
Sự kiện cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang giam giữ các phần tử tình nghi thuộc mạng lưới khủng bố Al Qaeda tại nhiều trung tâm giam giữ bí mật khắp nơi trên thế giới (được thiết lập sau sự kiện ngày 11-9-2001 tại Mỹ) đang gây nên xì – căng - đan lớn. Thông tin được tiết lộ trên tờ Washington Post ngày 2-11 cho biết người ta vẫn gọi các nhà tù này là các “địa điểm đen”. Chúng được đặt tại 8 nước. Mạng lưới giam giữ này nằm hoàn toàn dưới sự quản lý và điều hành của CIA. Các tổ chức nhân quyền, Liên minh chââu Âu (EU) đã chính thức yêu cầu Mỹ làm rõ vấn đề này.
- CIA có nhà tù bí mật khắp nơi trên thế giới?

Lính Mỹ khiêng tù nhân ở Guantanamo.
Theo Wasington Post, CIA đã bỏ tù hơn 100 kẻ tình nghi tại các “địa điểm đen” này, chưa kể tù nhân bị bắt tại Iraq, trong đó khoảng 30 người bị coi là các phần tử khủng bố chủ chốt, hơn 70 người còn lại được chuyển tới các cơ quan tình báo ở Ai Cập, Jordan, Morocco, Afghanistan và nhiều nước khác.
EU cho rằng sẽ là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nếu có những nhà tù bí mật như vậy trên lãnh thổ EU.
CIA không thừa nhận sự tồn tại của các “địa điểm đen” này. Thái Lan lên tiếng phủ nhận có nhà tù CIA trên lãnh thổ. Ba Lan, Romania- bị tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở tại New York cho là có khả năng chứa chấp nhà tù bí mật - mạnh mẽ phủ nhận. Tuy nhiên, nhiều dấu hỏi được đặt ra từ những tuyến bay bất thường của máy bay CIA qua các nước châu Âu.
- Những chuyến bay bí mật

Lính Mỹ đi tuần ở nhà tù Abu Ghraib, Iraq.
Một số chính phủ châu Âu đã tiến hành điều tra xem liệu các chuyến bay bí mật của CIA có được sử dụng sau vụ tấn công khủng bố tại Mỹ 11-9-2001 để chở những nghi can Hồi giáo tới các nước thứ ba, nơi đó người bị giam có thể bị thẩm vấn ngoài khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Chính phủ Anh đại diện EU đã chính thức yêu cầu Mỹ làm rõ về các chuyến bay này cũng như tin về các nhà tù bí mật của CIA tại các nước Đông Âu. Trong khi đó ngày càng có nhiều thông tin về các chuyến bay này. Báo Anh Guardian đưa tin hơn 300 chuyến bay của CIA đã hạ cánh xuống các sân bay châu Âu, trong đó Anh chiếm số lượng khá lớn.
Báo chí Đức cho biết người ta ghi nhận thời gian qua có khoảng 96 chuyến bay bí mật của CIA trên không phận Đức, chủ yếu xuất phát từ sân bay Frankfurt – Main. Báo Pháp Le Figaro đưa tin 2 máy bay của CIA thuê đã hạ cánh ở Pháp trong 2 năm 2002 và 2005: Chuyến đầu tiên là máy bay tư nhân Leaejet ngày 31-3-2002 đã hạ cánh ở thị trấn Brest trên đường từ Iceland tới Thổ Nhĩ Kỳ, với một chặng dừng được dự kiến ở Roma (Ý). Chiếc thứ hai là máy bay phản lực Gulfstream III đến từ Na Uy hạ cánh gần Paris vào 20-7-2005.
