Cơ sở mầm non không phép

Nhiều nỗi âu lo...

Nhiều nỗi âu lo...

"Nếu cứ tiếp tục được nuôi dạy như thế này, trong khoảng 15 năm nữa, thành phố sẽ có rất nhiều thanh thiếu niên không đủ trí tuệ sáng tạo và năng lực lao động do hậu quả của việc nuôi dạy kém ở tuổi mẫu giáo”, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm Non (Sở GD-ĐT TPHCM) lên tiếng báo động về chất lượng các cơ sở mầm non không được cấp phép.

  • Giữ trẻ hay… giam trẻ ?

Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, TP hiện có 365 nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) hoạt động không phép, nhiều nhất là ở quận Tân Phú (50 cơ sở), quận 12 (46), quận Gò Vấp (46). Các nơi này hầu hết không đạt yêu cầu tối thiểu về an toàn, ánh sáng, vệ sinh, dinh dưỡng…

Nhiều nỗi âu lo... ảnh 1

Một nhóm trẻ gia đình (Q4) nuôi trẻ trong khung cảnh sinh hoạt gia đình, thiếu an toàn cho trẻ.

Trường Tuổi Hồng (Gò Vấp) nuôi hơn 100 em nhưng chỉ có phòng vệ sinh rộng 2m2, hoặc các cô ở một nhóm trẻ ở quận 12 cho các cháu đi vệ sinh xong đổ ngay trước cửa lớp học… hay các cháu trong nhóm trẻ thuộc phường Trung Mỹ Tây, quận 12 không được mặc quần cả ngày. Chế độ ăn uống ở các nhóm trẻ chỉ đạt 30% yêu cầu với khẩu phần từ 2.500đ – 3.000đ/ngày/cháu, trong khi quy định phải đạt 55% – 60%. Trẻ hầu như không có đồ chơi nên thường đánh nhau, la hét, gây nên tình trạng căng thẳng thần kinh. Giáo viên không được trang bị chuyên môn, không có phương pháp dạy phù hợp, thường dùng các hình thức phạt quỳ gối, đứng trên ghế…

Dù chất lượng nuôi dạy trong các cơ sở nuôi dạy trẻ không phép đang là điều đáng báo động và mức thu học phí từ 100.000 – 150.000 đồng (các trường công lập chỉ từ 80.000 – 100.000 đồng) nhưng vẫn có khá đông phụ huynh gởi con. Có nhiều cơ sở nhận nuôi dạy đến trên 200 trẻ.

Theo phân tích của bà Lê Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, các trường mầm non của thành phố mới chỉ giải quyết được 20% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, còn lại 80% trẻ chưa có chỗ gởi, bao gồm diện con CB-CNV sau thời gian hộ sản (4 tháng), con của những người lao động, dân nhập cư… Trong khi đó, số lượng các trường trong xu hướng xã hội hóa còn ít là nguyên nhân để các NTGĐ không phép phát triển”. Chính quyền địa phương đã từng thông báo trên loa phát thanh về những NTGĐ này nhưng phụ huynh vẫn cứ gửi con vì thế còn hơn để các cháu ở nhà một mình hoặc lang thang”, bà Hồng Liên nói. Chưa kể, có nơi giữ trẻ theo kiểu dịch vụ, giữ trẻ theo giờ (5.000 – 10.000 đồng/giờ).

  • Cần kết hợp nhiều giải pháp

Mạng lưới trường mầm non “trong luồng” quá tải nhưng việc xây thêm các trường mới lại quá chậm. Ở quận 12, từ khi tách quận đến nay chỉ xây thêm 1 trường mầm non trong khi đây là địa bàn có tốc độ tăng dân khá nhanh. Bà Liên nhận định: “Với tốc độ tăng dân số như hiện nay thì dù phát triển đến đâu, các trường mầm non của TP vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu gởi trẻ của người dân. Chính quyền địa phương rất bức xúc nhưng cũng gặp bế tắc!”. Trong khi đó, các cơ sở mầm non ngoài công lập thu học phí khá cao để đủ trang trải các chi phí – điều trở thành rào cản đối với người nghèo.

Được biết, TP đang tích cực xã hội hóa giáo dục mầm non bằng cách bán công từng bước các trường mầm non công lập, dành kinh phí xây dựng trường cho khu vực dân cư nghèo; xây trường mầm non bằng vốn kích cầu, phụ huynh “trả nợ” trong 7 năm sau đó chuyển trường thành bán công. Đó là phương án khả thi để có đủ trường có chất lượng, học phí vừa phải, phù hợp với tinh thần Quyết định 161/QĐ-UB của Thủ tướng CP về chính sách phát triển ngành giáo dục mầm non tại địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Bà Liên cho biết, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ cho NTGĐ hoạt động như mời các chủ NTGĐ tham quan học hỏi nhóm mẫu do ngành giáo dục xây dựng, đề xuất cho các chủ cơ sở vay vốn trang bị cơ sở vật chất… Trước mắt, ở các quận huyện ven, quận mới, TP sẽ xây dựng những trường mầm non có quy mô vừa để đáp ứng yêu cầu gửi trẻ của người dân. Bà Liên cũng đề nghị TP nên có chính sách xã hội hỗ trợ một phần tiền ăn cho những gia đình quá nghèo…

LÂM VY

Tin cùng chuyên mục