Vụ thông tin về nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson

Nhà Trắng chối quanh, dân Hàn Quốc thất vọng

Dù Nhà Trắng phủ nhận các thông tin gây hiểu lầm liên quan tới hoạt động của nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson nhưng Washington vẫn vấp phải chỉ trích từ dư luận.

Quân đội Triều Tiên trong một cuộc tập trận. Ảnh: KCNA
Quân đội Triều Tiên trong một cuộc tập trận. Ảnh: KCNA

Cảm thấy bị lừa

Đến nay, các quan chức quân sự vẫn chưa lý giải được vì sao Lầu Năm Góc và các cơ quan khác không nói rõ về vị trí của nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson trong suốt tuần qua. Thậm chí ông Sean Spicer, phát ngôn viên Nhà Trắng còn quanh co: “Chúng tôi trả lời câu hỏi về tín hiệu gì được gửi ra. Tôi không phải người bình luận về thời điểm hành trình của tàu”.

Nhiều người dân Hàn Quốc cảm thấy họ bị lừa dối và thao túng bởi Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của nước mình, theo Washington Post. Tờ báo Hàn Quốc Jong Ang Ilbo dẫn lời chuyên gia quân sự Shin In-Kyun cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã sử dụng nhóm tàu sân bay Carl Vinson như một “đòn lừa” nhằm ngăn Triều Tiên thử hạt nhân. “Quân đội Hàn Quốc sẽ rất lúng túng nếu lên tiếng làm rõ tình hình vì thực tế “đòn lừa” của ông Trump đã có tác dụng. Triều Tiên không thử hạt nhân vào ngày 15-4”, ông Shin nhận xét.

Sau những thông tin bất nhất về hành trình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 19-4 xác nhận, lịch trình của nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đã được điều chỉnh song khẳng định hạm đội này đang trên đường đến bán đảo Triều Tiên. Ông Mattis cho biết, ông là người quyết định thời điểm nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đến bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực hạm đội này sẽ hoạt động. Thiếu tướng Hải quân Jim Kilby, một chỉ huy của hạm đội USS Carl Vinson, cũng thông báo trên tài khoản Facebook rằng kế hoạch triển khai của nhóm tàu sân bay này đã được gia hạn thêm 30 ngày.

Cùng lúc này, một khảo sát của Havard-Harris cho thấy có tới 55% người dân Mỹ phản đối việc không kích vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Bên cạnh đó, 56% người được hỏi cho rằng không nên mạo hiểm tiến hành các cuộc tấn công như vậy vì nguy cơ đáp trả của Bình Nhưỡng.

Căng thẳng khó hạ nhiệt

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 20-4 cho biết, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang cố gắng tổ chức một cuộc gặp giữa các trưởng đoàn đàm phán 6 bên của 3 nước về phi hạt nhân hóa Triều Tiên vào tuần tới ở Tokyo. Các bên dự kiến sẽ thảo luận về phản ứng chung với các hành động khiêu khích liên tiếp của Triều Tiên, giữa lúc có dấu hiệu cho thấy nước này có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6.

Trong khi đó, giới ngoại giao và truyền thông của Triều Tiên lớn tiếng chỉ trích cảnh báo mới đây của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence về việc Bình Nhưỡng không nên thử thách quyết tâm và sức mạnh quân sự của Mỹ. Trang mạng Uriminzokkiri của Triều Tiên ngày 20-4 cho rằng, ông Pence âm mưu tăng cường các biện pháp trừng phạt và gây áp lực chống Triều Tiên “là một sự ảo tưởng về kiềm chế Triều Tiên”.

Tại một cuộc họp báo được triệu tập gấp, Đại sứ - Phó Trưởng đoàn đại diện Triều Tiên tại Liên hiệp quốc Kim In-ryong chỉ trích: “Mỹ đang gây bất ổn hòa bình và ổn định toàn cầu. Nhà ngoại giao Triều Tiên khẳng định: “bất cứ cuộc tấn công bằng tên lửa hay vũ khí hạt nhân từ phía Mỹ (nhằm vào Triều Tiên) đều sẽ bị đáp trả tương xứng”.

Tờ Rodong Sinmun cho biết: “Trong trường hợp đòn tấn công phủ đầu siêu mạnh của chúng tôi được triển khai, nó sẽ xóa sổ hoàn toàn và ngay lập tức không chỉ lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cùng khu vực xung quanh mà còn cả Mỹ và biến chúng thành tro tàn”. Cảnh báo này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thông báo Washington tính đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách các nước tài trợ khủng bố.

Tin cùng chuyên mục