Nhiệm vụ bị trì hoãn

Thông tin Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra tại thành phố Glasgow thuộc Scotland (Anh) vào tháng 11 tới sẽ bị hoãn do đại dịch Covid-19 đã làm nảy sinh lo ngại về tương lai của cuộc chiến bảo vệ môi trường.

Theo Chủ tịch COP26 Alok Sharma, đàm phán bị hoãn lại vì các quốc gia cần tập trung ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Theo kế hoạch ban đầu, khoảng 30.000 đại biểu, bao gồm 200 nhà lãnh đạo thế giới, các chuyên gia và các nhà vận động chống biến đổi khí hậu sẽ cùng tham gia hội nghị kéo dài trong 10 ngày, để có các cuộc thảo luận quan trọng nhằm ngăn chặn sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Phản ứng trước tuyên bố trên, một số tổ chức môi trường cho rằng, biến đổi khí hậu cũng là cuộc khủng hoảng toàn cầu. Hoãn hội nghị cũng gần như đồng nghĩa với việc có thêm các cam kết cắt giảm mạnh khí thải trong Hiệp định Paris sẽ bị trì hoãn đến năm sau. Giới khoa học từng nhiều lần yêu cầu lãnh đạo thế giới phải quyết liệt hơn nữa trong giải quyết khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, bất chấp vô số thỏa thuận quốc tế, các chính phủ vẫn chậm chạp trong hành động giảm khí thải.

Một diễn đàn khí hậu trực tuyến thu hút 1.200 người tham gia tại thành phố Oxford (Anh), cũng đã nêu mối đe dọa này thông qua hàng loạt cuộc tranh luận sôi nổi so sánh giữa Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Theo nhận định chung của các đại biểu tham dự diễn đàn, đây vốn là hai vấn đề khác nhau nhưng lại có chung một đặc điểm quan trọng: cả hai đều là khủng hoảng toàn cầu đe dọa mạng sống hàng triệu người. Thế nhưng, chỉ có một cuộc khủng hoảng được nhiều nước quan tâm và giải quyết bằng những hành động quyết liệt. Khủng hoảng khí hậu cũng cần được xem là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Ô nhiễm không khí khiến 7 triệu người chết mỗi năm. Ảnh hưởng của đại dịch mạnh và đột ngột, còn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu chậm hơn nhưng cũng không hề kém khốc liệt. Việc phá hủy rừng để trồng trọt, xây dựng thành phố, khiến các loài động vật hoang dã mất nơi sinh sống làm gia tăng nguy cơ động vật hoang dã tiếp xúc với động vật nuôi ở nhà, với con người, khiến virus dễ dàng bành trướng. Khủng hoảng dịch bệnh cũng là một cuộc khủng hoảng sinh thái.

Cùng chung nhận định trên, nhà sinh thái học Rodolphe Golza, Giám đốc nghiên cứu Viện IRD, nhấn mạnh, khi không gian sinh sống truyền thống của các loài sinh vật hoang dã bị phá hủy, các mầm bệnh được truyền đi khắp nơi khiến virus phát triển theo con đường bất thường. Đây chính là “hiệu ứng lan tỏa”. Năm 2007, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo, các bệnh truyền nhiễm mới đang trở thành một mối đe dọa ngày càng lớn đối với con người trong bối cảnh đô thị hóa gia tăng, kháng thuốc kháng sinh và biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho rằng, cần tách biệt giữa chống dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Theo ông Antonio Guterres, một bên là dịch bệnh và hy vọng sẽ chỉ là tạm thời, với những tác động tạm thời. Còn một bên là biến đổi khí hậu, đã tồn tại trong nhiều năm và sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong nhiều thập kỷ tới. Điều quan trọng là phải chú ý để việc chống dịch không làm mất tập trung vào nhu cầu giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu hay tất cả các vấn đề khác mà thế giới đang phải đối mặt.

Tin cùng chuyên mục