Nhớ cô Bảy Vân

Đó là một người hiểu lẽ đời, hiểu khó khăn của lứa sinh viên Sài Gòn đầu tiên vào làm việc tại Báo SGGP, những người trẻ vừa tròn 20 tuổi - mà ở đó mỗi người là một cảnh đời, từ người mang nỗi đau khi bất ngờ gia đình bị đánh tư sản oan, đến người gặp khó khăn trong lý lịch, trong đời sống... lúc nào cũng có cô lặng lẽ đi bên cạnh để nâng đỡ tinh thần.
Cô Bảy Vân tiếp đoàn nhà báo Liên Xô thăm Báo SGGP năm 1987
Cô Bảy Vân tiếp đoàn nhà báo Liên Xô thăm Báo SGGP năm 1987

Có lẽ, cô xuất thân từ gia đình trí thức miền Nam, nên dễ thương cảm cho đám sinh viên Sài Gòn lơ ngơ, láo ngáo những ngày bước chân vào cuộc sống mới đầy lạ lẫm, không ít bão tố và còn lắm suy tư.

Đó là những ngày cô sát cánh cùng tập thể báo, chèo chống vượt qua khó khăn, đói nghèo của một thời bao cấp. Không ồn ào khẩu hiệu, nhưng cô đã cùng chú Tô Hòa, chú Ba Trinh... chủ động áp dụng phương thức “kinh tế thị trường” vào hoạt động kinh tài của báo từ rất sớm, giúp báo vươn lên, tự chủ tài chính. Một giai đoạn hoàng kim của Báo SGGP, với nội lực mạnh mẽ và số báo bán trên thị trường cao nhất thành phố.

Đó cũng là thời chúng tôi được khuyến khích bứt phá lên trong bài vở, với một phong cách làm báo đậm chất Sài Gòn, vượt trên mọi rào cản làm báo xơ cứng và giáo điều cũ kỹ. Những bài báo đi thẳng vào việc phê phán, vạch trần những tiêu cực xã hội, những chính sách thiếu khoa học, không đặt nền tảng trên lợi ích của dân, luôn được cô và cả ban biên tập ủng hộ. Chúng tôi xốc về phía trước với một hậu phương vững chắc bảo vệ sau lưng.

Thời gian chẳng chờ đợi ai bao giờ. Ngậm ngùi chia tay cô, người làm báo chân chính.

Tin cùng chuyên mục