Nhiều địa chỉ nhà đất bỏ hoang, xuống cấp

Các đại biểu HĐND TPHCM tỏ ra xót xa nhiều mặt bằng do Sở Văn hóa - Thể thao quản lý bị bỏ trống lãng phí, không có phương án xử lý. 
Ngày 18-5, báo cáo với đoàn giám sát Hội đồng nhân dân TPHCM về việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP do Sở Văn hóa - Thể thao quản lý, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở cho biết, năm 2017 Thanh tra TP thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại sở, đã yêu cầu chấn chỉnh một số hoạt động khai thác cơ sở vật chất để tổ chức các hoạt động dịch vụ tại đơn vị chưa đúng quy định, một số dịch vụ chưa tổ chức đấu giá.
Trên cơ sở kết luận này, cùng với báo cáo của các đơn vị trực thuộc, mới đây sở đã báo cáo TP, trong đó đã tiến hành kiểm điểm các tổ chức, đơn vị cá nhân có thiếu sót trong công tác quản lý điều hành khai thác cơ sở vật chất, chấm dứt các hoạt động cho thuê chưa đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định hiện hành. 

Về hiện trạng các mặt bằng nhà đất, báo cáo của Sở Văn hóa- Thể thao cho biết đang quản lý 53 địa chỉ nhà đất thuộc 5 khối, gồm 2 khối văn phòng, 18 địa chỉ thuộc khối nghệ thuật và trung tâm tổ chức biểu diễn, 10 địa chỉ thuộc khối văn hóa, 7 địa chỉ thuộc khối bảo tàng, 16 địa chỉ thuộc khối thể thao. Hiện nay nhiều mặt bằng nhà đất được sử dụng làm vốn đối ứng, kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng mới. Cụ thể, mặt bằng tại số 3 Phan Văn Đạt, quận 1 làm nguồn vốn đối ứng thực hiện dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng; rạp Lao Động A-B tại số 651 Trần Hưng Đạo, quận 5, sẽ đầu tư xây dựng dự án khu phức hợp trung tâm văn hóa thiếu nhi đa năng, rạp chiếu phim; rạp Gia Định, số 475 Bạch Đằng làm nguồn vốn đối ứng dự án tại số 618/20 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh; rạp Hướng Dương, số 33 Vạn Tượng, quận 5 đang làm thủ tục bàn giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất tiếp nhận, đề xuất bán đấu giá để đầu tư phát triển cho ngành… Đáng chú ý, một khu đất liên quan đến Vũ “Nhôm” được ông Võ Trọng Nam đề xuất “lấy lại” dành cho công trình công cộng. 

Đó là tại Thư viện khoa học tổng hợp số 69 Lý Tự Trọng, trong khuôn viên có một khu đất trống, ban đầu Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) mượn để làm cơ quan của bộ, sau đó “đấu tranh một hồi mình chịu thua”, TP chấp thuận giao cho Công ty cổ phần Bắc Nam 79 - của Vũ “Nhôm”. TP quy định là không được xây dựng kiên cố, sự việc đang lùm xùm, sở đã đề xuất TP lấy lại khu đất này để làm thư viện cho thiếu nhi.
Nhiều địa chỉ nhà đất bỏ hoang, xuống cấp ảnh 1 Thư viện khoa học tổng hợp số 69 Lý Tự Trọng
Chưa hài lòng với báo cáo của lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao, đại biểu Cao Thanh Bình - Phó Ban kinh tế - Ngân sách nhận xét, một số mặt bằng sở quản lý có một số vấn đề  chưa kịp thời báo cáo UBND TP, tiền cho thuê chưa nộp đúng quy định vào ngân sách, hợp đồng cho thuê đã hết hạn nhưng đơn vị thuê vẫn còn tiếp tục sử dụng.  Đoàn đại biểu đã yêu cầu sở cung cấp hồ sơ của nhiều địa chỉ nhà đất có nghi ngại sử dụng chưa đúng mục đích như địa chỉ số 84 đường Tân Hưng và số 12-18 đường Thuận Kiều, quận 5: toàn bộ diện tích cho Trường tiểu học dân lập Văn Lang thuê từ năm 1996 đến nay, nếu căn cứ vào chức năng thì việc cho thuê như vậy có đúng thẩm quyền hay không; địa chỉ 125 Châu Văn Liêm, quận 5, rạp Thủ Đô, buôn bán xung quanh rạp, từ tầng 2 đến tầng 5 là khách sạn Tân Thủ Đô đồ sộ; Nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ, số 1 Lữ Gia, quận 11, mặt bằng có diện tích cực lớn hơn 4,7ha, có rất nhiều đơn vị đang thuê không đúng mục đích chức năng, giá cho thuê rất thấp… Mặt khác, các đại biểu cũng tỏ ra xót xa nhiều mặt bằng bị bỏ trống lãng phí, không có phương án xử lý như tại địa chỉ 187-189 Trần Hưng Đạo, tức là rạp Lệ Thanh B để trống 30 năm nay, xuống cấp cũ kỹ; địa chỉ 372-374 Trần Phú, quận 5, rạp Nhân Dân xuống cấp nghiêm trọng, rất nhếch nhác, phía trước đang khai thác dịch vụ căn tin và tiền thu không nộp ngân sách.

Tin cùng chuyên mục