Nhà thông minh: Thị trường đầy hứa hẹn

Nhà thông minh (smarthome) là ngôi nhà được lắp đặt hệ thống các thiết bị điện tử, thiết bị thông minh có thể điều khiển, kiểm soát được. Hiện nay, để có một ngôi nhà thông minh, có thể bắt đầu từ phòng thông minh tự lắp đặt hay cả ngôi nhà thông minh bằng hệ thống sẵn có. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghệ này còn khá mới mẻ nên khi quyết định mua những thiết bị và ứng dụng smarthome cho ngôi nhà của mình, người dùng cần cẩn trọng và lựa chọn kỹ.

Dễ dàng tự lắp đặt

Với những người tự lắp đặt nhà thông minh, thường chỉ lắp đặt các thiết bị thông minh đơn giản như đèn, quạt, rèm cửa, chi phí chưa đến chục triệu đồng. Anh Hùng, người chuyên bán các phụ kiện điện tử ở quận Tân Bình nói vui: “Nói nhà thông minh cho sang chứ đúng hơn là phòng thông minh, vì chỉ có vài thiết bị được lắp đặt, chủ yếu làm cho vui và tiện dụng, chứ hệ thống smarthome thì không đơn giản như vậy”.

Để lắp đặt một căn phòng thông minh, đầu tiên cần lên sơ đồ mẫu thiết kế theo hiện trạng ngôi nhà, bao nhiêu thiết bị cần lắp đặt ở từng phòng: đèn, tivi, điều hòa, rèm cửa, chuông cửa… Khi đã xác định các thiết bị đặt như thế nào hợp lý thì tiến hành chạy hệ thống dây điện, sẵn sàng cho việc lắp thiết bị. Ở đây, người tự lắp đặt nhà thông minh thường chọn các thiết bị đã được sản xuất sẵn trên thị trường về lắp đặt theo hướng dẫn sử dụng.

Nhà thông minh: Thị trường đầy hứa hẹn ảnh 1 Với máy tính bảng, gia chủ dễ dàng quan sát, điều khiển các thiết bị nhà thông minh

Để tìm thiết bị, thường lên Google gõ các từ khóa sau: “công tắc điện thông minh”, “cảm biến ánh sáng thông minh”, “thiết bị điện thông minh” tìm kiếm sản phẩm phù hợp hay thấy bạn bè lắp đặt thiết bị nào thì mua về lắp đặt theo. Thị trường hiện có rất nhiều hãng cung cấp thiết bị, để đảm bảo an toàn nên chọn các hãng danh tiếng như Scheneider của Pháp, TIS của Mỹ, Bticino của Ý… “Khi đã có thiết bị trên tay, tiến hành lắp đặt nhà thông minh theo hướng dẫn của nhà sản xuất và kết nối với ứng dụng. Đa phần các thiết bị nhà thông minh được điều khiển thông qua smartphone hoặc iPad có kết nối internet”, anh Hùng cho biết thêm: “Nên chọn thiết bị của các hãng danh tiếng cho an toàn, chứ mua loại lạ, rẻ thì nhanh hư và còn lo về bảo mật”.

Cũng thú vui “chơi thiết bị thông minh”, anh Vũ ở quận 5 lại mua loa thông minh của Google với trợ lý ảo Google Assistant kết nối với các hệ thống âm thanh trong nhà, thiết bị nghe nhìn điều khiển bằng giọng nói. Cách “chơi” này hiện rất phổ biến vì dễ dàng lắp đặt, chi phí vài ba triệu đồng, sản phẩm do các tập đoàn như Apple, Google, Amazon, Samsung sản xuất. Ngay FPT Telecom cũng hợp tác cùng Google ra mắt FPT Play Box S, kết hợp giữa TV Box và loa thông minh, người dùng chuyển kênh TV bằng giọng nói và tương tác với trợ lý ảo Google Assistant điều khiển các thiết bị thông minh trong nhà bằng tiếng Việt.

Cuộc đua của các nhà cung cấp

Đối với một số người, nhà thông minh giúp cuộc sống tiện nghi, thoải mái hơn. Nếu muốn bật sáng đèn ở một vị trí nào đó, chủ nhà chỉ cần một vài nút bấm nhanh gọn trên màn hình cảm ứng của thiết bị điều khiển. Hay mỗi ngày, rèm cửa trong nhà được hẹn giờ, đóng và mở một cách tự động. Thông minh hơn, nếu ngày có cuộc hẹn, chủ nhà chỉ cần cài đặt chế độ đón khách, khi khách đến sẽ tự mở cổng cho khách, tự bật đèn, mở máy lạnh phòng khách…

Muốn như vậy, khi xây dựng ngôi nhà cần thiết kế hệ thống nhà thông minh, tư vấn, triển khai ngay từ đầu. Hiện, các công ty tại Việt Nam thừa sức cung cấp cả hệ thống nhà thông minh. Smarthome Bkav đang dẫn đầu phân khúc cao cấp và đây là một trong những mảng phát triển bền vững của tập đoàn. Mức giá từ vài chục triệu đến 200 triệu đồng dành cho smarthome phân khúc phổ thông, từ 500 triệu đồng đến vài tỷ đồng cho hệ thống smarthome toàn diện ở phân khúc cao cấp.

Nhà thông minh: Thị trường đầy hứa hẹn ảnh 2 Với điện thoại di động, chủ nhà có thể điều khiển tất cả thiết bị điện thông minh trong nhà

Thị trường còn có nhà thông minh Lumi, cung cấp sản phẩm công tắc điện cảm ứng, thiết bị điện thông minh và giải pháp nhà thông minh. Hay ACIS - một thương hiệu nhà thông minh Việt Nam được biết đến như một đơn vị startup công nghệ. Ngoài những cái tên kể trên, thị trường nhà thông minh tại Việt Nam còn có sự góp mặt của các sản phẩm thiết bị điện thông minh và giải pháp nhà thông minh giá rẻ đến từ Trung Quốc, chất lượng và giải pháp chưa được đánh giá cao nên người lắp đặt hệ thống nhà thông minh cần lựa chọn kỹ càng.

Nhà thông minh được xây dựng cả hệ thống không chỉ mang đến tiện ích. Với hàng loạt thiết bị thông minh khác được gắn quanh nhà như camera an ninh chống trộm, hệ thống các cảm biến chuyển động, các cảm biến phát hiện và cảnh báo nguy cơ cháy đến điện thoại, thiết bị thông minh... giúp chủ nhà nhận được cảnh báo cần thiết, bảo đảm an toàn đang là một lựa chọn trong đời sống gắn liền với công nghệ số. Quan trọng là người dùng cần lựa chọn kỹ càng để đảm bảo chất lượng và an toàn.

Tin cùng chuyên mục