Còn theo tổ chức theo dõi nhân quyền, tư liệu về các chuyến bay quốc tế suốt mùa hè 2003 cho thấy các “địa điểm đen” ở châu Âu là Romania và một số sân bay quân sự cũ ở Đông Bắc Ba Lan. Nhật báo “Đất nước” của Tây Ban Nha cho biết, máy bay của CIA quá cảnh bí mật ít nhất 10 lần trên quần đảo Balearic ngoài khơi Địa Trung Hải (với số hiệu đăng ký của 4 máy bay) từ giữa 22-1-2004 đến 17-1-2005. Một chiếc Boeing 747, đến từ Algiers (Algieria) hạ cánh trên đảo Majorca (thuộc quần đảo Balearic), sau đó hướng đến Macedonia để đưa Khalet El Masri (quốc tịch Đức) đến một nhà tù ở Kabul (Afghanistan) ...
- Điều gì đằng sau những nhà tù bí mật ?
Cộng đồng quốc tế không có được sự giám sát tại các nhà tù bí mật này. Trong khi đó một chuỗi tiết lộ về sự ngược đãi tù nhân tại Afghanistan, nhà tù Au Ghraib tại Iraq và căn cứ Guantanamo, bởi sự ngược đãi tù nhân của binh lính Mỹ đã khiến các chính phủ nước ngoài và các tổ chức nhân quyền đặc biệt lo ngại về hệ thống nhà tù bí mật thiếu sự giám sát này. Báo cáo mới đây của tổ chức Ân xá quốc tế cho biết có 2 tù nhân người Yemen bị giam giữ ở nhà tù bí mật nói họ bị nhốt ở phòng giam dưới đất, bị tra tấn bằng nhạc phương Tây ầm ĩ 24 giờ/ngày trong suốt 1 năm và bị cảnh vệ Mỹ che kín mặt như Ninjas thẩm vấn.
Theo báo chí Mỹ, chính quyền Washington đã bắt giữ hơn 83.000 người nước ngoài trong chiến dịch chống khủng bố từ năm 2001 đến nay. Trong số đó, 82.400 người bị quân đội Mỹ giam giữ tại Afghanistan và Iraq, 700 người tại căn cứ Guantanamo. Phần lớn người bị bắt đã được trả tự do nhưng hiện vẫn còn khoảng 14.500 người bị giam, chủ yếu tại Iraq. Và điều gì xảy ra đàng sau các nhà tù bí mật này? Chưa ai hình dung được cuộc sống của các tù nhân trong các nhà tù này.
Tuy nhiên, chính các nhân viên cơ quan CIA đã tiết lộ chi tiết về một số kỹ thuật thẩm vấn đã được sử dụng tại các nhà tù bí mật của CIA ở châu Á và Đông Âu. Các kỹ thuật như tát, đánh vào bụng, bắt đứng lâu, giam lạnh, trấn nước đã được áp dụng. Để làm cho tù nhân đau đớn nhưng không bị nội thương, nhân viên thẩm vấn đã vỗ vào bụng họ. Tù nhân cũng bị bắt đứng thẳng hơn 40 tiếng khi tay chân đang bị xích hoặc bị lột trần truồng đứng trong xà lim chỉ 10 độ C…
Thông tin về nhà tù bí mật của CIA đã dấy lên làn sóng chỉ trích toàn cầu. Các tổ chức nhân quyền và đặc biệt là EU đã đòi Mỹ làm rõ. Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCormack cho biết, trong cuộc gặp tới đây ở Berlin với Thủ tướng Đức Angela Merlek, Ngoại trưởng Mỹ Condoleeza Rice sẽ sẵn sàng trao đổi về những “câu chuyện trên báo chí” nói về các chuyến bay bí mật của CIA ở châu Âu. Chính phủ Mỹ đang cố gắng tìm cách trả lời EU về vấn đề này trong khuôn khổ có thể được. Dự kiến chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Codoleeza Rice đến một loạt nước Đức, Ukraine, Romania và trụ sở EU tại Bỉ để bàn giải pháp chống khủng bố nhưng cái chính có thể sẽ là giải thích về “xì căng đan CIA”.
LỆ THƯ (Tổng hợp)