Vốn đầu tư từ Nhật Bản được xem là dòng vốn chính, “hình mẫu” cho mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mới đây, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã có 32 giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản với tổng giá trị lên đến 8 tỷ USD được ký kết.
Khảo sát gần đây nhất do JETRO thực hiện cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia đứng vị trí thứ 2, được doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn mở rộng kinh doanh trong tương lai. Việc nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, thương mại sẽ là xu hướng chung trong vài năm tới, do nhiều công ty sản xuất lớn của Nhật Bản đã rót vốn vào Việt Nam ở giai đoạn trước. Trong khi đó, thị trường tiêu dùng trực tiếp tại Việt Nam đang rất hấp dẫn với các công ty dịch vụ và thương mại nước ngoài. Dự kiến, khi Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) được thực thi thì xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và 42% sau 6 năm nữa. Tuy nhiên, theo đánh giá của JETRO, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề công nghiệp phụ trợ chưa có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Do đó, trong thời gian tới các doanh nghiệp trong nước cần hợp tác liên kết với doanh nghiệp FDI nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.