Nhà văn Phương Huyền: Khuyến đọc cũng là một phần trách nhiệm của nhà văn

Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, Sở TT-TT TPHCM đã công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025, trong đó có nhà văn Phương Huyền - người có nhiều hoạt động khuyến đọc trong thời gian qua. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện cùng chị.

Nhà văn Phương Huyền giao lưu, chia sẻ và truyền cảm hứng đọc sách cho các em nhỏ
Nhà văn Phương Huyền giao lưu, chia sẻ và truyền cảm hứng đọc sách cho các em nhỏ

PHÓNG VIÊN: Lý do nào để chị nhận lời trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025? Trên cương vị của một đại sứ, chị sẽ có những việc làm cụ thể gì?

Nhà văn PHƯƠNG HUYỀN: Trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM với tôi là một niềm vui, sự vinh dự. Điều đó cũng chứng tỏ nỗ lực viết và lan tỏa việc đọc của tôi trong suốt thời gian qua được ghi nhận. Tôi đã và đang làm khá nhiều hoạt động liên quan đến khuyến đọc, dù ở cương vị nào tôi vẫn sẽ tiếp tục phát huy điều đó. Thời gian tới, tôi sẽ mang chương trình “Trò chuyện với tương lai” đến nhiều trường học, nhiều thư viện quận, huyện hơn nữa để chia sẻ việc đọc cho độc giả mọi lứa tuổi. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, bạn bè, đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhất vai trò Đại sứ Văn hóa đọc.

Trước đây, chị đã có nhiều hoạt động và dự án khuyến đọc đưa về các trường học ở TPHCM cũng như một số tỉnh, thành phố. Lẽ ra, với một tác giả thì công việc chính là ngồi vào bàn và sáng tác chứ?

Ngoài viết văn, tôi còn là một nhà báo - biên tập viên của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH). Công việc làm báo không thể ngồi một chỗ; dự án khuyến đọc ở TPHCM hay đi các tỉnh, thành phố gắn với công việc tôi đang làm. Chương trình “Trò chuyện với tương lai” tôi thực hiện 3 năm qua, phát sóng trên VOH và cũng nhận được phản hồi tích cực. Với tôi, để viết được thì cần những trải nghiệm, những cú chạm để tạo nên cảm xúc. Hiện tại, còn sức thì tôi vẫn cứ đi, để yêu nhiều hơn và viết nhiều hơn.

Sau những chuyến đi như vậy, điều lớn nhất mà chị nhận được là gì?

Tôi rất mê chơi với học trò nên cứ đến với các em là thấy mình lại được nạp đầy năng lượng. Trò chuyện với các em cũng giúp tôi hiểu nhiều hơn về tâm sinh lý lứa tuổi này, những áp lực, những vấn đề mà các em quan tâm. Có lẽ thầy, cô giáo trực tiếp sẽ thấy được rõ nhất các em thay đổi như thế nào, nhưng tôi rất vui khi có những em học trò sau khi nghe chia sẻ về một cuốn sách nào đó, liền hỏi ngay: “Cô ơi mua cuốn sách này ở đâu?”. Hay có những em gặp tôi xong liền nhờ ba mẹ xin danh sách những cuốn sách phù hợp… Có thể, những phản hồi mà tôi nhận trực tiếp chưa nhiều nhưng cũng cho thấy đó là những tín hiệu tích cực.

Theo số liệu mới nhất, dân số của nước ta đạt gần 100 triệu người, trong đó, nhóm tuổi từ 0-14 tuổi chiếm 23,9% (khoảng hơn 20 triệu trẻ em). Tuy nhiên, đa phần sách vẫn đang dừng ở con số 1.000-2.000 cuốn cho mỗi lần in. Chị nghĩ sao về con số này?

Là một tác giả, nhìn số sách mỗi lần xuất bản thật sự khó mà lạc quan được. Mỗi đầu sách chỉ dừng lại số lượng bản in từ 1.000-2.000 cuốn mà bán cũng… ì ạch. Điều đó chứng tỏ còn nhiều người chưa tìm đến sách. Cá nhân tôi cũng chỉ hy vọng sự nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành trong việc khuyến đọc, đưa sách đến bạn đọc sẽ từng bước tạo nên thay đổi.

Hiện có rất nhiều hoạt động, phong trào khuyến đọc diễn ra tại TPHCM nói riêng và trên cả nước nói chung. Tuy nhiên, tỷ lệ đọc sách của nước ta vẫn còn thấp so với một số nước trong khu vực. Chị có thử lý giải nguyên nhân?

Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ “phong trào”. Nếu phong trào thì chỉ diễn ra ở từng thời điểm chứ không phải là câu chuyện thường xuyên, liên tục. Tôi từng nghe một nhân viên thư viện nói: “em làm ở đây chứ em… ít đọc lắm!”. Người làm thư viện không đọc sách, không yêu sách thì làm sao khuyến đọc cho người khác được? Vì vậy, hãy làm sao để phong trào đọc sách đó trở nên thường xuyên, liên tục hơn. Hãy để mỗi người ý thức được việc đọc thực sự đóng vai trò quan trọng thì tỷ lệ đọc mới có thể thay đổi.

Để văn hóa đọc đi vào thực chất, không dừng ở những phong trào, chị có những đề xuất gì?

Nhiều năm đi chia sẻ về sách, tôi tập trung vào đối tượng học sinh, sinh viên. Theo tôi, bây giờ cần nhất là thúc đẩy đối tượng này. Để trẻ có thói quen đọc sách, trước hết phải từ gia đình. Ba mẹ cần quan tâm hơn, đồng hành cùng con. Rõ ràng ba mẹ nào đọc sách, nhà có tủ sách thì con sẽ đọc sách.

Và sự đồng hành quan trọng nữa là từ phía nhà trường. Tôi được biết có những trường giới thiệu những cuốn sách hay trên loa phát thanh vào giờ ra chơi; tổ chức thường xuyên các cuộc thi viết về sách, bài hay sẽ được giới thiệu trong chương trình phát thanh hoặc bản tin. Nhưng để thực chất hơn, thầy; cô giáo có thể tổ chức cho các bạn đọc và thảo luận nhóm. Thư viện cũng cần phải đổi mới, không chỉ cập nhật những đầu sách mới, sách hay mà không gian thư viện cũng thân thiện hơn, số hóa để tra cứu thông tin dễ dàng hơn. Người làm thư viện cũng yêu sách hơn, tạo nhiều sân chơi hơn cho bạn đọc.

Nhà văn Phương Huyền hiện là hội viên Hội Nhà văn TPHCM và Hội Nhà văn Việt Nam. Các tác phẩm đã xuất bản: Khoảng biếc (NXB Kim Đồng, 2003), Nắng trong lòng phố (NXB Kim Đồng, 2005, tái bản 2022), Như những dòng sông trôi (NXB Kim Đồng, 2006), Kẻ hiếu kỳ (NXB Kim Đồng, 2011), Ai rồi cũng chỉ còn lại một mình (Phương Nam và NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2014), Cái tai và cuộc phiêu lưu kỳ thú (Phương Nam và NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2015, tái bản 2024), Không gì là mãi mãi (Phương Nam và NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2016), Những thiên thần của người gác rừng (Phương Nam và NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2018, tái bản 2023), Yêu một chút cũng đâu có sao (NXB Tổng hợp TPHCM, 2022)…

Tin cùng chuyên mục