Những ngày qua, nhiều người trồng lúa, đậu xanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau “méo mặt” trước tình trạng mưa trái mùa, nhiều ruộng lúa đang trong giai đoạn thu hoạch bị đổ ngã khiến cho việc thu hoạch khó khăn, chi phí tăng lên, còn đậu xanh thì mất trắng.
Gặp chúng tôi bên cánh đồng lúa đang thu hoạch, ông Nguyễn Văn Giới (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) than: “Mấy ngày trước mưa trái mùa lớn quá làm hơn 15 công (mỗi công 1.200m²) lúa của tôi sập muốn hết, mướn cắt ai thấy cũng ngán. Vì vậy, tôi phải tăng giá thêm 60.000 đồng/công, họ mới chịu cắt. Lúa bị sập nên thu hoạch cũng khó khăn và hao hụt nhiều”.
Mưa trái mùa đã làm nhiều diện tích lúa đang trong giaai đoạn thu hoạch bị đổ ngã. Ảnh : NGỌC CHÁNH
Năm trước, người trồng đậu xanh ở xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) phấn khởi vì trúng mùa được giá. Vì vậy, vụ đậu xanh năm nay nhiều người tích cực xuống giống và mở rộng diện tích. Tuy nhiên, khi xuống giống thì bị mưa trái mùa nên người trồng đậu xanh bị thiệt hại nặng nề.
Ông Đoàn Chí Tâm, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, nói: “Mưa trái mùa đã làm thiệt hại hai lần xuống giống đậu xanh của người dân trên địa bàn. Trước Tết Nguyên đán, người dân xuống được 140ha đậu xanh thì bị mưa trái mùa làm chết gần hết. Sau Tết Nguyên đán người dân tiếp tục xuống giống lần hai cũng bị mưa trái mùa. Hơn 300ha đậu xanh xuống giống lần hai của bà con xem như bị thất trắng”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tranh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết qua thống kê sơ bộ thì có 3.380ha lúa đang trong giai đoạn chín đến thu hoạch bị đổ ngã do mưa trái mùa. “Lúa bị sập đa phần đang trong giai đoạn chín vì vậy gặp khó trong khâu thu hoạch, giá công cắt sẽ tăng cao hơn. Còn đậu xanh thì sở đã chỉ đạo địa phương vận động người dân ngưng xuống giống. Nguyên nhân là do thời điểm này đã quá trễ vụ, nếu xuống giống sẽ không hiệu quả. Thêm nữa, thời tiết năm nay bất thường, mưa trái mùa có thể tiếp tục xảy ra. Đậu xanh không ưa mưa vì vậy xuống giống đậu xanh tiếp sẽ không hiệu quả. Sở NN-PTNT đang thống kê thiệt hại và tìm biện pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.
Tại Hậu Giang, theo nhiều nông dân tại cánh đồng lúa ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, do mưa, nên năm nay người dân xứ này ăn tết không mấy vui vì luôn nôn nao lo cho mấy công ruộng của gia đình sắp đến ngày thu hoạch. Ngày nào người dân nơi đây cũng đem máy ra rút nước trên đồng cho khô để lúa ở những chỗ bị sập không bị ảnh hưởng nặng thêm, nhất là góp phần giúp cho mặt ruộng khô thoáng, máy vào thu hoạch được dễ dàng. Vậy mà đến ngày cắt, lượng nước trên ruộng vẫn còn khá nhiều.
Cùng cảnh ngộ, anh Lê Văn Tám, ở ấp 4, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, thông tin: “Thấy 4 công ruộng (giống IR 50404) của gia đình trổ oằn bông trong lòng chưa hết mừng thì những trận mưa trái mùa mới đây đã làm sập toàn bộ. Hiện không riêng gì tôi mà cả cánh đồng này ai cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, trừ một số ít hộ làm lúa giống OM 5451 bị sập ít hơn. Dự kiến khoảng 10 ngày nữa thì bà con nơi đây mới cắt lúa, nhưng với tình cảnh này năng suất sẽ giảm là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, điều nông dân lo lắng nhất là đến ngày cắt không biết thương lái có ép giá không”.
Ngoài những hộ canh tác lúa gặp bất lợi với những trận mưa trái mùa thì nhiều hộ dân trồng hoa màu, nhất là dưa hấu cũng đang đối mặt với khó khăn không kém.
Ông Trần Văn Khuynh có 4 công dưa hấu đang trong thời kỳ ra trái ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Bà con trồng dưa hấu bất an với những trận mưa trái mùa thế này. Riêng ruộng dưa của tôi còn khoảng 10 ngày nữa cắt lại càng lo lắng hơn vì dễ bị nứt trái. Do đó, những ngày qua, tôi phải thường xuyên bơm nước cho khô mặt liếp và phun một số loại thuốc dưỡng dây, dưỡng trái”. Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, khuyến cáo: Khi đối mặt với mưa trái mùa, người trồng dưa hấu cố gắng giữ mặt liếp được khô, trong đó đặc biệt lưu ý bà con không được dùng tay đụng vào trái dưa để sửa theo ý của mình. Vì làm như thế, những ngón tay sẽ vô tình làm cho lông tơ trên trái dưa bị rụng và dưa sẽ dễ bị hư hơn.
NGỌC CHÁNH - CAO PHONG