Theo báo cáo mới nhất về thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam trên website chuyên về việc làm VietnamWorks, trong nửa đầu năm 2016, số việc làm CNTT cả phần mềm và phần cứng chỉ tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2015. Phải chăng lĩnh vực CNTT đã hết sức thu hút?
Báo cáo của VietnamWorks cho biết, qua phân tích số liệu về số lượng việc làm ngành CNTT từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường tuyển dụng ngành CNTT đang có xu hướng chậm lại. Cùng với việc đưa ra tỷ lệ tăng trưởng về số lượng việc làm CNTT chỉ 6%, VietnamWorks cũng cho hay, tính riêng 2 lĩnh vực phần cứng và phầm mềm, trong nửa đầu năm 2016, số lượng việc làm về phần mềm tăng 14% và việc làm thuộc phần cứng tăng 6%. Nếu so sánh với số liệu nhu cầu nhân lực giai đoạn 2012 - 2015, khi số lượng công việc ngành CNTT tăng trung bình 47% mỗi năm thì hiện tại mức tăng này chỉ là 33%.
Cũng theo VietnamWorks, trong khi nhu cầu nhân lực ngành CNTT đang có xu hướng tăng chậm, thì nguồn cung nhân lực ngành CNTT tại Việt Nam tăng ngày càng nhanh (tăng đến 40% so với năm ngoái). Thống kê của VietnamWorks 6 tháng cuối 2015 ghi nhận số lượng nhân lực CNTT đạt mức tăng 63% so với 6 tháng đầu năm. Dự báo nửa cuối 2016 thị trường nhân lực CNTT sẽ sôi động trở lại.
UBND quận Tân Bình ứng dụng CNTT để giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: CAO THĂNG
Mới đây, Chủ tịch Công ty FPT Trương Gia Bình cho rằng, một vấn đề “bức bối” của các doanh nghiệp Việt Nam khi phát triển cũng như thực hiện “toàn cầu hóa” là nhân lực CNTT hiện đang thiếu cả về chất và lượng.
Theo ông Bình, các trường ĐH, CĐ Việt Nam cần phải đào tạo được nhiều hơn, chất lượng hơn nguồn nhân lực CNTT trong thời gian tới. Năm nay FPT đã tuyển gần hết nguồn nhân lực có thể làm được việc của các trường ĐH.
Báo cáo mới nhất của Bộ TT-TT cho thấy, tổng số lao động trong ngành CNTT hiện nay ước tính trên 600.000 lao động, trong đó lĩnh vực phần cứng chiếm trên 50% số lượng lao động toàn ngành. Cũng theo nhận định của của Bộ TT-TT, thị trường CNTT đang thiếu nhân lực cả về số lượng và chất lượng; nhiều doanh nghiệp CNTT do không có đủ nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu đã phải xây dựng phương án đào tạo nhân lực riêng.
Theo Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), trong 5 năm từ 2011 - 2015, nhân lực CNTT Việt Nam ngày càng tăng về số lượng và nâng cao hơn về chất lượng. Tuy nhiên, VINASA cho rằng, một trong những hạn chế lớn, đã và đang cản trở sự phát triển của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam chính là sự thiếu hụt nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng.
Cụ thể, dự tính nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 400.000 người, trong khi toàn bộ hệ thống 290 trường ĐH, CĐ và khoảng 150 cơ sở đào tạo về CNTT trên cả nước hiện chỉ có khả năng cung ứng khoảng 250.000 người.
Cùng với đó, chất lượng kiến thức, kỹ năng chuyên môn và trình độ ngoại ngữ của sinh viên mới ra trường rất hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải mất 3-6 tháng để đào tạo nhân viên mới trước khi chính thức làm việc.
Chính sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đã dẫn đến tình trạng tranh giành nhân lực giữa các doanh nghiệp, tỷ lệ người lao động nhảy việc ngày càng cao, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời làm tăng giá nhân công lao động, giảm năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của ngành với các nhà đầu tư.
Mặt khác, do chất lượng nguồn nhân lực CNTT không đáp ứng nhu cầu khi tiến hành tuyển dụng rộng rãi ở ngoài, nên nhiều doanh nghiệp CNTT lớn như FPT, Viettel,... tự hình thành các trường, trung tâm đào tạo nhân lực CNTT theo nhu cầu của mình. Điều đó lý giải vì sao nguồn cung lớn, nhưng nhu cầu tuyển dụng thực sự thì lại không tăng cao.
TRẦN LƯU