Nhà giáo về hưu viết chuyện tình

Là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn TPHCM, cùng với Lý Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Thanh Nguyên…, nhà văn Lưu Thị Lương được biết đến là thế hệ nhà văn nữ nổi bật của TPHCM từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Sau khi đã hoàn thành chức phận một nhà giáo, vào năm 2011, nhà văn Lưu Thị Lương chọn cho mình cuộc sống lặng lẽ, dành trọn tâm tưởng cho việc viết văn. 
Nhà giáo về hưu viết chuyện tình

1. Tác phẩm vừa ra mắt mới đây của nhà văn Lưu Thị Lương là tập truyện ngắn Một chuyện tình nhỏ xíu do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành. 34 truyện ngắn cũng là 34 chuyện tình, mỗi câu chuyện lại mang một sắc thái, hoàn cảnh khác nhau. Hầu như truyện ngắn nào cũng được viết theo một cách dung dị, mộc mạc, có cảm giác như bà không gặp khó khăn gì trong việc viết. Có lẽ, đây cũng là lý do để những tác phẩm của nhà văn Lưu Thị Lương neo lại trong tâm trí người đọc, từ thuở của Nửa mối tình đầu, Lương Hoa… và giờ đây là Một chuyện tình nhỏ xíu. 

Nhà văn Lưu Thị Lương nói rằng, bà lựa chọn cách viết giản dị như vậy ngay từ khi bắt đầu cầm bút, đến tận sau này, bà vẫn cho rằng đó là hướng hay và phù hợp nhất với mình. “Đi theo hướng đó, một mặt không đụng tới ai, nhưng quan trọng hơn là cũng không bắt buộc mình phải phát biểu gì cao siêu, việc này tôi không biết làm. Đơn giản chỉ vì tôi thấy những chuyện như vậy trong cuộc sống mà nếu không để ý sẽ không thấy đâu, nên tôi muốn viết lại để mọi người cũng biết”, nhà văn Lưu Thị Lương tâm sự. 

Theo chia sẻ của nhà văn Lưu Thị Lương, toàn bộ truyện ngắn trong Một chuyện tình nhỏ xíu đều được bà sáng tác trong quãng thời gian về hưu, theo “đơn đặt hàng” từ nhà thơ Đoàn Vị Thượng, khi ấy đang phụ trách nội dung một tờ báo. Ngoài giữ mục “Chuyện tình tự kể”, nhà văn Lưu Thị Lương còn giữ thêm 4 mục nữa của báo. Và tập truyện vừa ra mắt chính là thành quả cho mấy năm trời miệt mài bên trang viết như vậy. 

Có lẽ, những ai đã từng tiếp xúc với nhà văn Lưu Thị Lương, dẫu đã lâu năm hay chỉ lần đầu tiên gặp mặt, cũng mau chóng xác quyết một điều: Đó là một người vô cùng hiền lành. Câu nói “văn là người” có thể không còn đúng với một số người, nhưng với trường hợp của nhà văn Lưu Thị Lương, đó vẫn còn như một chân lý. Bà nói, văn của bà giản dị và hết sức bình thường, có thể người ta đọc xong sẽ quên, không còn ấn tượng gì nhiều. Nhưng có một điều mà bà biết chắc, đó là không khiến người ta phải khó chịu, đau khổ. “Tôi không muốn viết cái gì khiến độc giả đọc xong phải nặng lòng mà muốn họ cảm thấy dễ chịu, cảm thấy cuộc sống là như vậy, vẫn có niềm vui, vẫn thấy sống được. Tôi muốn viết cái gì đó vui, nỗi buồn nếu có thì cũng rất nhẹ nhàng, người ta đọc xong và cũng dễ dàng vượt qua được”, nhà văn Lưu Thị Lương giãi bày.

2. Nhưng nhà văn Lưu Thị Lương không chỉ viết những chuyện tình, mà bà còn là tác giả của nhiều tập sách dành cho thiếu nhi, đủ mọi lứa tuổi. Các tác phẩm của bà luôn luôn trong sáng, dí dỏm. Vì vậy, không chỉ các em mà cả phụ huynh đều yêu thích như: Bí mật ở trên gác, Xóm đồ chơi, Cái vỏ ốc xa quê, Bất ngờ lia lịa, Hội những người không thích hội, Ngôi trường không nổi tiếng… 

Nhà văn Lưu Thị Lương kể, hồi mới bắt đầu viết văn, có người gợi ý bà viết truyện thiếu nhi, nhưng bà không viết được, vì lúc đó bà không có vốn sống về thiếu nhi. Về sau, trong nhà có cháu nhỏ, được quan sát cách một đứa trẻ khóc, cười, rồi lớn lên nên dần dần bà lại viết được. Cũng từ lúc đó, bà bắt đầu để ý đến các em nhỏ nhiều hơn, đặc biệt là sau khi trở thành cô giáo dạy văn thì cơ hội để bà được tiếp xúc với các em nhiều hơn. Từ đó mà việc viết cho thiếu nhi của bà trở nên dễ dàng và năng suất hơn. “Sau này tôi mới nghiệm ra viết truyện thiếu nhi khó lắm. Khó ở chỗ là mình không đặt được tâm trạng của mình vào, mình nói sợ nói xạo, không có căn cứ, không đúng thì sao”, nhà văn Lưu Thị Lương đúc kết. 

Nhà văn Lưu Thị Lương thổ lộ, hồi đi dạy, bà được học trò yêu mến rất nhiều. Bởi một lẽ, bà là người gần gũi, có thể nói chuyện được với các em, không lên gân, chịu khó lắng nghe các em nói, chịu khó đi chơi cùng các em. Nhờ đó mà những tác phẩm dành cho thiếu nhi của bà bao giờ cũng có nét riêng và quan trọng nhất là chinh phục được những độc giả nhí khó tính. 

3. Vì học trò là nguồn vui lớn trong những tháng năm dạy học, vậy nên khi về hưu, điều khiến nhà văn Lưu Thị Lương không khỏi bâng khuâng chính là phải xa học trò - những đối tượng để bà viết. “Từ khi nghỉ hưu, không còn được gặp học trò thì tôi cũng không còn viết về lứa tuổi học trò được nữa. Tôi không viết được khi không còn cảm nhận được không khí của trường lớp, hoàn toàn không biết bây giờ học trò nói gì, nghĩ gì, yêu đương thế nào, ăn gì…”, nhà văn Lưu Thị Lương tiếc rẻ. 

Chuyến về hưu của nhà giáo Lưu Thị Lương diễn ra trong sự nhẹ nhàng, bởi bà biết rằng, cuộc đời ai cũng phải ngả về phía hoàng hôn, việc về hưu không sớm thì muộn rồi cũng sẽ đến. Bà nói, cuộc sống về hưu không có gì thay đổi, chỉ có điều, hồi trước đi dạy không có thời gian đi chợ, còn bây giờ ngày nào bà cũng được xách giỏ đi chợ. Cảm giác được tận tay sờ vào mớ rau, mớ cá hãy còn tươi rói, hay lắng nghe những tiếng bán mua râm ran cả một góc chợ, đơn giản vậy thôi mà vui! Chỉ những người không có việc gì để làm mới buồn, riêng bà thì vẫn còn những trang viết đang chờ.

Nhà văn Lưu Thị Lương hiện đang sống cùng người cháu trong một căn nhà nhỏ ở quận 10. Là tác giả của rất nhiều câu chuyện tình, nhưng cuộc đời bà lại không may mắn trong chuyện tình duyên. Bà bảo, lúc còn trẻ bà cũng đôi lần thắc mắc, vì mình xấu xí quá, hay nghèo quá; mình không vừa mắt người ta, mình có tự cao quá không, hay do vụng quá... Nhưng sau tuổi 30, bà đã không còn thắc mắc nữa mà an ổn sống cuộc đời độc thân từ bấy đến nay. “Nếu mình thấy đó là hạnh phúc sẽ là hạnh phúc, còn mình không thấy hạnh phúc thì chỉ có mình đau khổ thôi. Mình cứ vừa lòng với cái gì mình có, đừng có đòi hỏi những gì ngoài khả năng của mình”, nhà văn Lưu Thị Lương trải lòng.

Tin cùng chuyên mục