Nhà thơ Văn Thảo Nguyên xưa nay vẫn độc lai độc vãng, nên sự ra đi của ông cũng ngoài tiên liệu của mọi người. Ông mất ngày 4-9-2019 ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương nhưng mấy hôm sau bạn bè mới biết tin để lo hậu sự cho ông. Cô con gái duy nhất của ông đã từ Đức bay về để ở bên cha những ngày cuối.
Nhà thơ Văn Thảo Nguyên sinh ngày 9-9-1930, quê quán ở Chương Mỹ - Hà Tây, nhưng ông lớn lên trong một gia đình nghèo ở bến Sáu Kho - Hải Phòng. Hoàn cảnh khó khăn nên Văn Thảo Nguyên không được đến trường. Năm 17 tuổi, khi vào quân đội, ông mới có cơ hội học chữ. Với nỗ lực không ngừng, Văn Thảo Nguyên đã tự học để có thể cầm bút sáng tác.
Sinh thời, nhà thơ Văn Thảo Nguyên từng bộc bạch: “Tôi làm thơ từ năm 1950, bài đầu tiên được in là Đêm tháng Năm viết về Bác Hồ, khi tôi còn là lính của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320. Tôi viết được nhiều nhất khi làm việc ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Tôi chủ yếu là “một người lính làm nghĩa vụ quân sự” trong văn học, “tập tành các yếu lĩnh cơ bản, làm những nhiệm vụ của một người lính” trong văn giới”.
Khiêm tốn là vậy, nhưng năm 1965, nhà thơ Văn Thảo Nguyên đã đoạt giải cao nhất cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ với bài Đường lên bản Muốn.
Sau một thời gian được đào tạo biên kịch, Văn Thảo Nguyên chuyển sang lĩnh vực điện ảnh và có những thành công nhất định. Năm 1966, kịch bản Lửa rừng của ông được đạo diễn Phạm Văn Khoa đưa lên màn ảnh. Tư cách nhà biên kịch Văn Thảo Nguyên còn được khẳng định qua 2 kịch bản Người không mang súng (đạo diễn Lê Văn Duy) và Còn lại một mình (đạo diễn Hồng Sến).
Cuộc đời Văn Thảo Nguyên có một giai đoạn đáng nhớ, đó là sau khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông xuất ngũ để lên cao nguyên Lâm Viên làm báo.
Năm 1977, nhà thơ Văn Thảo Nguyên là một trong những người khai sinh ra báo Lâm Đồng, giữ vai trò Phó tổng Biên tập. Những ngày lăn lộn ở các vùng kinh tế mới, Văn Thảo Nguyên không chỉ viết tin, viết ký mà còn viết thơ.
Về huyện Đạ Huoai, ông cảm tác: “Trời xanh chi mà xanh xanh thế/Đất lạ đất níu bàn chân/Tôi gặp lại nụ cười của Huế/Giữa Hương Lâm một sáng mùa xuân…”.
Về sau, dù ở tuổi ngoài 80, thỉnh thoảng nhà thơ Văn Thảo Nguyên vẫn lên Đà Lạt để được lặng lẽ ngắm rừng thông, nhẩn nha với sương mù mà hồi tưởng mảng hồi ức khó quên của mình!
Cuộc đời nhà thơ Văn Thảo Nguyên nếm trải không ít bất hạnh. Vợ chồng ông chia tay khi cô con gái Văn Thị Đào Uyên vừa tròn 1 tuổi.
Ông chấp nhận cảnh gà trống nuôi con. Năm 1970, ông gửi con gái lại Hà Nội để ra mặt trận, Văn Thảo Nguyên nhắn nhủ: “Cây súng và con - đôi cánh cuộc đời/Con đi cùng cha trong giông bão/Vẫn hát hoài giữa lửa cháy bom rơi”.
Những năm xuôi ngược làm kinh tế ở Campuchia và Lào, nhà thơ Văn Thảo Nguyên từng có nhiều tài sản trong tay và từng có không ít bóng hồng vây quanh, như chính ông đắm đuối: “Ta lăm-vông trong vòng tay bạn/Bồng bềnh trôi trong mắt em yêu/Ly rượu thơm mềm môi uống cạn/Hồn ta bay như một cánh diều…”.
Thế nhưng, ông vẫn cô đơn và thong dong. Nhà thơ Văn Thảo Nguyên quan niệm tình yêu theo kiểu riêng ông: “Trong tình yêu không có kẻ ăn mày/Anh không ngửa tay xin, em không van lạy/Anh hồn nhiên như một dòng sông chảy/Em vô tư làm cây cỏ hai bờ...”.
Trên hành trình sáng tạo, nhà thơ Văn Thảo Nguyên luôn giữ giọng điệu mềm mại và trữ tình. Ngay thời khói lửa khốc liệt, ông cũng vẫn phô diễn sự lãng mạn: “Đường hành quân ra trận/Gặp con chim sẻ đồng/Một tiếng chim nho nhỏ/Mà bay khắp mênh mông”, nên những giây phút yên bình thường khiến ông không giấu được sự hoan hỉ: “Thị xã mỗi căn nhà ca hát/Chào cô dâu chú rể đi qua/Cô dâu như bãi bờ bát ngát/Hai má hồng phù sa/Chú rể như con tàu đi qua cánh đồng cỏ mật/Chở nụ cười về thơm sân ga”.
Tuy nhiên, nhà thơ Văn Thảo Nguyên cũng là một người suy tư với những ngả nghiêng của lòng người trước thời cuộc. Ông có lần “Nói với trái tim mình” để cảnh tỉnh lương tri “Có thể nào ta đã cách xa/Với mảnh đất từng nuôi ta sống/Giặc vừa tan - vui nhà cao cửa rộng/Ánh điện xanh - quên cả mảnh trăng rừng/Buồn hay vui mà em khóc đấy/Kìa manh áo rách gió lùa…”.
Cuộc đời nhà thơ Văn Thảo Nguyên rong ruổi như số phận cầm tinh Canh Ngọ của ông. Bây giờ, ông đã xuôi tay về miền xa lắc, như một chuyến viễn du khác, vẫn bằng mơ mộng thi sĩ: “Ta đi giữa bao nhiêu màu sắc/Giữa yêu thương của những lứa đôi/Mừng với mỗi cuộc đời hạnh phúc/Chia nỗi buồn với một lẻ loi…”