Nhận diện, nghiêm trị hành vi bạo lực gia đình đối với một số nhóm đối tượng đặc thù

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung các quy định để có thể nhận diện các hành vi bạo lực gia đình mới phát sinh, hành vi bạo lực gia đình đối với một số nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người khuyết tật và bổ sung các quy định phù hợp với nhóm đối tượng này.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 16-4, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung các quy định để có thể nhận diện các hành vi bạo lực gia đình mới phát sinh, hành vi bạo lực gia đình đối với một số nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người khuyết tật và bổ sung các quy định phù hợp với nhóm đối tượng này trong các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình cũng như các biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.

“Dự án luật đã có một số quy định mang tính nhạy cảm giới về bảo vệ phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ và một số đối tượng đặc thù. Tuy nhiên vẫn còn ít và chủ yếu tập trung vào một số quy định về biện pháp xử lý và ngăn chặn bạo lực gia đình nói chung và chưa thể hiện rõ những khác biệt, đặc trưng quan trọng liên quan đến phụ nữ và vấn đề bạo lực gia đình”, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhận định.

Nhận diện, nghiêm trị hành vi bạo lực gia đình đối với một số nhóm đối tượng đặc thù ảnh 1 Quang cảnh phiên họp chiều 16-4. Ảnh: QUANG PHÚC

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, dự án luật bổ sung đối tượng áp dụng là người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Thường trực Ủy ban Xã hội đồng tình và cho rằng, việc bổ sung đối tượng áp dụng như dự án luật là bảo đảm phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người. Tuy nhiên, hồ sơ dự án luật thiếu nội dung thuyết minh về việc bổ sung đối tượng này.

Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam nếu có hành vi bạo lực gia đình có thể bị xử lý hình sự hoặc hành chính. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, biện pháp xử lý vi phạm trong phòng chống bạo lực gia đình mà chưa đến mức bị xử lý hành chính hoặc hình sự được quy định trong dự án luật đều có những khó khăn nhất định khi áp dụng đối với người nước ngoài do sự khác biệt về văn hóa, lối sống, rào cản về ngôn ngữ mà các quy định cụ thể của dự án luật chưa dự liệu đầy đủ.

Cơ quan soạn thảo cần cung cấp thêm thông tin, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn làm căn cứ để bổ sung đối tượng này; đồng thời cụ thể hóa các quy định để có thể áp dụng cho người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục