Nhiều trường hợp không nên ăn chay

Ăn chay đúng cách
Nhiều trường hợp không nên ăn chay

Thông thường, những người ăn chay trường thường thiếu chất đạm nguồn gốc động vật. Vì vậy, để cân bằng dinh dưỡng, họ cần phải bổ sung đạm từ thực vật là các loại đậu nành, đậu xanh, đậu đen, đậu phộng… Trong đó, thực phẩm phổ biến và có lượng đạm cao để người ăn chay trường bổ sung dinh dưỡng là đậu nành. Ngoài ra, những người ăn chay trường cũng thường thiếu sắt, chất bột đường... Vì vậy, họ cần uống thuốc bổ sung để cung cấp đủ chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chắc chắn không bằng so với ăn uống tự nhiên.

Đối với những người ăn chay không theo tín ngưỡng, họ có thể ăn trứng và sữa để bổ sung đầy đủ chất đạm cho cơ thể. Trong chế độ ăn chay, cần đảm bảo đầy đủ chất tinh bột có trong cơm, mì, nui, bún, phở (chiếm 60% tổng năng lượng của khẩu phần chính). Ngoài ra, cơ thể cũng cần được cung cấp vitamin, chất xơ và khoáng chất có rất nhiều trong rau củ, quả; chất béo (dầu ăn thực vật). Việc dùng quá nhiều dầu ăn hoàn toàn không tốt cho bất kỳ ai.

Thực tế, có nhiều trường hợp ăn chay trường vẫn khỏe mạnh, da hồng hào... có thể do di truyền, độ tuổi, chế độ ăn tốt, biết cách bảo vệ da, tâm trạng thoải mái... Tuy nhiên, một số trường hợp không nên ăn chay như phụ nữ đang mang thai, cho con bú, trẻ nhỏ và người bệnh đang phục hồi sức khỏe. Nếu phụ nữ mang thai ăn chay sẽ thiếu iốt. Nếu họ tập trung bổ sung iốt qua việc ăn nhiều muối cũng không có lợi cho sức khỏe bởi ăn mặn khiến người mẹ mang thai từ 7-8 tháng bị phù nề và nguy cơ bị sản giật rất cao, nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con. Tương tự, trẻ em và người bệnh cũng cần phải có đủ dưỡng chất  để giúp phát triển và phục hồi sức khỏe.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp
Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM


Ăn chay đúng cách

Theo tôi, có nhiều lý do khiến nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau quyết định ăn chay. Ví dụ, người theo đạo Phật ăn chay để tránh sát sanh, giúp thân tâm nhẹ nhàng, giảm tham - sân - si... Người Công giáo cũng ăn chay, cũng nhằm mục đích tu tâm dưỡng tánh. Không ít người ăn chay vì lý do không thích hoặc không thể ăn được thịt động vật. Ngoài ra, cũng có người ăn chay xuất phát từ những ước nguyện mãnh liệt của tinh thần như cầu thi đỗ, cho người thân hết bệnh, tai qua nạn khỏi…

Thành phần thức ăn chay thường nhiều chất xơ, ít cholesterol, giàu vitamin các loại nên rất tốt cho sức khỏe, giúp phòng ngừa và hỗ trợ rất nhiều trong các bệnh lý mãn tính liên quan ăn uống như béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, ung thư, sỏi mật, táo bón, sa sút trí tuệ, tai biến mạch máu não, loãng xương… Ngày nay, xu hướng ăn chay ngày càng phát triển mạnh ở nhiều nước với mục đích phòng và hỗ trợ trong việc giảm cân, chữa trị một số bệnh lý mạn tính liên quan ăn uống, gọi là ăn chay vì sức khỏe hay ăn chay dinh dưỡng.

Ăn chay dinh dưỡng và ăn chay đúng cách là ăn đủ 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ nhằm cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Các món ăn trong bữa chính phải đủ 4 nhóm chất: bột, đường, đạm (đậu hũ, sữa đậu nành, đậu phộng, muối mè, nấm, đậu que, đậu đũa, đậu Hà Lan, đậu xanh…), dầu và rau trái. Không ăn thịt cá thì thay bằng đậu hũ, nấm, đậu hạt... Các bữa ăn cần đa dạng và đổi món thường xuyên, luôn có rau trái để có nguồn vitamin C giúp cơ thể hấp thụ chất sắt trong thức ăn.

Người ăn chay trường hoặc người cần nhu cầu dinh dưỡng cao có thể uống thuốc bổ sung sắt, vitamin… nhưng nên theo chỉ định của bác sĩ. Ãn gạo lứt muối mè cũng là cách giúp cơ thể bổ sung chất béo có nguồn gốc thực vật, giảm năng lượng, giảm cân, từ đó có thể giảm một số bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, tai biến mạch máu não do xơ vữa động mạch, thiếu máu cơ tim do xơ vữa, béo phì...

BS Ðào Thị Yến Thủy
Khoa Truyền thông Giáo dục Sức khỏe
Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM

Tin cùng chuyên mục