Tăng khả năng tác chiến, phòng thủ
Nhật Bản và Mỹ đang tiến hành một cuộc tập trận trên biển chung kéo dài từ 16 đến 25-11để phô trương thanh thế trước Triều Tiên, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump kết thúc chuyến công du châu Á. Trong một tuyên bố, quân đội Mỹ cho biết, khoảng 14.000 binh sĩ Mỹ cùng tàu sân bay USS Ronald Reagan và các tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường (trong đó có tàu USS Stethem, USS Chafee và USS Mustin) tham gia cuộc diễn tập ở vùng biển xung quanh Okinawa, miền Nam Nhật Bản. Mục đích của cuộc diễn tập hàng năm này nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng phòng thủ và tác chiến giữa các lực lượng Mỹ và Nhật Bản thông qua các chiến dịch huấn luyện trên không và trên biển.
Phát biểu trong cuộc gặp với Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, đang ở thăm Nhật Bản, Thủ tướng Abe nêu rõ, đối mặt với môi trường an ninh ngày càng căng thẳng hiện nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hai nước cần tăng cường hợp tác chặt chẽ nhằm nâng cao hơn nữa khả năng đối phó và ngăn chặn của liên minh Nhật Bản - Mỹ. Đô đốc Harris nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc tập trận hải quân chung gần đây trên biển Nhật Bản, cho rằng hoạt động này là một minh chứng cho sự hợp tác của lực lượng hai nước. Cùng ngày, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, Đô đốc Harris khẳng định, ngoại giao phải là nỗ lực chính trong việc ứng phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, song cần phải có sức mạnh quân sự hậu thuẫn nỗ lực đó.
Mỹ vừa tập trận với sự tham gia của 3 tàu sân bay cùng với Hàn Quốc tại biển Nhật Bản từ ngày 11 đến 14-11 và tiến hành một cuộc tập trận chung với Nhật Bản cũng trên vùng biển này. Các cuộc tập trận trên diễn ra ngay sau các chặng dừng chân tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến công du châu Á, để thảo luận với lãnh đạo các nước về nhiều vấn đề, trong đó chủ yếu là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc khẳng định, cuộc tập trận kéo dài 4 ngày này nhằm mục đích “tăng cường răn đe đối với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa Triều Tiên”. Triều Tiên đã đệ công hàm lên Liên hiệp quốc để lên án các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, coi đây là “tình huống xấu nhất từ trước đến nay” do Mỹ đã triển khai thiết bị chiến tranh hạt nhân ở trạng thái sẵn sàng tấn công.
Sức ép nhiều phía
Phát biểu trên truyền hình sau khi kết thúc chuyến công du châu Á, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Triều Tiên về một chiến dịch quốc tế nhằm gia tăng sức ép tối đa đối với Bình Nhưỡng, trong đó có sự tham gia của Trung Quốc.
Trước đó, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 9-11, Tổng thống Donald Trump tuyên bố tất cả các bên cần chung sức để chấm dứt trang bị vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Chính phủ Triều Tiên, đồng thời cho biết Washington và Bắc Kinh nhất trí không lặp lại các cách tiếp cận thất bại trong quá khứ khi giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình nêu rõ, hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhằm đạt được phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo ông, hai bên cũng tiếp tục tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và cam kết giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán.