Nhà đầu tư khổ vì giấy phép “con”

Trong khi Sở Kế hoạch-Đầu tư cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư làm đầu mối liên thông cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, cấp mã số thuế và con dấu chỉ trong 7 ngày, nhà đầu tư lại khổ vì… giấy phép con. Nếu Sở Kế hoạch-Đầu tư “gom” 3 sở - ngành vào 1 cửa thì khi xin giấy phép “con” ở một sở khác lại “đòi” theo kiểu: một cửa nhưng phải qua rất nhiều sở-ngành. Và nhà đầu tư thường gặp “chướng ngại vật” vì những quy định kỳ quặc.
Nhà đầu tư khổ vì giấy phép “con”

Trong khi Sở Kế hoạch-Đầu tư cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư làm đầu mối liên thông cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, cấp mã số thuế và con dấu chỉ trong 7 ngày, nhà đầu tư lại khổ vì… giấy phép con. Nếu Sở Kế hoạch-Đầu tư “gom” 3 sở - ngành vào 1 cửa thì khi xin giấy phép “con” ở một sở khác lại “đòi” theo kiểu: một cửa nhưng phải qua rất nhiều sở-ngành. Và nhà đầu tư thường gặp “chướng ngại vật” vì những quy định kỳ quặc.

  • Giấy phép “mẹ” 1 tuần, giấy phép “con”... vô hạn!

Anh Nguyễn Văn Thịnh cho biết chưa bao giờ thành lập doanh nghiệp dễ như thế, chỉ cần có chứng minh nhân dân, lên mạng tải các biểu mẫu điền vô nộp, trong 7 ngày sẽ có giấy phép kinh doanh, có luôn con dấu và mã số thuế. Và như thế, có thể mua cả cuốn hóa đơn.

Thế nhưng, tưởng đã có quyền kinh doanh hợp pháp, nào ngờ, anh muốn mở nhà hàng, phải làm tiếp hàng loạt giấy tờ khác nữa – những giấy phép “con”!

Trước hết, xin giấy chứng nhận đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. Không chỉ phải lắp đặt các trang thiết bị về phòng cháy chữa cháy, đơn vị kinh doanh phải đo vẽ và có sơ đồ nhà hàng nộp cho đơn vị phòng cháy chữa cháy. Để có hồ sơ đo vẽ lại phải nhờ kỹ sư. Tiếp đến là xin giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lại phải đi học và chờ đến 3 tuần mới có. Kinh doanh nhà hàng thì phải bán rượu, để được bán rượu lại phải làm hồ sơ “xin” tiếp. Hồ sơ kinh doanh rượu lại tiếp tục đòi nhiều loại giấy tờ khác nữa. Đó là chưa kể phải qua phường đăng ký lao động, đưa nhân viên đi tập huấn phòng cháy chữa cháy…

Nói chung, muốn kinh doanh hợp pháp phải đóng cửa chờ… thủ tục ít nhất vài tháng. Vì mỗi nơi đòi hỏi mỗi loại giấy tờ, cứ thế theo đuổi đến khi hoàn thành thủ tục thì thời hạn bao lâu không kể hết. Khổ nỗi, trong thời gian đó doanh nghiệp phải trả tiền mặt bằng, trả lương nhân viên.

Một số giấy phép con gây khó khăn cho doanh nghiệp. (Trong ảnh: Đại diện doanh nghiệp hỏi nhân viên Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cách làm hồ sơ). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một số giấy phép con gây khó khăn cho doanh nghiệp. (Trong ảnh: Đại diện doanh nghiệp hỏi nhân viên Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cách làm hồ sơ). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Anh Thịnh bức xúc nói: Với thủ tục như vậy, thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn thì dễ, chứ để kinh doanh thực tế lại khó. Trong khi kinh doanh thực tế mới mang lại giá trị gia tăng thật cho nền kinh tế thì thủ tục khiến cho doanh nghiệp khổ sở…

  • Bở hơi tai vì... thủ tục

Trường hợp của anh Nguyễn Huy Hoàng còn khốn khổ hơn. Xin được giấy phép thành lập doanh nghiệp xong, anh mở cửa hàng kinh doanh rượu. Hồ sơ xin giấy phép bán rượu đòi hỏi phải có hợp đồng thuê mặt bằng. Thế là anh phải ký kết hợp đồng thuê mặt bằng trước.

Trong hồ sơ xin giấy phép “con”, Thông tư 10 của Bộ Công thương lại đòi hỏi thêm nhiều loại giấy tờ “cháu”, “chắt” nữa, khó khăn hơn nhiều so với quy định trước đây. Chẳng hạn, chỉ một câu yêu cầu của hồ sơ xin cấp giấy kinh doanh rượu phải có “các tài liệu liên quan đến an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật” đã khiến doanh nghiệp chạy bở hơi tai.

Chẳng biết thế nào là “tài liệu theo quy định của pháp luật”, anh lại phải đến tận từng sở, ngành để nghe hướng dẫn. Đến cơ quan phòng cháy chữa cháy để hỏi thủ tục thì lại phải chờ xuống kiểm tra, xác nhận. Đến vệ sinh an toàn thực phẩm mới biết phải xin nhà sản xuất bản chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của từng sản phẩm rượu. Nhưng, đến thủ tục bảo vệ môi trường phải về Phòng Tài nguyên-Môi trường quận nơi có địa điểm kinh doanh xác nhận. Anh quay về UBND quận 10, cán bộ tiếp nhận hồ sơ trả lời đã ngưng tiếp nhận hồ sơ. Anh tá hỏa, nhà đã thuê, tiền phải trả hàng tháng, theo đuổi giấy tờ mấy tháng trời, giờ quận ngưng cấp một giấy, coi như… phá sản cả dự án. Hoảng hồn, anh nhờ can thiệp đủ kiểu, cuối cùng mới phát hiện ra, việc ngưng cấp đề án bảo vệ môi trường này là ngưng đối với những cơ sở đã sản xuất, kinh doanh. Còn đối với dự án mới vẫn cấp bình thường!

Anh Hoàng nói: “Không ngờ đi làm thủ tục hành chính mà hồi hộp, đầy kịch tính như thế!”. Chưa xong, để được cấp giấy cam kết bảo vệ môi trường đối với cửa hàng kinh doanh buôn bán rượu, hồ sơ lại đòi phải có phương án… xử lý chất thải. Anh nghe muốn phát choáng vì cửa hàng chỉ có 5x7m, rượu mua nguyên chai, bán nguyên chai, toilet phải đi nhờ nhà chủ, đâu sản xuất rượu mà có phương án xử lý chất thải. Thế nhưng, anh phải làm đủ yêu cầu, mới được cấp giấy chứng nhận cam kết bảo vệ môi trường.

Đâu chỉ có thế, xong được các giấy tờ “cháu”, “chắt”, thủ tục đòi doanh nghiệp nộp cả bản hợp đồng cung cấp rượu của đối tác và phải làm phương án kinh doanh rượu, có tên khách hàng, phương thức quản lý… Chẳng biết những giấy tờ này để làm gì, nhưng rõ ràng, nó đã khiến doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, tốn thời gian bổ sung thêm, bớt, vì chẳng có biểu mẫu nào làm chuẩn cả.

Các ngành cần rà soát các quy trình thủ tục, bãi bỏ những giấy tờ không cần thiết. Đó mới là cách tạo điều kiện, khuyến khích tốt nhất cho phát triển sản xuất kinh doanh, không nên để hồ sơ thủ tục làm khổ doanh nghiệp

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục