Nhà mặt phố

“Nhà mặt phố, bố làm to” là thành ngữ chỉ việc kén chồng của nhiều chị em Hà Nội. Nó ra đời vào quãng thập niên 90 thế kỷ trước. Lúc này đất nước đã bỏ chế độ bao cấp. Cửa hàng, cửa hiệu mở ra rợp đất.
Nhà mặt phố

“Nhà mặt phố, bố làm to” là thành ngữ chỉ việc kén chồng của nhiều chị em Hà Nội. Nó ra đời vào quãng thập niên 90 thế kỷ trước. Lúc này đất nước đã bỏ chế độ bao cấp. Cửa hàng, cửa hiệu mở ra rợp đất.

Minh họa: Ngọc Thiện

Trước đấy cửa hàng san sát chỉ tập trung trong khu phố cổ. Thực ra chỉ dọc bốn con phố trên cùng một trục đường: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường và Đồng Xuân. Cũng cùng trục đường ấy quá một chút lên Hàng Giấy đã không còn cảnh cửa hiệu bán buôn liền kề. Phố Hàng Giấy vẫn còn rất nhiều nhà đóng cửa im ỉm. Những ngôi nhà ấy chỉ dùng cho một việc duy nhất là để ở. Cùng thời gian này, những ông bố thực sự “làm to” cũng không mấy người ở nhà mặt phố. Họ ở trong các biệt thự thời Pháp còn lại. Người Pháp có quy tắc rất nghiêm ngặt cho việc xây biệt thự. Không một ngôi biệt thự nào xây áp sát mặt đường. Tất cả đều phải lùi vào bên trong để chừa một khoảng vườn lớn nhỏ tùy theo diện tích đất. Những biệt thự trên phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng là vườn lớn có cây lưu niên rợp bóng. Những biệt thự nhỏ hơn ở phố Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo kéo dài xuống phố Nguyễn Du ra hồ Thiền Quang chỉ có khoảnh sân con trồng các loại cây thấp làm tiểu cảnh. Lúc này các nhà mặt phố Hàng Đào, Hàng Ngang… tỏ rõ sự thắng thế vì nhà mặt phố do buôn bán nên có thu nhập đều đặn, cao hơn nhiều lần.

Hơn 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội vẫn luôn là nơi bán buôn sầm uất. Kể cả 143 năm triều Nguyễn không dùng Hà Nội làm kinh đô thì nơi đây vẫn là một trung tâm thương mại lớn nhất của cả nước. Đã là nơi mua bán thì không thể bày hàng trong xó xỉnh mà vẫn cứ phải là nhà mặt phố. Và ngày nay, dường như phải cộng thêm vài ngôi nhà mặt phố nữa thì mới đạt chuẩn kén chồng.

Đi khắp một vòng Hà Nội kể cả những quận mới bây giờ rất khó nhìn thấy một ngôi nhà mặt phố mà không mở cửa hàng. May ra thì chỉ thấy một ngôi nhà đóng cửa. Nhưng bên ngoài thể nào cũng có tấm biểu ngữ bằng hai thứ tiếng “House for rent-Nhà cho thuê, gọi số máy 09...”. Phần còn lại của phố phường là biển hiệu chen chúc như nêm. Đến cả những ngôi nhà tập thể cũ gần mặt phố bây giờ cũng cơi nới toàn bộ mặt tiền của căn ở tầng một để mở cửa hàng. Những căn hộ tầng một tập thể ấy ngày xưa thường được phân cho cán bộ cấp thấp giờ có giá gấp ba bốn lần căn hộ tầng trên. Chủ đầu tư nhà chung cư cao cấp bây giờ không dại gì bán căn hộ tầng một để ở. Họ cũng đã nhìn ra thế mạnh của nhà mặt phố.

Cả người thuê nhà mặt phố lẫn chủ nhân của ngôi nhà liền kề đều phô trương hết cỡ hiểu biết cũng như mánh khóe cạnh tranh của mình để trang hoàng cửa hiệu. Những tấm biển hiệu nội dung chỉ là rửa xe máy thôi cũng hoành tráng kéo dài suốt mặt tiền căn nhà hàng chục mét. Người ta phải thêm vào đấy khá nhiều thương hiệu xe máy nổi tiếng. Có những cửa hiệu dùng màu sắc dị biệt phủ kín mặt tiền nhằm lấn át những gì xung quanh. Biển hiệu của cửa hàng đổi bình gas thì sơn đỏ chót, hàng bán đồ thể thao lại sơn đen sì. Lại có những cửa hàng diện tích còn nhỏ hơn cái biển hiệu của mình. Bộ mặt phố phường gần như mất hoàn toàn kiểm soát. Nhưng nghịch lý ở chỗ càng lòe loẹt càng kém giá trị quảng cáo. Để tìm được một cửa hàng mình muốn trong cái mớ hỗn độn thò ra thụt vào sặc sỡ ấy là điều không dễ.

Thành ngữ “Nhà mặt phố, bố làm to” bây giờ cũng ít người dùng. Chỉ còn “nhà mặt phố” hiên ngang vững bền cùng mưa nắng.


Đỗ Phấn

Tin cùng chuyên mục