TÙNG SƠN

Tin cùng chuyên mục