Nhiều sân bay ở Đông Nam Á được mở rộng

Trong những năm gần đây, Thái Lan, Việt Nam và các nước láng giềng đang tập trung mở rộng và cả xây mới sân bay. Dự báo, lượng khách hàng không tại 7 quốc gia Đông Nam Á sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Nâng cấp và xây mới

Tại Thái Lan, vào tháng 9, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã cắt băng khai trương một nhà ga vệ tinh mới tại sân bay Suvarnabhumi gần Bangkok. Ông Srettha cho rằng, đây là thời điểm tốt nhất để phục hồi nền kinh tế trong nước, kỳ vọng mở rộng sân bay sẽ góp phần phục hồi ngành du lịch Thái Lan, vốn bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Nhà ga có thể chứa tới 28 máy bay và xử lý 15 triệu hành khách mỗi năm. Sau khi đi vào hoạt động đầy đủ, công suất tổng thể của sân bay sẽ tăng 30%, lên 60 triệu hành khách mỗi năm, giảm bớt tình trạng tắc nghẽn. Sân bay này cũng dự kiến hoàn thành đường băng thứ 3 vào năm 2024.

Ngoài ra, sân bay còn đặt mục tiêu xây dựng nhà ga vệ tinh thứ 2 và một đường băng khác vào năm 2030, đồng thời tăng công suất xử lý số lượng hành khách hàng năm lên 150 triệu hành khách. Chính phủ Thái Lan cũng đang có kế hoạch mở rộng sân bay quốc tế Don Mueang, gần Bangkok và sân bay U-Tapao, nằm ở phía Đông Nam thủ đô Bangkok. Tổng công suất của 3 sân bay sẽ tăng lên 200 triệu hành khách vào năm 2030. Ngoài ra, Thái Lan còn có kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc nối 3 sân bay ở khu vực đô thị Bangkok.

y8b-9883.jpg
Sân bay quốc tế Siem Reap - Angkor mới khai trương vào tháng 10

Tại Campuchia, sân bay quốc tế Siem Reap - Angkor mới khai trương vào tháng 10 là một trong nhiều dự án lớn ở Đông Nam Á. Công trình phát triển sân bay bắt đầu vào tháng 3-2020 và cần vốn đầu tư ước tính hơn 1 tỷ USD. Sân bay trang bị đường băng dài 3.600m, bước đầu có thể đón tới 7 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Campuchia sẽ mở một sân bay quốc tế mới gần Phnom Penh vào năm 2025, với tổng vốn đầu tư xây dựng là 1,5 tỷ USD. Ban đầu, sân bay có thể đón 13 triệu hành khách, với công suất tăng lên 30 triệu hành khách vào năm 2030. Số lượng khách du lịch tới Campuchia tăng từ hơn 2 triệu du khách nước ngoài năm 2009 lên 6,6 triệu vào năm 2019. Trung Quốc chiếm 34% tổng số du khách nước ngoài tới Campuchia.

Cũng nằm trong các nước đầu tư vào sân bay, Việt Nam sẽ đầu tư gần 100.000 tỷ đồng (4 tỷ USD) để nâng công suất sân bay quốc tế Nội Bài lên 60 triệu hành khách vào năm 2030, gấp 2,5 lần so với hiện tại. Malaysia có kế hoạch đón 150 triệu hành khách tại các sân bay, gấp đôi công suất hiện tại. Singapore đang hướng tới mục tiêu đón 140 triệu hành khách, tăng 75% so với con số hiện nay. Philippines đang lên kế hoạch cho 4 dự án mở rộng sân bay quanh thủ đô Manila. Tuy nhiên, vai trò của từng sân bay chưa được xác định rõ ràng, điều này có thể dẫn đến sự cạnh tranh giành khách hàng.

Cần thận trọng

Kế hoạch mở rộng các sân bay gần thủ đô của 7 quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore và Campuchia) với tổng công suất xử lý hành khách hàng năm sẽ đạt ít nhất 653 triệu người vào năm 2030. Có thể thấy, các nước Đông Nam Á đang gấp rút mở rộng các sân bay lớn xuất phát từ sự gia tăng nhu cầu trong nước, trong bối cảnh tầng lớp thu nhập trung bình ngày càng tăng, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài và khách du lịch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng cũng có những lo ngại về đầu tư quá mức.

Theo Tập đoàn phát triển máy bay Nhật Bản, nhu cầu hành khách hàng không ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng gần gấp 3 trong 2 thập niên kể từ năm 2019. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của khu vực là 4,6%, cao hơn con số toàn cầu là 3,4%. Các sân bay lớn hơn dự kiến sẽ cải thiện khả năng tiếp cận của du khách với phần còn lại của thế giới, điều này sẽ thu hút không chỉ nhiều hành khách hơn mà còn cả các công ty nước ngoài mới. Khoản đầu tư lớn cần thiết cho việc mở rộng này cũng sẽ có tác động kinh tế đáng kể.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những kỳ vọng cao của các chính phủ về lợi ích kinh tế có thể cần hoạch định kỹ hơn để tránh lãng phí. Theo ông Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng của Dai-ichi Life, việc phát triển sân bay đòi hỏi phải chi tiêu rất lớn và thúc đẩy nhu cầu nội địa, có tác động lan tỏa kinh tế lớn và các nhà chức trách có xu hướng tiến hành ngay cả khi kế hoạch của họ chưa tối ưu. Bài toán được đặt ra là tính chính xác của dự báo về nhu cầu hành khách ở từng sân bay và đường sắt cao tốc. Nếu không, điều này có thể làm suy giảm hiệu quả đầu tư.

Tin cùng chuyên mục