Nghiêm trọng nhất là tại tỉnh Hà Tĩnh, với hàng trăm điểm cháy ở 7 huyện và số người được huy động cứu rừng lên tới 15.000. Thủ tướng cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương phải chủ động phòng ngừa cháy rừng, không để tái diễn.
Lúc này nhiều câu hỏi được đặt ra cho công tác PCCC rừng, ngoài nguyên nhân do thiên tai là thời tiết nắng nóng thì còn nguyên nhân nào khác không, khi mà thống kê cho thấy nhiều vụ cháy xuất phát từ việc người dân cố tình hoặc bất cẩn mang nguồn gây cháy vào rừng.
Chủ yếu vẫn là tình trạng đốt rừng làm nương rẫy ở miền núi và đốt rơm rạ ở đồng bằng, đốt quang thực bì để thu nhặt kim loại, đốt dọn ven đường xe lửa, đốt rác trong vườn cạnh khu rừng trồng, hun khói để lấy mật ong...
Nhiều diện tích rừng trồng không được chăm sóc kịp thời để giảm thiểu nguồn vật liệu cháy, nên về mùa khô chỉ cần gặp tàn thuốc lá là bốc cháy.
Dù đã đưa ra nhiều cảnh báo cũng như cấm người dân đốt thực bì nhưng trên thực tế vẫn liên tục có người vi phạm. Điều này đòi hỏi việc tuyên truyền của các cơ quan chức năng phải làm thường xuyên.
Trong đó, việc quan trọng là phòng chứ không phải là chống, bởi ý thức của người dân có tính chất quyết định. Phải nghiêm cấm và hạn chế tối đa người dân mang nguồn lửa vào rừng, vận động người dân ký cam kết khi dọn nương rẫy không để cháy lan rừng; chủ rừng cam kết phòng chống cháy rừng khi trồng rừng mới; quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra bảo vệ rừng; hoàn thiện về lực lượng, phương tiện hiện đại và đặc biệt là tăng cường về trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân được giao.