Trần Minh Hợp vừa tốt nghiệp Trường ĐH An ninh nhân dân TPHCM và được giữ lại trường công tác. Mới 23 tuổi, sau khi được mời tham dự hội nghị Những người viết văn trẻ TPHCM lần thứ 3 và Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, bây giờ Trần Minh Hợp lại trở thành người đầu tiên được trao Giải thưởng Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TPHCM với tập truyện ngắn Cô gái bán ô màu đỏ (tập truyện thứ 2 của anh Có gã trai đạp xe run lẩy bẩy cùng xuất bản năm 2011).
- PV: Những gì anh đạt được là niềm mong ước đối với không ít người viết trẻ. Điều đó có gây áp lực cho anh?
Nhà văn trẻ Trần Minh Hợp: Bản thân tôi rất phấn chấn vì những thành quả tích lũy được. Nhưng thật sự đó là kết quả của cả quá trình rèn luyện và sáng tác mà tôi cố gắng trong nhiều năm. Giải thưởng tạo cho tôi niềm tin và một nụ cười trên con đường văn chương mà mình đang đi. Giải thưởng có gây chút ít áp lực cho tôi. Vì một tác giả nhận được giải nào ấy mà sau đó viết dở đi thì rất dễ làm mất lòng độc giả. Tôi đang cố gắng tìm kiếm những khoảng thời gian “minh mẫn nhất về từ ngữ” để có những sáng tác tốt hơn.
- Theo chủ quan của anh, đâu là ưu thế của tập truyện Cô gái bán ô màu đỏ so với tác phẩm của các bạn văn trẻ khác hiện nay?
Ưu thế của tập truyện Cô gái bán ô màu đỏ là tôi đã không gây nhàm chán cho người đọc, vì đã lồng ghép yếu tố địa lý văn hóa và nghề nghiệp (những yếu tố nhiều người rất thích), không sa vào những sáng tác đặc trưng đô thị (chung cư, văn phòng). Thứ hai là tôi cảm thấy mình đã làm nhẹ nhõm hơn với những đề tài về công an, quân đội vốn rất khô khan trong văn chương.
- Anh đam mê văn chương, lại học ngành an ninh, điều ấy có gì mâu thuẫn? Công việc hiện tại có hỗ trợ và hạn chế gì đối với trang viết của anh?
Tôi thấy không có sự mâu thuẫn. Văn chương thuận lợi hơn các ngành nghệ thuật khác là không cần đào tạo bài bản trong nhà trường và có thể song hành với nghề nghiệp khác. Tôi muốn cuộc sống của mình đa đạng hơn và thoải mái với văn chương hơn, như vậy cũng sẽ bền hơn. Công việc hiện tại cung cấp cho tôi nhiều tư liệu sống, trải nghiệm và không gian khá ổn để viết. Hạn chế ở chỗ là tôi không còn nhiều thời gian cho văn chương.
- Đời sống văn học thật phong phú nhưng cũng khá phức tạp. Chẳng hạn như dư âm về hậu hai kỳ hội nghị người viết văn trẻ vừa rồi. Là người trong cuộc, anh nhận xét ra sao về những ý kiến phản biện trái chiều?
Đời sống văn học phức tạp hơn tôi nghĩ. Nhà văn thường đề cao bản thân hơn định mức cho phép. Những ý kiến sau hai hội nghị mà tôi tham gia, tôi thấy có những ý kiến khá hay, những ý kiến khá… dở. Dẫu biết, ngoài tác phẩm thì người sáng tác cũng cần được vinh danh nhưng đưa ra những ý kiến mang tính đề cao cá nhân quá sẽ gây ra tác dụng ngược.
- Kinh tế thị trường, theo anh có ảnh hưởng nhiều đến sáng tác văn học?
Nghề văn cũng là một ngành nghề, phải thích ứng và thay đổi theo sự vận hành ngày càng nhanh của nền kinh tế thị trường. Tác phẩm của người viết cũng phải phản ánh được đời sống đương đại và phải có người mua, đọc. Nhà văn cũng phải kiếm ra tiền từ nghề văn. Cơm áo chẳng đứng ngoài cuộc sống với ai cả. Tôi thấy tư duy kinh tế thị trường có ảnh hưởng đến những sáng tác văn học. Đôi khi chỉ vì lý do nhuận bút, bán sách mà các sáng tác có thể viết vội hơn, kéo dài dung lượng chữ, để dành cảm xúc… Và sự bình thản trong sáng tác cũng dần mất đi. Còn đời sống TP cũng tạo ra nhiều cảm hứng cho tôi. Tôi sống, làm việc ở ngoại thành nên những gì tôi cảm nhận từ TP là đời sống ngoài cao ốc, gần gũi với những người nghèo và bất hạnh hơn là những giá trị đô thị. Điều này cũng giúp tôi thấy sáng tác của mình không nhàm chán.
- Tâm sự của anh làm tôi nhớ lúc sinh thời, nhà văn Sơn Nam thường nói rằng, nhà văn phải đứng về phía người nghèo thì con đường văn chương mới bền bỉ. Dự định sáng tác của anh trong thời gian tới?
Tôi tiếp tục tạo hứng thú và viết truyện ngắn, cộng tác với trang văn học của các tờ báo. Dạo này tôi cũng đang tìm kiếm những hiện tượng xã hội thú vị để viết tạp bút. Viết tạp bút khiến tôi dễ giải tỏa và thấy mình nghiêm túc trong văn chương nhiều hơn. Tôi cũng hy vọng mình sẽ có nhiều độc giả hơn.
Hùng Phan thực hiện